Reuters đưa tin, các cuộc pháo kích trong đêm dẫn đến hư hỏng đường dây tải điện cuối cùng kết nối hệ thống năng lượng Ukraine và nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
Sự cố khiến nhà máy này phải chuyển sang sử dụng máy phát điện diesel khẩn cấp, công ty hạt nhân nhà nước Ukraine và cơ quan giám sát nguyên tử của Liên Hợp Quốc thông tin vào ngày 8/10 (giờ địa phương).
Nga và Ukraine đã cáo buộc lẫn nhau về vụ pháo kích vào địa điểm của nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporizhzhia, làm hư hại các tòa nhà và đe dọa một vụ tai nạn hạt nhân thảm khốc. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đang thúc đẩy thiết lập một khu vực bảo vệ để ngăn chặn các cuộc pháo kích tiếp theo.
Mặc dù 6 lò phản ứng của Zaporizhzhia đã ngừng hoạt động, nhiên liệu hạt nhân vẫn cần được làm mát để ngăn chặn sự tan chảy hạt nhân. Điều đó đòi hỏi một nguồn cung cấp điện liên tục.
"Việc tiếp tục pháo kích, tấn công nguồn điện bên ngoài duy nhất của nhà máy, là vô cùng vô trách nhiệm. Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia phải được bảo vệ", IAEA dẫn lời Tổng giám đốc Rafael Grossi cho biết trong một tuyên bố.
IAEA đã xác nhận một tuyên bố trước đó của cơ quan quản lý hạt nhân Ukraine Energoatom rằng nhà máy đã chuyển sang sử dụng máy phát điện diesel sau khi bị pháo kích vào khoảng 1h sáng, làm ngắt đường dây 750 kV chính cung cấp điện bên ngoài cho nhà máy.
IAEA cho biết: “Tất cả các hệ thống an toàn của nhà máy vẫn tiếp tục nhận điện và hoạt động bình thường”.
Ông Grossi đã đàm phán với Nga và Ukraine về việc thiết lập một khu vực bảo vệ xung quanh nhà máy Zaporizhzhia, mặc dù ông từ chối cho biết chính xác điều đó sẽ liên quan đến những gì hoặc nó sẽ được thực thi hay giám sát như thế nào. Người đứng đầu IAEA đã ở Kyiv vào ngày 6/10 và sẽ đến Nga vào đầu tuần tới.
IAEA dẫn lời ông Grossi cho biết: "Tôi sẽ sớm tới Liên bang Nga và sau đó quay trở lại Ukraine, để thống nhất về khu vực bảo vệ an ninh và an toàn hạt nhân xung quanh nhà máy. Đây là mệnh lệnh tuyệt đối và khẩn cấp".
Bích Thảo (Theo Reuters)