Báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời ông Asbjorn Wavik Rortveit, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Hội đồng Thủy sản Na Uy (NSC) đánh giá, trong vài năm trở lại đây sức tiêu thụ hải sản của thị trường Việt Nam gia tăng nhanh chóng, đơn cử như cá hồi và cua hoàng đế đỏ.
Riêng đối với cua hoàng đế đỏ, trong năm 2019 tổng sản lượng xuất khẩu cua hoàng đế từ Na Uy đến Việt Nam đạt 73 tấn, tương đương khoảng 53 tỷ đồng.
Đến năm 2020, tổng sản lượng xuất khẩu loại mặt hàng này tăng 124% lên 163 tấn, trị giá khoảng 121 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng lên đến 125%.
2 năm sau đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên sản lượng và giá trị nhập khẩu giảm nhẹ nhưng vẫn đạt mốc giá trị 100 tỷ đồng. Đáng chú ý, năm 2022 dù sản lượng nhập khẩu cua hoàng đế đỏ giảm 43% so với 2021 nhưng giá trị xuất khẩu lại tăng 2%, đạt mốc 108 tỷ đồng.
“Điều này có thể thấy Việt Nam là một thị trường hấp dẫn với các nhà sản xuất hải sản Na Uy. Trong năm 2022, ước tính Việt Nam nhập khẩu hải sản từ Na Uy khoảng 50.000 tấn các loại.
Lượng nhập khẩu hải sản Na Uy tại Việt Nam luôn dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, tuy nhiên về mặt giá trị thì xếp sau Thái Lan.
Nguyên nhân là do Thái Lan nhập khẩu nhiều sản phẩm hải sản có giá trị cao hơn như cá hồi nguyên con còn Việt Nam nhập khẩu tỷ trọng cao về cá thu và các sản phẩm phụ từ cá hồi như đầu và lườn cá”, Giám đốc khu vực Đông Nam Á NSC nói.
Cũng theo vị này, thời gian tới, Hội đồng Hải sản Na Uy sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam gia tăng giá trị kinh tế, đảm bảo nguồn hải sản Na Uy được bán tại Việt Nam luôn đảm bảo nguồn gốc chất lượng.
Hiện Na Uy là quốc gia đi đầu về quy trình quản lý chất lượng hải sản. Na Uy xây dựng thương hiệu là một thị trường hải sản chất lượng cao, cung cấp hải sản cho hàng triệu bữa ăn của người châu Âu và Bắc Mỹ. Tại Anh, dù có rất nhiều lựa chọn, người dân nước này vẫn ưa chuộng hải sản Na Uy hơn do đề cao an toàn thực phẩm.
Cua hoàng đế Na Uy có kích cỡ to, thịt mọng nước và đầy hương vị, thơm hơn cả tôm hùm, có thể dùng để chế biến cả món nóng và món nguội.
Cua hoàng đế có hàm lượng chất béo bão hòa thấp và là nguồn cung cấp vitamin B12, phốt pho, kẽm, đồng, cũng như selenium dồi dào. Thịt ở chân và càng cua có vị ngọt, xen lẫn vị mặn một cách tinh tế, rất thích hợp để bỏ lò, nướng, ăn kèm với bơ tỏi hoặc thêm các loại rau thơm và gia vị. Nhiều người thích giữ vị nguyên bản bằng cách luộc hoặc hấp, dùng kèm salad và chanh.
Với hàm lượng dinh dưỡng cao, cua hoàng đế ngày càng được ưa chuộng trong giới ẩm thực khắp thế giới. Loài cua này đã trở thành loại hải sản có giá trị xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cho các ngư dân ở Finnmark nói riêng về nền kinh tế Na Uy nói chung.
Vân Anh(T/h)