Một buổi bán hàng online của Viya thu hút hàng chục triệu người xem, thậm chí "nữ hoàng livestream" còn bán thành công cả tên lửa trị giá 5,6 triệu USD.
Viya bán mọi thứ từ mì gói tới mắt kính, ghế ngồi massage trên kênh livestream của mình. Ảnh: Bloomberg. |
Huang Wei (34 tuổi), còn được biết với cái tên Viya, được mệnh danh là "nữ hoàng livestream" khi thu hút hàng chục triệu người xem mỗi buổi cô chủ trì trực tuyến dành cho các fan hâm mộ trên khắp Trung Quốc.
Thậm chí, Viya còn đạt kỷ lục khi có lượng khán giả hơn 37 triệu người trong 1 buổi livestream – hơn cả tập cuối Game of Thrones hay lễ trao giải Oscars.
Bloomberg đưa tin, vào tháng 4/2020, Viya bán một tên lửa với giá 40 triệu NDT (tức là 5,6 triệu USD). Quả tên lửa làm nên tên tuổi của Viya được "ký gửi" bởi công ty ExPace có trụ sở tại Vũ Hán, một công ty con của China Aerospace Science & Industry Corporation Limited (CASIC).
CASIC cũng là công ty phóng tên lửa thương mại đầu tiên của Trung Quốc. Danh tính công ty thuê dịch vụ phóng tên lửa không được tiết lộ.
Mỗi tối, Viya livestream từ căn phòng nhỏ trong trụ sở chính của cô – một tòa nhà 10 tầng tại tỉnh Quảng Châu. Khán giả của Viya đặt khối lượng hàng trị giá vài triệu USD – chủ yếu là mỹ phẩm, đồ gia dụng, thực phẩm sẵn hay quần áo. Nữ hoàng streamer cũng bán được cả nhà và ô tô. Trong ngày lễ mua sắm "Singles Day", cô này đã đạt doanh số 3 tỷ NDT.
Viya là một trong 500 nhân viên của công ty Qianxun Group, trụ sở ở Hàng Châu. Xung quanh Viya có rất nhiều nhân viên phụ trách về quảng cáo, về mạng xã hội, nhân viên kỹ thuật, quay phim hoặc người sắp xếp hàng hóa.
Trong khi dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế trên toàn thế giới thì công việc kinh doanh của Viya lại thăng hoa do người dân Trung Quốc phải thực hiện cách ly trong thời gian dài mà không thể ra ngoài mua sắm trực tiếp.
"Tôi xem chính mình như một người giúp khách hàng đưa ra quyết định – tôi cần nghĩ về những nhu cầu của họ. Đặc biệt, tham vọng của tôi là cung cấp mọi thứ cho những người hâm mộ mình. Từ thảm, bàn chải đánh rằng, nội thất, mọi thứ", Viya nói.
Đội ngũ của Viya thừa nhận cô thành công bởi biết cách "kén cá chọn canh" hộ khách hàng. Từ chất lượng sản phẩm tới việc mặc cả giá đều được Viya và đội ngũ của mình thực hiện rất cẩn thận trước khi livestream bán hàng.
Trên thực tế, khách hàng thường di chuyển rất chậm từ việc nhận thức sản phẩm tới mua và rồi trung thành với sản phẩm đó. "Làm việc với những ngôi sao livestream như Viya khiến quá trình đó ngắn lại", Helen Hu - người phát ngôn P&G Trung Quốc đại lục nói.
Livestream trên các trang thương mại điện tử là một thuật ngữ không mới ở các quốc gia phát triển.
Không quốc gia nào mà livestream có nhiều tiềm năng phát triển như Trung Quốc, nhiều chuyên gia khẳng định mua hàng qua livestream sẽ trở thành thói quen và một kênh bán hàng quan trọng của các nhà phân phối bán lẻ.
Theo như nghiên cứu của tập đoàn Alibaba, "ngành công nghiệp livestream" ở Trung Quốc đang được định giá khoảng 60 tỷ USD, cá nhân "nữ hoàng" Viya nhận về 4,2 triệu USD trong năm 2018.
Khởi nghiệp từ việc kinh doanh quần áo, năm 2012 Viya chuyển toàn bộ hoạt động kinh doanh buôn bán lên trực tuyến và khi Taobao ra tính năng livestream vào năm 2016, Viya đã là một trong những người đầu tiên tham gia.
Tesla, P&G là và cả siêu mẫu Miranda Kerr cũng đã tìm đến Viya để hợp tác giới thiệu sản phẩm của họ cho thị trường Trung Quốc. Viya được xem là "nữ hoàng" trong hệ sinh thái mua sắm online 60 tỷ USD của Trung Quốc.
Viya có những độc chiêu khiến khách hàng đổ xô mua sản phẩm mình giới thiệu. Mọi thứ đều chưa được mua cho đến khi Viya bắt đầu đếm ngược 5, 4, 3, 2, 1. "Sự sợ hãi khan hiếm hàng là một đòn tâm lý hữu hiệu khiến mọi người phải hành động thật nhanh, mua hàng mau chóng vì sợ hết. Trong những buổi livestream tâm lý này càng nặng nề bởi thời gian khá ngắn và họ không thể suy nghĩ được nhiều".
Bạch Hiền (t/h)