(ĐSPL) - Tôi biết đến nhà thơ Inrasara (Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam-PV) không phải qua thơ mà là qua văn hóa Chăm. Ở ông có một kho tàng thú vị về văn hóa Chăm mà tôi không thể tìm thấy từ bất kỳ một ai khác.
Sự khác biệt lớn về văn hóa cùng với tài kể chuyện của Inrasara khiến cho mọi tập tục, lễ hội của người Chăm trở thành những câu chuyện thu hút từ đầu đến cuối. Nhân dịp năm mới, Inrasara kể về lễ Rija Nưgar của người Chăm, một ngày lễ tựa như Tết Nguyên đán của người Việt.
Nhà thơ Inrasara. |
Khám phá tục thả hình nhân trôi sông dịp cuối năm
Theo nhà thơ Inrasara, người Chăm sử dụng lịch Sakti do thầy Cả sư ấn định. Tháng Giêng Chăm tương đương với tháng Tư Dương lịch. Và đầu tháng Giêng Chăm lịch là lễ hội Rija Nưgar. Rija Nưgar có nghĩa là Lễ hội của Xứ sở, giống như Tết Nguyên đán của người Việt.
Khi cái nắng, nóng của đất trời lên đến đỉnh điểm, những tiếng sấm rền vang khắp vùng trời thì một năm mới lại về trên xứ sở. Đó là lúc người Chăm bắt đầu chuẩn bị cho ngày lễ cầu đảo (cầu mưa) đầu năm, đánh dấu thời khắc chuyển mùa, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, con cháu đầy đàn, tôm cá đầy khoang.
Trong hai ngày của lễ hội (ngày thứ Năm và thứ Sáu đầu tiên trong năm), tất cả người Chăm đều dâng lễ bái tạ thần linh và tổ tiên, tiếp sau đó là khoảng thời gian hội hè vui chơi thỏa thích. Với mong muốn tống cái xấu, rước cái tốt, hy vọng một năm mới tốt lành, mọi làng Chăm đều tổ chức Rija Nưgar một cách linh đình.
Trong thời gian lễ hội, các làng Chăm rộn ràng, nô nức trong không khí lễ hội đầu năm. Ngay từ sáng sớm, những phụ nữ Chăm chuẩn bị sắm sửa lễ vật gồm trái cây, trầu, cơm, canh, rượu, trà... Rồi khi trời sáng hẳn họ đem lễ vật đến nơi hành lễ để dâng lên thần linh cầu mong hạnh phúc, sung túc. Dòng người đi dâng lễ và xem lễ gồm phụ nữ, nam giới, già, trẻ... mặc những trang phục đẹp nhất, mới nhất.
Dòng người đi hội làm cho không khí của những làng Chăm trong buổi lễ đầu năm càng thêm nhộn nhịp, tưng bừng, tạo nên cái sắc thái vui tươi, náo nhiệt của một buổi lễ với ý nghĩa tống cựu nghinh tân - tiễn năm cũ, chào đón năm mới. Lễ Rija Nưgar diễn ra trong hai ngày. Cuối cuộc lễ, thầy chủ lễ làm một hình nhân và thả trôi sông để báo cáo lên trời những việc đã làm trong năm.
Rija Nưgar còn là nơi phô bày nghệ thuật diễn xướng của dân tộc Chăm thông qua sự kết hợp của những điệu vũ của thầy Ka-ing, với những lời tụng ca, những kho tàng văn học dân gian đầy giá trị của người Chăm như các bài tụng ca về tiểu sử các vị vua...
Điệu vũ của thầy Ka-ing trong ngày lễ Rija Nưgar. |
Chủ lễ là ông thầy Mưdwơn, người vừa điều khiển cuộc lễ vừa hát các bài ca lịch sử hay bài tụng ca trên nền trống Baranưng (trống một mặt của người Chăm) đệm theo lời hát. Những bài hát ca ngợi công đức của những vị vua, anh hùng của dân tộc được cất lên và đám đông cùng vỗ tay với tiếng hoan hô vang dội.
Trong suốt cuộc lễ, thầy vỗ hát khoảng 50 bài tụng ca khác nhau, bài này tiếp nối bài khác và một vũ sư sẽ nhảy múa dựa trên nội dung của bài hát. Người này được gọi là Ong Ka-ing và là nhân vật chính của cuộc lễ.
Múa đạp lửa - Điệu cuồng vũ phấn khích
Khi bài hát về một viên tướng tài có nhiều chiến công hiển hách được cất lên. Ong Ka-ing lập tức hóa thân thành nhân vật cầm ngay lấy chiếc roi, khăn màu hồng múa theo điệu trống dồn dập như trống thúc quân. Ông quất roi mây vun vút, rồi đặt bàn chân này lên đầu gối chân kia và nhảy với một chân, như viên tướng trong cuộc phi ngựa xung trận. Được hối thúc bởi tiếng hoan hô cổ vũ của khán giả, ông nhảy ra ngoài cửa rạp, với hai bàn chân trần, ông vừa múa vừa đạp loạn xạ quyết dập tắt đám lửa được nhóm lên phía trước rạp.
Người Chăm có câu "Đàn ông chinh chiến, đàn bà sinh nở" để nói lên sự mạnh mẽ, trung kiên của đàn ông trong việc bảo vệ xóm làng, quê hương. Lửa là yếu tố tượng trưng cho khó khăn, hiểm nguy đang đến với con người, Thầy Ka-ing tay cầm roi hay kiếm với động tác vừa múa vừa chiến đấu, vừa bảo vệ xóm làng thân thương và thể hiện sự quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để đi đến chiến thắng. Người Chăm gọi đó là Điệu múa roi và Múa đạp lửa, một điệu cuồng vũ đầy phấn khích.
Khi thầy vỗ hát sang bài hát ca ngợi sức mạnh của thuỷ chiến vương quốc Champa xưa thì Ong Ka-ing vứt đi cây roi, nắm lấy cây mía dài (tượng trưng cho cây sào) dựng ở đầu rạp, làm những thao tác như một thuỷ thủ đang cố sức chèo chống con thuyền vượt qua phong ba bão táp của trùng khơi. Sau đó, ông thình lình bẻ gãy và vứt bỏ nó với ý nghĩa sẽ neo thuyền ở luôn trong biển cả, lấy biển cả làm nơi cư trú.
Rồi khi bài tụng ca Nai Tangya (một nữ sỹ trong lịch sử Champa có một tâm sự đau buồn) được cất lên, điệu trống trầm lắng trở lại. Lúc này trên tay Ong Ka-ing chỉ còn cái quạt với chiếc khăn. Bước nhảy chậm và khoan thai, hai cánh tay đưa xuống thấp, thật thấp với đường cong đều và mềm dịu. Khuôn mặt, ánh mắt trở nên buồn xa vắng.
Việc xướng lên những bài tụng ca này trong dịp lễ Rija Nưgar là cách tốt nhất để bảo tồn giá trị văn hóa dân gian truyền khẩu của dân tộc. Ngoài ra, trong Rija Nưgar, dàn đồng ca dân tộc gồm trống Baranưng, Ginơng, kèn Saranai... cũng được diễn tấu, tạo nên một sự kết hợp hoàn hảo những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc Chăm. Chính sự kết hợp tính chất tâm linh và nghệ thuật đó đã tạo cho Rija Nưgar thành một buổi lễ đặc sắc.
Xong xuôi, lễ tết mới bắt đầu đến với từng tộc họ, gia đình... Đây cũng là dịp để anh em, bạn bè họ hàng gặp nhau chúc phúc, xá tội. Mọi người thăm viếng, xã giao... và những bậc cha mẹ có dịp định hướng cho con dâu, con rể tương lai và cuộc sống từ đó phát triển trường tồn. Hội hè liên tục diễn ra đến hết tháng Giêng mới dứt.
Thú vị phong tục "vào cúng gà, ra cúng dê" Lễ Rija Nưgar được tổ chức theo quy mô từng làng, thường diễn ra trong một nhà lễ, được dựng tạm ở một mảnh đất trống đầu thôn. Nhà lễ được dựng lên có hai mái, có hai cây kèo làm trụ, xung quanh được che chắn bằng tre. Người Chăm quan niệm rằng Tamư yang biruw, tabiak yang klak (ngày vào thần mới, ngày ra thần cũ) hay Tamư mưnuk tabiak pabaiy (vào cúng gà, ra cúng dê) tức là ngày đầu tiên của lễ sẽ là việc chúc tụng, dâng cúng các vị thần mới, tức là các vị thần Awal (Chăm ảnh hưởng Hồi giáo) lễ vật cúng chính là gà; ngày thứ hai kết thúc thì dạng cúng các vị thần cũ (yang bimong) những vị thần của Chăm Ahier (ảnh hưởng Ấn Độ giáo), lễ vật cúng chính là dê. |