(ĐSPL) – Trả lời câu hỏi của báo chí về sự buông lỏng quản lý các tàu, nhà hàng nổi trên Hồ Tây, ông Đỗ Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, Hà Nội thừa nhận, đã có kiểm tra xử lý nhưng có trường hợp chưa thể tìm được... chủ tàu.
Theo ông Đỗ Anh Tuấn thừa nhận hoạt động của các tàu nổi trên hồ Tây là chưa phù hợp, chưa đúng quy hoạch. |
Tuy nhiên, trước câu trả lời của Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, báo chí đặt ra vấn đề rằng, những chủ tàu hoặc nhà nổi khi kinh doanh trên địa bàn thì phải có đăng ký với quận, vậy nếu quận Tây hồ nói chưa tim được chủ tàu thì có vẻ chưa hợp lý.
Ngay sau đó, lãnh đạo UBND quận Tây Hồ đính chính lại rằng, chỉ có 2 chủ tàu chưa tìm thấy là do khi tổ công tác xuống xử lý phạt là không có mặt ở đó.
“Theo thống kế, hiện tất cả có khoảng 8-9 tàu nổi hoạt động ở Hồ Tây, trong đó có cái đăng ký kinh doanh, có cái không đăng ký hoặc đăng ký nhưng đã hết hạn. Hiện nay có khoảng 6 chủ tàu có đăng kí hoạt động trên địa bàn số 4 Thụy Khuê” – ông Tuấn cho biết.
Về 2 chủ tàu vi phạm nhưng không có mặt khi đoàn công tác xuống kiểm tra, xử lý, ông Tuấn cho biết quận sẽ ra thông báo và xử phạt chứ không để họ ngang nhiên vi phạm như vậy.
Liên quan đến sự an toàn của các tàu nổi này, UBND quân Tây Hồ cho biết các tàu này đều đã được cấp phép, cấp đăng kiểm, nhưng hiện nay 1 số tàu đã hết thời gian quy định và quận đang phối hợp với các sở ngành để kiểm tra xử lý.
Về việc các tàu nổi này làm ảnh hưởng đến cảnh quan, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cũng thừa nhận rằng hoạt động của các tàu nổi này là chưa phù hợp, chưa đúng quy hoạch.
“Vừa qua, năm 2013 thì UBND TP có cho quận Tây Hồ nạo vét lòng hồ Tây ở khu vực đầm 7 và Sở Quy hoạch kiến trúc đã thỏa thuận với UBND TP đó là khu vực đỗ tàu, nên sắp tới chúng tôi sẽ kiến nghị thực hiện việc di chuyển toàn bộ các tàu thuyền còn đủ điều kiện về khu vực đầm 7, còn đối với các tàu thuyền hết hạn đăng kiểm hoặc quá cũ nát thì chúng tôi sẽ cho di chuyển hết” – Phó Chủ tịch UBND quận thông tin.
“Đối với hệ thống tàu nổi gây bức xúc dư luận trong thời gian qua, quan điểm của quận là sẽ di chuyển toàn bộ khu vực này, trả lại cảnh quan cho đường Thanh Niên, chùa Trấn Quốc, trả lại toàn bộ khu vực đó. Quận sẽ sớm kiến nghị lên thành phố phương án di chuyển đồng bộ, nhưng muốn di chuyển được thì phải có sự chuẩn bị, cụ thể là phải đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư, phải có giải pháp và cả quá trình chứ không kéo về rồi lại vi phạm thì cũng không có ý nghĩa gì cả”, ông Tuấn nói.