+Aa-
    Zalo

    Nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh: Đa tình bậc nhất, đời phiêu bồng khắp chốn, chiều tịch dương ngả về bến cũ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nguyễn Văn Khánh là nhạc sĩ đa tình bậc nhất làng văn nghệ Việt. Cuộc đời của ông đầy những bóng hồng, mỗi ca khúc là chuyện tình với một giai nhân.

    Nguyễn Văn Khánh là nhạc sĩ đa tình bậc nhất làng văn nghệ Việt. Cuộc đời của ông đầy những bóng hồng, mỗi ca khúc là chuyện tình với một giai nhân. Suốt cuộc đời mình, ông mải mê với những cuộc phiêu lưu tình ái bỏ quên người vợ đẹp người đẹp nết. Thế rồi, sau tất cả, khi sức cùng lực kiệt lại chính người phụ nữ bị bỏ quên ấy đã nâng đỡ ông, vực ông dậy và giúp ông có được chữ An trước khi rời xa cõi tạm.

    Nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh.

    Cuộc hôn nhân không tình yêu

    Nguyễn Văn Khánh sinh năm 1922, thuộc thế hệ nhạc sĩ thứ hai của nền tân nhạc Việt Nam. Dù không sáng tác nhiều nhưng đa số ca khúc của Nguyễn Văn Khánh trở thành những ca khúc bất hủ, trong đó có những nhạc phẩm đặc biệt nổi tiếng như Chiều vàng, Nỗi lòng.

    Dù ông không được học hành bài bản nhưng tình yêu dành cho âm nhạc và tư chất thông minh đã giúp Nguyễn Văn Khánh trở thành cái tên có chỗ đứng trong làng nhạc Việt. Nguyễn Văn Khánh cùng với Hoàng Dương, Hoàng Trọng, Nguyễn Thiện Tơ, Hoàng Giác, Tu My, Hùng Lân... góp phần làm nên thời cực thịnh của tân nhạc Việt Nam thập niên 1944-1954...

    Khi nhắc đến Nguyễn Văn Khánh người ta sẽ nhớ đến khả năng chơi guitar Hawaienne (còn được gọi là Hạ uy cầm) điêu luyện. Không ai biết, ông học loại nhạc cụ này thế nào và của ai. Trước năm 1954, ở Hà Nội chỉ có 2 nhạc sĩ chuyên đàn và sáng tác cũng như dạy đàn bằng Hạ uy cầm là William Chấn (thầy của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn) và Nguyễn Văn Khánh. Ông Khánh lại đánh đàn bằng tay trái, cho nên “nếu không phải là... thiên tài thì cũng là người có khả năng đặc biệt”.

    Trong những năm 1940, “các chàng nghệ sĩ Tây nhạc” luôn là thần tượng của nhiều cô gái, nhất là ở các chốn thị thành. Bởi, đa số các chàng trai theo dòng nhạc này đều ở cái tuổi còn trẻ, đẹp trai và tài năng thơ phú thì có thừa. Vì vậy mà, Nguyễn Văn Khánh được nhiều cô gái mê đắm. Khi ấy, ông mở lớp dạy Hạ uy cầm và Tây ban cầm ở gần ga Hàng Cỏ (lối đi xuống Khâm Thiên), phía trước nhà có một cái ao, bên kia ao là nhà trọ của các nữ sinh. Những đêm trăng sáng, ông đem đàn ra sân chơi, tiếng Hạ uy cầm réo rắt... khiến các cô tụ tập rất đông ở sân bên kia ao. Vì tiếng đàn ấy mà Nguyễn Văn Khánh trở thành người tình trong mộng của nhiều cô gái. Với tâm hồn của một nghệ sĩ, lại ở vị thế được nhiều người đẹp săn đón nên “chàng nghệ sĩ Tây nhạc” trở nên đa tình.

    Ngày ấy, Nguyễn Văn Khánh là cái tên khá nổi tiếng ở Hà Nội, các cô gái ở phố Khâm Thiên rất mê chàng trai có ngón nghề Hawaienne điêu luyện này. Mỗi ngày, các cô đều mong ngóng được nhìn thấy chàng, được nghe tiếng đàn và giọng hát ấm áp của chàng. Thế nhưng, trong số ấy lại không có người con gái đẹp người đẹp nết tên Đặng Thị Thuận. Bà chẳng có chút động lòng hay tơ tưởng gì đến Nguyễn Văn Khánh mà chỉ chăm lo phụ giúp cha mẹ. Bản thân Nguyễn Văn Khánh khi ấy cũng được vây quanh bởi nhiều bóng hồng nên chẳng để tâm đến bà Thuận dù đó là cô ấy đẹp người đẹp nết.

    Vẫn tưởng hai con người ấy sẽ đi trên hai con đường riêng biệt, nhưng ông trời lại có những tính toán riêng. Định mệnh đã đưa họ đến với nhau, trở thành vợ chồng và có lẽ trong những ngày cuối đời, nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh sẽ thầm cảm ơn cuộc đời đã giúp ông đến được với bà Đặng Thị Thuận.

