(ĐSPL) - Công nghệ nhận diện thịt heo sạch bằng smartphone được xem là hay nhưng nhiều ý kiến cho rằng khó khả thi…
Đeo vòng nhận diện cho heo
Tới đây, người tiêu dùng sẽ có thể giải bài toán phân biệt thịt heo sạch, bẩn qua ứng dụng trên smartphone
Theo đó hội Công nghệ cao TP. HCM đã thiết kế một ứng dụng miễn phí cài đặt trên điện thoại để soi vào thịt heo và có thể nhận diện được nguồn gốc thịt, cách chăm sóc cũng như cách giết mổ. Giải pháp được đơn vị này lấy tên TE-FOOD, dựa theo sự tích hợp nhiều công nghệ khác nhau. Thịt heo khi được quản lý bởi chuỗi ứng dụng công nghệ này sẽ qua một con tem. Từng miếng thịt đến tay người tiêu dùng đều có nguồn gốc rõ ràng của từng trại nuôi, cán bộ kiểm dịch... nên gắn với trách nhiệm cụ thể của từng người, từng khâu trong chuỗi sản xuất.
Theo quy trình đưa ra, mỗi con heo sẽ được đeo 2 vòng nhận diện ở chân sau.Những chiếc vòng này được sản xuất theo công nghệ khắc laser tại Malaysia, có khả năng chịu nhiệt, chịu lực cao, chống giả mạo và không thể tháo ra lắp lại. Nhiệm vụ của 2 chiếc vòng này là kích hoạt chế độ theo dõi cho đến khi những con heo được xuất chuồng. Nếu đạt chuẩn, chúng sẽ được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thú y điện tử.
Sau đó, ngay trong quá trình mổ, người kiểm dịch sẽ có nhiệm vụ xác nhận tiêu chuẩn và đóng dấu mộc lên thịt heo sau đó dán tem nhãn vệ sinh thú y điện tử lên thịt.
Khi ra đến chợ, ban quản lý và nhân viên kiểm dịch sẽ làm thao tác dùng máy chuyên dụng để kiểm tra nguồn gốc. Và những người này sẽ chỉ chấp nhận số thịt đúng mã rồi niêm phong trong các thùng và giao cho tiểu thương bán.
Lúc này các tiểu thương cũng sẽ dùng điện thoại thông minh để kích hoạt “tem tiểu thương” lên tờ in mã vạch rồi dán tem mã vạch lên miếng thịt trước khi bán cho khách.
Theo quy trình này thì chi phí để truy được nguồn gốc từ trang trại cho đến khi nằm trên bàn ăn sẽ mất 9.800 đồng. Và những thông tin này cũng sẽ được lưu trữ đến 10 năm bằng cơ sở dữ liệu.
Như vậy, với chiếc điện thoại thông minh có cài đặt dữ liệu bạn có thể kiểm tra thịt bẩn hay sạch ở mọi lúc, mọi nơi theo chương trình này.
Cách nhận diện thịt heo sạch bằng smartphoneChỉ bằng một ứng dụng cài đặt miễn phí trên smartphone chị em có thể soi nguồn gốc, chất lượng thịt qua tem nhãn điện tử
Chương trình kiểm tra thịt heo bẩn, sạch dựa trên tem nhãn điện tử dự kiến sẽ được triển khai thí điểm tại 12 lò giết mổ tập trung, 2 chợ đầu mối là Hoóc Môn và Bình Điền. Năm chợ sẽ triển khai gồm: Bến Thành, Bàu Cát, Hòa Bình, An Đông, Thái Bình cùng chuỗi siêu thị Sagrifoods, Co.opmart, Vissan và Satra. Sau đó thành phố sẽ mở rộng triển khai ra các chợ lớn nhỏ cũng như áp dụng cho nhiều mặt hàng rau, củ, quả khác.
Thông tin trên báo Chất lượng Việt Nam, với bất kỳ một sản phẩm nào được đóng gói,có nhãn mác bao bì hiện nay, nếu chúng ta quan sát đều thấy có mã vạch, mã code… để cung cấp thông tin sản phẩm, quy trình kiểm soát và cũng đồng thời như một biện pháp để chống hàng giả.
Tuy nhiên, đại đa số người tiêu dùng chưa có thói quen nhận biết sản phẩm mình mua là thật hay giả, có đúng hàng chính hãng hay không…
Cài thử một vài phần mềm đọc mã vạch, tem nhận biết sản phẩm trên điện thoại, chúng tôi tiến hành khảo sát nhiều nhóm hàng tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Các sản phẩm được khảo sát từ mì gói, bột ngọt đến các sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc như: rong biển, mì, kẹo bánh, nước tăng lực… đều cho kết quả rất nhanh về mã code sản phẩm, sản xuất tại nhà máy nào, ở đâu.
Trong khi đó, những sản phẩm như: khăn giấy ướt, khẩu trang y tế giá rẻ mua tại vỉa hè một số tuyến đường thì hầu hết nhận được phản hồi về thông tin sản phẩm, thay vào đó là những cảnh bảo “hãy cân nhắc trước khi sử dụng”, được hiện trên màn hình.
Việc dùng điện thoại, smartphone để kiểm tra thịt heo sạch thông qua tem dán cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ... |
Đạo cao một thước, ma cao một trượng?
Thông tin trên báo Đất Việt, TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Nông nghiệp nhiệt đới cho rằng, cơ quan chức năng cần truy về tận gốc vấn đề, nơi sản xuất nguyên liệu để chứng minh thực phẩm sạch, đảm bảo chất lượng chứ không phải để người tiêu dùng tự phòng vệ bằng công nghệ Smartphone.
Lấy dẫn chứng từ việc TP.HCM sử dụng máy đo nitrat đo thực phẩm an toàn vào cuối năm 2015, vị chuyên gia nhấn mạnh: “Ban đầu người tiêu dùng cũng rất kỳ vọng vào việc này, nhưng sau một thời gian đi vào thực tiễn thì họ vỡ mộng bởi có nhiều vấn đề xảy ra như không thể kiểm tra được hết mọi loại thực phẩm, độ chênh lệch lớn giữa chỉ số trên máy và chỉ số người bán đưa ra....
Vì thế, việc dùng điện thoại, smartphone để kiểm tra thịt heo sạch thông qua tem dán cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Người tiêu dùng có thể cảm thấy yên tâm khi biết được một số thông tin thông quan tem mà không rõ thực chất bên trong miếng thịt như nào”, TS Nghĩa nhấn mạnh.
Vẫn đề khác đặt ra là, khi các tiểu thương ở chợ lẻ bán hàng cho khách theo nhu cầu khác nhau có thể miếng thịt 1 kg mà cũng có thể chỉ là 100 gr, thịt xay; vậy vấn đề tem sẽ giải quyết như thế nào, số lượng tem ra sao? Có trường hợp tiểu thương tham gia chương trình nhưng lại đưa hàng trôi nổi bên ngoài vào thì quản lý ra sao? Đặt ra câu hỏi trên không phải là vô lý mà đã có những bài học cay đắng như câu chuyện trước đây, tiểu thương chợ Hòa Bình (quận 5) thí điểm bán thịt heo sạch VietGAP.
Theo đó, miếng thịt VietGAP có giấy chứng nhận hẳn hoi, nhưng có tiểu thương gian dối chỉ lấy 1 con heo VietGAP sau đó “độn” thêm nhiều con heo thường vào bán như giá heo VietGap. Trên sạp thì miếng thịt nào cũng như nhau, người dùng không tài nào phân biệt được. Chỉ khi có cán bộ thú y tới kiểm tra thì các bà, các thiếu mới “ôm” thịt chạy tán loạn.
Nhận xét về đề án này, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cũng nói với cách quản lý heo bằng con tem thì dường như cơ quan chức năng đang muốn trao quyền quản lý, giám sát cho người tiêu dùng.
Điều này theo ông là không phù hợp cho lắm vì đây là trách nhiệm của người sản xuất (người chăn nuôi) và đơn vị kinh doanh giết mổ, cơ quan quản lý nhà nước. Người tiêu dùng đi mua thịt không phải ai cũng có điện thoại thông minh kết nối internet để có thể soi chiếu, truy xuất nguồn gốc thịt.
Những dữ liệu nhận được từ việc soi tem nhãn về điện thoại chưa thể đảm bảo là miếng thịt họ mua và sử dụng có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không.
Theo ông Mười, việc triển khai dự án là tín hiệu tích cực để kiểm soát nguồn thịt an toàn nhưng dự án chỉ khả thi khi được thực hiện đồng bộ giữa người nuôi với đơn vị giết mổ, bán lẻ. Chỉ khi xóa bỏ hoàn toàn các lò mổ thủ công, lò mổ lậu, quy tất cả về các lò mổ công nghiệp mới có thể loại bỏ được những nguồn thịt không đảm bảo.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin