(ĐSPL) - Thời gian qua, nhiều đối tượng tự nhận mình là nhân viên Văn phòng Chính phủ, vợ lãnh đạo cấp cao, Thứ trưởng, thậm chí giả mạo cả con dấu, chữ ký của Thủ tướng... để lừa đảo đã bị cơ quan công an bắt quả tang.
Từ thực tế này cho thấy, "đất diễn" cho bọn tội phạm này vẫn còn khi niềm tin của người dân, doanh nghiệp hoặc thậm chí là của chính các cán bộ Nhà nước cũng bị lợi dụng. Điều đáng nói là, vì sao những kẻ lừa đảo dạng này vẫn lộng hành và cấp độ tạo vỏ bọc ngày càng cao? Phải chăng đó là lỗ hổng từ cơ chế hay do tâm lý xin - cho?
Báo động tình trạng nhiều kẻ mạo danh cán bộ Nhà nước để lừa đảo (ảnh minh họa). |
Chiêu trò của các “siêu lừa”
TAND TP.Hà Nội ngày 18/11/2014 vừa qua tiến hành xét xử một “siêu lừa” 9X mang tên Nguyễn Tuấn Anh (ngụ tại Ba Đình, Hà Nội) về tội Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản. Tất cả cánh phóng viên cùng tò mò bởi một lẽ, dù còn rất trẻ, nhưng Tuấn Anh đã thể hiện là một tay lừa đảo có hạng khi nhẹ nhàng "đút túi" 15.000 USD của một lãnh đạo ngành quản lý thị trường Hà Nội chỉ với một cái gật đầu rằng, mình là con trai của một lãnh đạo ở Hà Nội.
Video tham khảo:
Thuê người giả danh Thứ trưởng Bộ Y tế lừa đảo hơn 6 tỷ đồng
Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Tiến Anh biết Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội có nhiệm vụ bán đấu giá thanh lý sản phẩm nhãn mác Gucci trị giá khoảng 100 tỉ đồng. Tiến Anh tìm gặp lãnh đạo Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội, tự giới thiệu là Thanh - con trai của một lãnh đạo ở Hà Nội và đề nghị mua lô hàng thanh lý nói trên. Khi đã lấy được lòng tin, Tiến Anh đang ở Singapore gọi điện cho cán bộ Đội Quản lý Thị trường số 14 Hà Nội hỏi vay 15.000 USD với lý do cần tiền chữa bệnh. Số tiền trên nhanh chóng được đáp ứng. Tuy nhiên, không lâu sau, chân tướng của nhân vật này đã lộ diện khi hắn chỉ là một kẻ lừa đảo không có bất cứ quan hệ họ hàng với vị lãnh đạo Hà Nội như tự giới thiệu.
Nếu như Tuấn Anh được ví như tay lừa đảo "có số" thì cặp đôi "hoàn hảo" Trần Ngọc Quyết (61 tuổi, trú tại Nghĩa Hưng, Nam Định) và Phan Ngọc Thực (43 tuổi, Quảng Bạ, Hà Giang), được coi là những "siêu lừa" có một không hai. Với những tập hồ sơ, tài liệu làm giả con dấu và chữ ký của... Thủ tướng Chính phủ, Quyết và Thực đã lừa gần 100 tỉ đồng của các doanh nghiệp.
Theo tài liệu từ cơ quan công an mà PV ghi nhận được, sau khi cùng bàn bạc, Quyết nhận nhiệm vụ làm giả các giấy tờ như: Giấy chứng nhận cán bộ quản lý dự án, hồ sơ tài liệu về việc thành lập ban quản lý dự án An sinh xã hội, các giấy tờ, con dấu giả của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, Thực nhận nhiệm vụ đi các tỉnh khảo sát, tìm các dự án đang cần huy động vốn rồi báo lại cho Quyết. Để "màn kịch" thành công hơn, Quyết và Thực còn chịu chi một khoản tiền mua lại 4 chiếc xe ô tô BKS 80B để thuận tiện trong việc đi lại và đánh lừa các bị hại. Sau đó, hai "siêu lừa" này đến tìm các chủ đầu tư, Quyết giới thiệu là trưởng ban dự án của Chính phủ, còn Thực là cán bộ dự án.
Để tạo lòng tin chúng rêu rao với chức năng, quyền hạn của một trưởng ban dự án, Quyết "chém" có thẩm quyền phê duyệt dự án và trình Thủ tướng Chính phủ ký giải ngân nguồn vốn vay quốc tế (vốn ODA) hỗ trợ không hoàn lại?! Khi đã tạo được lòng tin, Quyết và Thực yêu cầu chủ đầu tư đưa tiền trước để Quyết làm thủ tục giải ngân. Mặt khác, hai đối tượng này đến gặp các nhà thầu, đề nghị các nhà thầu xây dựng muốn tham gia dự án phải đưa tiền cho Quyết và Thực để được ưu tiên?! Với hàng loạt các hồ sơ, tài liệu, giấy tờ được làm giả y như thật, cho đến khi bị bắt, hai đối tượng đã lừa đảo gần 100 tỉ đồng của các bị hại.
"Cao tay" và liều lĩnh hơn phải kể đến đối tượng Nguyễn Thị Hằng, khi "kiều nữ" này cả gan mạo danh là "phu nhân" của một cán bộ cao cấp để lừa chủ tịch một tỉnh miền Trung, xin dự án khai thác mỏ trên địa bàn. Ba ngày sau, người tự xưng "phu nhân" đã phái cô "cháu gái" từ Hà Nội đến để gặp vị chủ tịch tỉnh này. Nhưng khi cô cháu gái cất lời thì ông chủ tịch tỉnh phát hiện chính là giọng của "phu nhân" mà ông đã nghe qua điện thoại trước đó. Sự nghi ngờ đã khiến ông chủ tịch tỉnh bí mật báo cho cơ quan chức năng để làm rõ. Nhận được thông tin, chỉ ít giờ sau, các điều tra viên thuộc cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (cục C45) đã có mặt, kịp thời để vén bức màn bí mật về người phụ nữ trẻ, tự nhận là "phu nhân" của cán bộ cao cấp này.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho biết, trước đó, Nguyễn Thị Hằng cứ xoen xoét tự nhận mình là vợ của lãnh đạo bộ này, trưởng ngành nọ, mạo nhận là con cháu các đồng chí lãnh đạo rồi gọi điện tới lãnh đạo công an một số tỉnh, UBND tỉnh để can thiệp vào các vụ án mà công an các cấp đang điều tra để xin thả các đối tượng bị bắt. Ả còn liên tiếp gọi điện đến các cơ quan chức năng, đề nghị được khai thác các dự án mỏ để làm kinh tế. Một sự bất thường nữa là, cứ khi các sới bạc lớn bị công an bắt giữ là y như rằng, Hằng có mặt và xưng là con ông nọ, cháu bà kia để xin xỏ cho các đối tượng bị bắt được tha.
Những lỗ hổng để kẻ gian lợi dụng
Trước thực trạng nhức nhối của việc lừa đảo, một nguồn tin mới nhất mà PV bản báo có được, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến, vừa có một văn bản yêu cầu các cấp chính quyền và người dân nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo, "chạy vốn, chạy dự án"... của một số kẻ cơ hội xuất hiện gần đây trên địa bàn. Trong khi đó, giới học giả tiếp tục đưa ra các khuyến nghị, sự hình thành các nhóm lợi ích là một xu thế và thông điệp mới đây của Chủ tịch Thanh Hóa chỉ là sự thừa nhận một tình trạng đã trở nên phổ biến trong nền kinh tế. Thực tế trong bất cứ lĩnh vực nào, "cò" chỉ xuất hiện khi có môi trường để "cò" phát triển và "hành nghề".
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích: “Thể chế là khâu quan trọng nhất, quyết định xu hướng, quy mô và tốc độ tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bao gồm ba nội dung chính là luật chơi, cách chơi và người chơi; nhưng trong đó, cách hình thành luật chơi và nội dung của luật chơi chưa có nhiều thay đổi”.
Theo TS. Cung, luật chơi hiện nay vẫn tiếp tục phụ thuộc quá nhiều vào các văn bản hướng dẫn thi hành luật (Nghị định, Thông tư) và các quyết định điều hành mang tính hành chính của các cấp có thẩm quyền. Hiệu lực pháp luật đang dựa nhiều vào giải thích và cách thức thực hiện của các bộ, ngành và người có thẩm quyền có liên quan, dẫn tới tình trạng "xin - cho".
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, trong một phát biểu về thực trạng doanh nghiệp Việt Nam từng nói rằng, "xin được lô đất hay cái mỏ đá thì giàu nhanh, đầu tư cho khoa học và công nghệ thì 5-10 năm vẫn chưa thấy gì". Vì thế, ông Doanh không ngần ngại nói thẳng, nếu bây giờ ngồi đợi các tỉnh có dự án và vốn rồi mới vào tham gia đấu thầu là coi như không còn cơ hội. Trên thực tế, chính các nhà thầu đi tìm dự án ở địa phương, chủ động tìm nguồn vốn về và "gí" vào tay lãnh đạo địa phương. Khái niệm "chạy nguồn" đã trở thành quen thuộc với rất nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ trong thời gian qua. Đây là mầm mống cho kẻ gian lợi dụng để lừa đảo.
Liệu có cán bộ mất phẩm chất "chống lưng" cho kẻ lừa đảo?
Đây là nhận định của ông Nguyễn Công Ngọ, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khi được hỏi về tình trạng nhiều kẻ lừa đảo mạo danh cán bộ Nhà nước để lừa đảo.
Ông Nguyễn Công Ngọ cho hay: "Nhiều đối tượng khi đi lừa đảo tỏ ra rất am hiểu quy trình, thủ tục của các cơ quan hành chính Nhà nước. Việc này có thể xuất phát từ những kẽ hở trong quản lý của chúng ta. Vì thế, chúng ta không loại trừ khả năng có những cán bộ mất phẩm chất đứng đằng sau "chống lưng" cho những kẻ lừa đảo. Những người này có thể cung cấp cách thức hoạt động của cơ quan nào đó, giúp cho những kẻ lừa đảo nắm được quy trình cũng như sơ hở để thực hiện các phi vụ lừa đảo”.
Ông Nguyễn Công Ngọ. |
Chưa hết, ông Nguyễn Công Ngọ còn cảnh báo tình trạng có nhiều đối tuợng tự xưng là con, cháu cán bộ cấp cao để lừa đảo: “Bản thân tôi cho rằng, đây là điều hết sức đáng lưu ý. Nhiều khi các cơ quan chức năng hoặc người dân tin vào một vị lãnh đạo nào đó nên khi các đối tượng lừa đảo giả danh làm con cháu họ thì người ta lập tức tin theo.
Chính điều này đã gây ra những hậu quả đáng tiếc thời gian qua. Nhiều khi, các đối tượng giả danh là con ông A, con ông B... và người ta cũng không dám kiểm tra lại xem thông tin đó đúng hay không, nhất là khi những kẻ lừa đảo lại tỏ vẻ rất hiểu chuyện gia đình lãnh đạo chẳng hạn. Vì thế, đây là một thực tế rất đáng báo động và công dân phải cảnh giác cao độ. Chúng ta cần xử lý nghiêm những trường hợp lừa đảo theo kiểu này để không ảnh hưởng đến uy tín của tập thể, cá nhân lãnh đạo".
3 "tử huyệt" khiến những nạn nhân sập bẫy Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, Đội trưởng đội 2, Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Hà Nội cho biết: "Việc các đối tượng mạo danh cán bộ Nhà nước đi lừa đảo liên tiếp bị phát hiện thời gian qua, theo tôi có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là do cơ chế "chạy chọt, xin - cho" của chúng ta vẫn còn, nhất là trong các lĩnh vực: Công tác cán bộ, hoạt động kinh tế, sản xuất... của các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang. Nguyên nhân thứ hai là tâm lý nể nang của một số cán bộ, công chức Nhà nước. Vì thế, khi các đối tượng xưng là con, cháu ông này, vợ ông kia thì người ta nể nang với hy vọng sau này có thể nhờ vả những lãnh đạo đó. Nguyên nhân thứ ba là nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân vẫn còn hạn chế, một số người do thiếu hiểu biết, thấy người ta hứa hẹn xin cho vào công an, vào các cơ quan quan trọng của Nhà nước như Văn phòng Chính phủ... thì lập tức tin ngay. Nhiều người vẫn ảo tưởng, có thể dùng tiền để có thể chạy được những việc như vậy và đây chính là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ lừa đảo thực hiện. Thêm vấn đề nữa là nhiều cán bộ, công chức có vi phạm trong quá trình công tác nên khi thấy các đối tượng xưng là thanh tra, là công an... thì lại sợ hãi, "có tật giật mình" nên phải có những hành động như mua chuộc, đút lót tiền hoặc đồng ý với những điều kiện này kia. Đây cũng có thể coi là nguyên nhân khá quan trọng để dẫn tới những sự việc đáng tiếc thời gian qua. |