+Aa-
    Zalo

    Nhận diện thủ đoạn của những “bóng ma” online

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chiêu thức gọi điện thoại giả danh cán bộ công an, nhân viên ngân hàng để lừa đảo không mới, tuy nhiên thời gian gần đây, lại có dấu hiệu bùng phát và có biến tướng mới.

    Chiêu thức gọi điện thoại giả danh cán bộ công an, nhân viên ngân hàng để lừa đảo không mới, tuy nhiên thời gian gần đây, lại có dấu hiệu bùng phát và có biến tướng mới. Cụ thể là ứng cài đặt ứng dụng “Bộ Công an” vào điện thoại, những tin nhắn, cả mã OTP chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng đều bị đối tượng kiểm soát...

    Âm mưu quỷ quyệt của “kẻ giấu mặt”

    Trên thực tế, thời gian qua không ít đối tượng gọi điện đến điện thoại cố định, sau đó xưng danh là cơ quan pháp luật dọa dẫm nạn nhân nợ tiền thẻ tín dụng và trong tài khoản có một khoản tiền lớn từ tội phạm ma túy chuyển vào, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân...

    Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo gọi điện thoại.

    Gần đây nhất, ngày 28/8, phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội cho biết, đang điều tra vụ việc sử dụng cài đặt ứng dụng “Bộ Công an” lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Theo các chuyên gia, đây là thủ đoạn mới của tội phạm khi lừa đảo nạn nhân cài đặt ứng dụng “Bộ Công an” vào điện thoại, những tin nhắn, cả mã OTP chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng đều bị đối tượng kiểm soát.

    Được biết, nạn nhân trong vụ án là chị Đặng T.M.A. (SN 1972, trú quận Ba Đình, Hà Nội) đã gửi đơn trình báo đến Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

    Theo trình bày của chị A. Khoảng 11 giờ ngày 11/8, nạn nhân nhận được một cuộc điện thoại vào số máy cố định của gia đình. Đầu dây bên kia một người phụ nữ tự xưng là nhân viên bưu điện cho biết, chị A. có một bưu phẩm thông báo nợ thẻ tín dụng số tiền 36 triệu đồng của một ngân hàng.

    Tuy nhiên, chị A. khẳng định bản thân không mở thẻ tín dụng nào của ngân hàng thì được người này nối máy tới cơ quan CSĐT Công an TP. Hồ Chí Minh. Lập tức đầu dây điện thoại bên kia, một người đàn ông tự xưng là Công an, tên Nguyên, yêu cầu chị A. cung cấp thông tin cá nhân, số thẻ căn cước công dân, số điện thoại di động.

    Tiếp đến, người này lấy điện thoại di động gọi vào số di động của chị A. và hẹn sáng hôm sau sẽ liên hệ lại. Đến 8 giờ ngày 12/8, người đàn ông tên Nguyên tiếp tục gọi điện cho chị A., thông báo đã xác minh thông tin và được biết chị A. có một tài khoản ngân hàng khác.

    Được biết, tài khoản này theo như Nguyên nói là đã nhận được số tiền rất lớn đến hàng chục tỷ đồng từ các đối tượng trong một đường dây mua bán trái phép chất ma túy và rửa tiền. Thấy chị A. hoang mang, lo lắng và liên tục khẳng định không liên quan đến số tiền trên và không có tài khoản nào nhận được số tiền lớn như vậy, người đàn ông lại chuyển điện thoại cho một người khác, giọng miền Nam, được giới thiệu là cấp trên của Nguyên.

    Các đối tượng giả danh ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng.

    Nhận diện thủ đoạn ra sao? Theo tìm hiểu, để tăng độ “tin cậy”, người này yêu cầu chị A. muốn chứng minh bản thân vô tội thì phải mua một chiếc điện thoại mới, cài đặt ứng dụng “Bộ Công an”, đồng thời sử dụng một số điện thoại khác để mở thẻ ngân hàng rồi chuyển tiền vào đó để cơ quan Công an xác minh?!

    Trong lúc hoang mang lo sợ, chị A. lập tức đi mua một chiếc điện thoại cùng với sim mới và cài đặt ứng dụng có tên “Bộ Công an” theo đường link mà người lạ gửi tới.

    Khoảng 14h cùng ngày, chị A. đến một ngân hàng mở tài khoản mới rồi gửi vào đó số tiền 476.953.000 đồng. Sau đó, chị A. nhắn tin thông tin cho đối tượng về cách thức đăng nhập, mật khẩu tài khoản ngân hàng.

    Sau 3 ngày, đối tượng tiếp tục yêu cầu chị A. mở một tài khoản ngân hàng khác và làm đúng như hướng dẫn trước đó. Lần này, linh cảm bị lừa nên chị A. không làm theo, đồng thời làm đơn trình báo gửi Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

    Quá trình điều tra, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát hiện, ứng dụng “Bộ Công an” có hình đại diện là huy hiệu Bộ Công an, khi truy cập ứng dụng sẽ hiển thị “Hệ thống bảo vệ Bộ Công an” với các mục chọn nhưng đều báo lỗi. Tuy nhiên, ứng dụng này có quyền nhận, đọc, gửi và xem tin nhắn văn bản SMS của điện thoại. Từ đó, đối tượng có thể đọc được tin nhắn OTP của ngân hàng và thực hiện các giao dịch chuyển tiền như chủ tài khoản ngân hàng.

    Hiện cơ quan điều tra CATP Hà Nội đang tiếp tục điều tra mở rộng làm rõ.

    Và những chiêu trò không điểm dừng

    Mới đây, anh Phạm Tấn Thanh (ngụ tỉnh Bình Dương) nhận được cuộc gọi từ một người xưng là nhân viên một ngân hàng. Người này thông báo rằng anh Thanh đang có giao dịch chuyển tiền bị treo trên hệ thống, cần kiểm tra một số thông tin như giao dịch gần đây nhất, số dư tài khoản hiện tại.

    Vì đã biết nhiều trường hợp người dân bị lừa đảo mất tiền bởi đối tượng mạo danh, anh Thanh cảnh giác đặt nghi vấn. Tại sao cuộc gọi này sử dụng số điện thoại di động mà không dùng số máy bàn của ngân hàng, giọng điệu của người gọi đến nghe có vẻ không đúng theo nghiệp vụ của nhân viên tại ngân hàng. Sau đó anh Thanh đặt một vài câu hỏi như cuộc gọi từ chi nhánh nào của ngân hàng, địa chỉ, người này lập tức tắt máy.

    Với thủ đoạn tương tự, anh Thái Hoàng đang công tác tại một cơ quan báo chí tại TP. HCM, cũng từng bị một đối tượng nặc danh gọi điện đến số cá nhân, yêu cầu hợp tác để điều tra về một vụ án do TAND TP. HCM đang thụ lý.

    Nhưng sau đó anh Hoàng đã bình tĩnh xác minh số điện thoại gọi đến, chất vấn lại đối tượng nặc danh một số câu hỏi. Biết nạn nhân đã phát hiện mánh khóe của mình, đối tượng này lập tức biến mất.

    Cảnh báo từ ngân hàng và Bộ Công an

    Do thời gian gần đây tình trạng mạo danh ngân hàng gọi điện lừa đảo khách hàng bàng phát diễn ra liên tục. Nhiều ngân hàng như Techcombank, VIB, ACB, Eximbank đã phải gửi email, thông tin cảnh báo cho khách hàng.

    Theo thông báo từ các ngân hàng, ngoài giả mạo nhân viên ngân hàng, cơ quan điều tra, kẻ gian còn dùng chiêu khác như thông báo trúng thưởng, gửi đường dẫn tới các trang web giả mạo ngân hàng... mà người dùng cần phải cảnh giác và tuyệt đối lưu ý bảo mật thông tin.

    Trong tin nhắn gửi mã OTP, các nhà băng đã có khuyến cáo rất rõ: "Không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng". Tuy nhiên, vẫn có những người lơ là, mất cảnh giác và sập bẫy.

    Đại diện chi nhánh Techcombank Gia Định tại TP. HCM cho biết"Ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin bảo mật tài khoản như mật khẩu, mã truy cập, mã OTP... Khi xảy ra trường hợp có người tự xưng là nhân viên ngân hàng, yêu cầu cung cấp những thông tin về tài khoản như trên, chắc chắn đó là đối tượng lừa đảo”.

    Đánh giá về mức độ nguy hiểm của loại tội phạm này và hình thức xử lý, luật gia, luật sư Trần Đình Dũng, trung tâm Tư vấn pháp luật TP. HCM (thuộc Trung ương Hội luật gia Việt Nam) nhận định.

    Có thể lĩnh án chung thân

    Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ lừa đảo bằng hình thức giả danh cơ quan chức năng để chiếm đoạt tài sản. Trong các trường hợp phạm "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" qui định Điều 174 BLHS, thì đây là một hình thức lừa đảo tinh vi, đối tượng lừa đảo đánh vào tâm lý "ngại cơ quan chức năng" của nhiều nạn nhân để thực hiện hành vi. Thậm chí, nhiều nạn nhân sau khi bị lừa đảo còn bán tín bán nghi và ngại ngần khi tố cáo lên cơ quan công an.

    “Đây là loại tội phạm lợi dụng danh nghĩa cơ quan, phần lớn là cơ quan chức năng, một loại tội phạm có tình tiết tăng khung hình phạt. Vì vậy, tôi cho rằng cơ quan chức năng cần phải xử lý mạnh tay với hình thức lừa đảo này”, luật gia, luật sư Trần Đình Dũng nhấn mạnh.

    Khoản 4, Điều 174, BLHS qui định Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Như vậy, khung hình phạt của loại tội phạm này cao nhất là chung thân, tùy vào số tiền chiếm đoạt.

    Luật gia, luật sư Dũng cũng đưa ra khuyến cáo cho người dân: “Người dân khi được người khác tự xưng là người của cơ quan này nọ thì cần liên hệ với cơ quan đó (có thể liên hệ qua điện thoại) để xác minh lại sự việc, tránh bị lừa gạt. Trường hợp đã bị kẻ xấu lừa đảo, lúc này cần nhanh chóng trình báo với cơ quan công an để kịp thời xử lý, giảm thiểu thiệt hại tài sản.

    Hoàng Việt

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 141

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhan-dien-thu-doan-cua-nhung-bong-ma-online-a291976.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan