Mới đây, một câu chuyện xảy ra ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Cậu bé tiểu học nọ nghỉ học ba tuần vì bệnh, sau khi ra viện, nhà trường yêu cầu em phải hoàn thành bù bài tập trong thời gian nghỉ ốm. Mẹ em cũng thúc giục em sớm học bù kiến thức, Điều đáng nói là em học sinh này chỉ có 2 ngày để hoàn thành bài vở của tận 3 tuần.
Đối mặt với gánh nặng học tập nặng nề như vậy khi chỉ vừa mới khỏi ốm, cậu bé cuối cùng không chịu nổi áp lực, suy sụp và gọi điện nhờ cảnh sát giúp đỡ. Cảnh sát sau đó đã an ủi cậu bé, khuyên em nên làm bài tập theo khả năng của mình, không cần cố gắng quá mức, đồng thời liên lạc với giáo viên.
Cách xử lý vụ việc của cảnh sát cho thấy sự lo ngại đối với sức khỏe tâm thần của học sinh. Họ không chỉ xoa dịu cảm xúc của đứa trẻ mà còn tích cực trao đổi với nhà trường, đề nghị nhà trường xem xét tình hình thực tế của học sinh và xây dựng kế hoạch bài tập về nhà hợp lý cho các em.
Vụ việc đã gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội về áp lực học tập của học sinh và phương pháp giáo dục của gia đình. Nó nhắc nhở phụ huynh và các nhà giáo dục chú ý hơn đến sức khỏe tinh thần và sức chịu đựng của học sinh, đồng thời tránh đặt gánh nặng áp lực học tập quá mức lên con em mình.
Qua đó cũng cho thấy nhà trường và gia đình phải phối hợp, hiểu rõ hơn về tình hình thực tế của học sinh và tạo môi trường học tập lành mạnh, cân bằng cho các em. Cũng may là cậu bé trong câu chuyện này đã chọn đúng cách để giải cứu bản thân thay vì thực hiện hành động phản kháng cực đoan.
Một cư dân mạng Trung Quốc cho biết: "Từng có vụ đứa trẻ lớp 5 nhảy lầu vì bị mẹ ép học quá mức. Trong câu chuyện này, thật may vì cậu bé đã chọn gọi cảnh sát, và cũng thật may, cảnh sát đã không coi đây là chuyện vớ vẩn mà xử lý kịp thời và có trách nhiệm".
Trước đó, Đài truyền hình Quốc gia Trung Quốc CCTV đưa tin những bức ảnh gần đây chụp các em học sinh nhỏ tuổi đang làm bài tập về nhà trong bệnh viện đã lan truyền trên mạng xã hội đại lục.
Theo đó, ở một số khu vực, bao gồm các tỉnh miền đông Giang Tô, An Huy và trung tâm tỉnh Hồ Bắc, các bệnh nhân trẻ tuổi được bệnh viện cung cấp bàn, ghế và khung truyền dịch cao để các em có thể vừa học vừa truyền dịch tĩnh mạch. CCTV cho biết phụ huynh ngồi bên con cái và giúp đỡ các con học tập.
Cách đây vài năm, khi dịch bệnh bùng phát, một số trung tâm y tế ở Trung Quốc đã được ca ngợi vì đã thành lập những khu vực học tập đặc biệt như vậy
Nhiều bệnh viện khác đã làm tương tự thời điểm này trong bối cảnh số lượng học sinh tiểu học và trung học mắc các bệnh về đường hô hấp, như cúm, tăng đột biến khi chuyển mùa.
Các bậc cha mẹ Trung Quốc thường đưa con đến bệnh viện khi chúng xuất hiện các triệu chứng liên quan đến cúm với niềm tin rằng việc truyền dịch sẽ đẩy nhanh quá trình phục hồi và các con sẽ quay lại trường học.
Một người cha khác cho biết: "Con tôi phải làm bài tập theo kiểu này vì nếu không làm xong sẽ phải làm nhiều việc hơn khi trở lại trường sau khi bình phục”.
"Đây là một vấn đề xã hội. Chúng tôi, những gia đình bình thường, không thể thay đổi quy tắc bất thành văn rằng dù trong hoàn cảnh nào, bạn cũng phải hoàn thành bài tập về nhà”, ông nói thêm.
"Tôi không có ý định cho con tôi làm bài tập ở đây. Nhưng thấy không khí học tập ở bệnh viện rất tốt nên tôi cũng bắt con làm bài tập về nhà”, một phụ huynh nói.
Ngay sau đó, tình huống này đã gây ra một cuộc tranh luận trên mạng xã hội đại lục.
"Những đứa trẻ này có thể bị bệnh về thể chất, nhưng những người lớn này lại bị bệnh về tinh thần”, một cư dân trực tuyến cho biết trên nền tảng Tiktok của Trung Quốc mang tên Douyin.
"Các bậc phụ huynh có vẻ nhẹ nhõm và hài lòng khi thấy con mình làm bài tập về nhà. Có vẻ như điều này khiến họ lo lắng hơn là căn bệnh thực tế”, một người khác bình luận.
"Mở khu vực bài tập về nhà ở bệnh viện là một ý tưởng vô nhân đạo”, một người khác bình luận.
"Tôi cảm thấy đau lòng cho những học sinh phải học dù thể chất không được khỏe. Điểm học tập của học sinh quan trọng hơn sức khỏe của các con à?”, một người khác cho biết.
Như Quỳnh(T/h)