    Người vợ có một không hai

    Mặc dù bà Thuận chẳng vấn vương tơ lòng với chàng nghệ sĩ Tây nhạc hào hoa kia nhưng lại “bị” bà dì mai mối cho Nguyễn Văn Khánh. Mới đầu, bà “ứ thèm”, chẳng cần biết Khánh là ai nên chẳng để tâm đến chuyện mai mối. Thậm chí, khi nhà trai đến dạm ngõ, bà cũng chẳng quan tâm, chẳng lén xem mặt như nhiều cô gái khác. Trái với cô em chồng, bà chị dâu của bà Thuận lại rất sốt sắng: “Mày không chịu, nhưng cứ để tao xem cái mặt mẹt của nó xem sao!”. Lát sau, bà chị dâu ấy chạy vào bếp, mách: “Tao thấy mặt mũi nó cũng được đấy, Thuận à!”... Thế nhưng, bà Thuận vẫn chẳng để tâm. Mãi đến khi được gia đình thuyết phục, động viên bà Thuận mới đồng ý nên duyên. Đầu năm 1942, bà Đặng Thị Thuận chính thức trở thành vợ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh, khi mới chỉ 20 tuổi.

    Cuộc hôn nhân dù không xuất phát từ tình yêu, nhưng vì Thuận là cô gái đẹp người đẹp nết nên đã giữ được chân người đàn ông hào hoa nức tiếng kia trong một khoảng thời gian dài. Vài năm đầu của cuộc hôn nhân, họ đã sống trong mật ngọt. Bà Thuận một mực ân cần chăm lo cho chồng, thậm chí lo cả cho gia đình nhà chồng. Cảm được tấm chân tình của vợ nên ông Khánh “tu chí”, chỉ quanh quẩn ở nhà. Thời điểm ấy, ông xây căn nhà nhỏ để 2 vợ chồng ở riêng. Căn nhà của vợ chồng ông khá nhỏ lại nằm bên cạnh gốc đa nên ông hay gọi thân thương là “cái miếu”. Ở “cái miếu” ấy ông đã sống những ngày tháng vô cùng hạnh phúc bên cạnh người vợ đẹp người đẹp nết. Ông đã viết ca khúc Thu (năm 1946) dành tặng vợ. Ca khúc là món quà của chồng nên bà Thuận cất làm của riêng, thành ra Thu không được phổ biến như nhiều nhạc phẩm khác của Nguyễn Văn Khánh.

    Bà Thuận dù là người phụ nữ có vị trí quan trọng trong cuộc đời của Nguyễn Văn Khánh nhưng ông chỉ có một ca khúc duy nhất tặng cho bà, còn những Chiều vàng, Nỗi lòng, Nghệ sĩ với cây đàn, Lời thề xưa, Chiều gặp gỡ... (sáng tác từ năm 1951 trở về sau) đều viết cho những phụ nữ khác. Lạ một nỗi, dù ngồi trong “miếu” viết ca khúc dành tặng cho người phụ nữ khác nhưng lúc nào bà Thuận cũng ngồi phía sau cầm quạt để quạt mát cho ông. Bà không biết tí gì về âm nhạc, cũng chẳng quan tâm ông viết nhạc cho ai ngoài việc tôn trọng chồng và tôn trọng nghề nghiệp của chồng.

    Cả đời nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh chỉ sáng tác 1 ca khúc dành cho vợ mình.

    Từ ngày kết hôn cho đến ngày nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh mất 20/8/1976, bà Thuận là vợ của ông trong 34 năm nhưng khoảng thời gian bà được ở cạnh ông chỉ bằng một phần ba số ấy. Thời gian còn lại, Nguyễn Văn Khánh bận bịu với những cuộc tình, những người phụ nữ khác. Trong số những người phụ nữ đi qua đời ông, ngoài bà Thuận thì người khiến ông “bận bịu” nhất là bà Lê Thị Sâm. Bà này sinh cho ông Khánh 7 người con. Thế nhưng, năm 1973 vì ông bị chứng viêm quai hàm giai đoạn cuối nên bà quyết liệt xua đuổi “bố của bầy trẻ” ra khỏi nhà.

    Trước người chồng già yếu, bệnh tật, bà Thuận lại mở rộng vòng tay đón ông trở về mái nhà xưa lo thuốc thang. Không chỉ chăm lo cho chồng, bà còn đón 2 đứa con đau yếu của chồng với bà Sâm (5 người con trước của họ mất vì bệnh) về nuôi. Nghĩa cử cao đẹp ấy của bà Thuận đã giúp nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh có những ngày cuối đời bình yên, hạnh phúc. Sau tất cả, người vợ từng bị ông bỏ rơi lại chính là người giúp ông có được chữ An để thanh thản rời cõi tạm.

    Đến tận ngày nay, nhiều người quen biết nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh đều dành tình cảm yêu thương, kính trọng người vợ tuyệt vời của ông. Năm 1979, bà Thuận rời cõi tạm, không thấy được hai người con giờ đây đã được nuôi dạy nên người... Trên đời này, hiếm có người phụ nữ nào làm được điều tuyệt vời như bà Thuận. Chắc hẳn, nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh đã thầm cảm ơn ông trời đang mang người phụ nữ tuyệt vời ấy bước vào cuộc đời ông.

    Lê Anh

    Bài đăng báo giấy Đời sống & Pháp luật Tháng số 34

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhac-si-nguyen-van-khanh-da-tinh-bac-nhat-doi-phieu-bong-khap-chon-chieu-tich-duong-nga-ve-ben-cu-a242415.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan