Một trong những ca khúc làm nên sức sống mãnh liệt cho cái tên Trịnh Công Sơn chính là Diễm xưa. Xung quanh ca khúc có giai điệu mượt mà, thiết tha ấy là những giai thoại. Câu chuyện về người con gái tên Diễm và chuyện Trịnh Công Sơn được tôn là đại ca Quy Nhơn nhờ Diễm xưa hẳn không nhiều người biết.
Tình thơ dành cho người con gái tên Diễm
Trịnh Công Sơn là cái tên lừng lẫy trong làng nhạc Việt với những ca khúc đẫm chất thơ, chất tình. Mỗi nhạc phẩm của ông đều gắn với một bóng hồng, một hình ảnh hay một câu chuyện lãng mạn nào đó. Diễm xưa cũng như vậy, phía sau ca khúc ấy là một cô gái xinh đẹp thường mặc áo dài tím. Nàng chính là người đã làm trái tim của nhạc sĩ họ Trịnh lạc nhịp. Ngày ấy, Trịnh Công Sơn sống ở căn gác tầng 2, số nhà 11/03 đường Nguyễn Trường Tộ.
Trước nhà có một hàng cây long não. Hàng ngày, chàng cứ đứng lấp ló sau cây cột, lén nhìn một người đẹp. Nàng đi bộ từ bên kia sông, qua cầu Phủ Cam, dạo gót hồng dưới hàng long não, ngang qua chỗ Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn say mê nàng đến nỗi hôm nào cũng ra ban công để ngồi chờ nàng đi qua. Bóng dáng mảnh mai và tà áo dài tím tung bay dưới vòm cây long não đã thổi bùng cảm xúc yêu thương trong trái tim chàng nhạc sĩ trẻ. Trong hồi ký ông viết: “Có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường đại học Văn khoa ở Huế. Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái vẫn đi dưới những vòm cây long não. Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá.
Nhạc sĩ Trinh Công Sơn |
Mùa mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhòa nhạt trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt. Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường. Từ ban công nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận... Trừ những người nhà quá xa phải đi xe đạp, còn lại đa số cứ đến trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung. Đi để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm thầm trong lòng mình là một nhan sắc... Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc sang sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn. Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì”. Người con gái ấy tên Bích Diễm, cô con gái xinh đẹp của một thầy giáo người Hà Nội. Tình cảm mà nhạc sĩ họ Trịnh dành cho người con gái ấy chưa hẳn đã là yêu đương nồng say mà là tình cảm đơn phương của chàng trai trẻ dành cho một cô gái xinh đẹp. Trịnh Công Sơn cũng nói rằng, trong cái khung cảnh liêu trai ấy, mọi chuyện giống như một giấc mơ mà giấc mơ thì không có thật, nó dù đẹp đến đâu, xâm chiếm hồn ta đến mức nào thì cũng sẽ có lúc biến mất. Thế nên, với Bích Diễm, Trịnh Công Sơn chỉ dừng lại ở việc ngắm nàng từ xa mỗi ngày chứ chẳng có lời tỏ tình nào và cũng chẳng có lấy một lời hẹn ước.
Thế rồi một ngày, nhạc sĩ họ Trịnh không gặp lại người con gái ấy nữa. Một ngày, hai ngày rồi một tuần, hai tuần, Trịnh Công Sơn đứng chờ nàng nhưng tà áo tím ấy không còn xuất hiện dưới vòm cây long não nữa. Hóa ra, Bích Diễm đã chọn một lối đi khác, một cuộc sống khác và chỉ để lại cho người nhạc sĩ tài hoa một bóng hình. Mọi thứ chỉ còn là kỷ niệm, những kỷ niệm đẹp đáng nhớ. Mối tình thơ dành cho Bích Diễm đã được Trịnh Công Sơn viết thành nhạc phẩm nổi tiếng Diễm xưa.
“Đại ca” của giới giang hồ Quy Nhơn
Một câu chuyện hấp dẫn khác liên quan đến ca khúc Diễm xưa chính là sự việc Trịnh Công Sơn được tay giang hồ khét tiếng ở Quy Nhơn tôn làm đại ca. Nhà thơ Lê Văn Ngăn kể rằng, chuyện xảy ra vào những năm đầu thập niên 1960. Ngày đó, thành phố Quy Nhơn có quán bar Phi Điệp rất nổi tiếng. Đây là nơi ăn chơi nức tiếng với sự xuất hiện của nhiều kẻ giang hồ, trong đó có đại ca Thành “đầu bò”. Không hiểu vì lý do gì mà Trịnh Công Sơn lại thường xuyên có mặt ở đây. Nhạc sĩ họ Trịnh đến đây chỉ để ngước lên nhìn trời, nhìn mây chứ chẳng để tâm đến những thứ xung quanh đang diễn ra. Khi ấy, kiểu bay bổng, lãng mạn của Trịnh Công Sơn ở chốn ăn chơi này bị xếp vào kiểu “nhìn thấy ghét”.
Điều đó khiến Thành “đầu bò” ngứa mắt. Hắn yêu cầu đám đàn em đến “dằn mặt” và thế là nhạc sĩ họ Trịnh bị lấy kính cận và đuổi “cút”. Trước hoàn cảnh ấy, Trịnh Công Sơn mặt cắt không còn giọt máu, không dám phản đối một lời và đương nhiên chẳng dám bén mảng đến bar Phi Điệp nữa. Rồi một ngày, Thành “đầu bò” được báo cáo, người bị đuổi “cút” chính là người viết bài hát có câu “mưa vẫn mưa bay trên từng tháp cổ” và ngay lập tức hắn ta thay đổi thái độ. Thành “đầu bò” có thể không phải là người thích kiểu thơ thẩn, lãng mạn nhưng bài này thì hắn biết, thậm chí là rất mê. Hắn mê bởi vì “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ” là viết về... “tháp Bánh Ít của Quy Nhơn chớ còn gì nữa!”. Tâm hồn của hắn có thể đã chai sần, sỏi đá nhưng lại yêu quê hương vô ngần. Thế nên, hắn không thể đối xử “bạc ác” với người đang tôn vinh quê hương mình. Mấy ngày sau, Trịnh Công Sơn nhận được một mảnh giấy ghi nguệch ngoạc: “Mời nhạc sĩ tới bar Phi Điệp nói chuyện”. Nhận giấy ấy, nhạc sĩ họ Trịnh lo lắng nhưng không thể không đến. Tuy nhiên, tình thế ở bar Phi Điệp lại hoàn toàn khác so với tưởng tượng của ông.
Sau khi Thành “đầu bò” ân cần xin lỗi thì trịnh trọng tuyên bố: “Từ nay, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là... “đại ca” của giới giang hồ Quy Nhơn”. Nhiều người vẫn nói, nghệ sĩ đa tình và chỉ khi đa tình nghệ sĩ mới có cảm hứng làm nên những tác phẩm say đắm lòng người. Với Trịnh Công Sơn cũng thế. Ở người nhạc sĩ tài ba này, tình chưa bao giờ dứt. Cuộc đời ông nếm trải bao phong ba bão tố, cuối cùng khép lại vẫn là chút hoài niệm về yêu đương không trọn vẹn nhưng cũng chính điều ấy đã giúp ông dâng cho đời những tuyệt phẩm.
LÊ ANH
Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật số 89