+Aa-
    Zalo

    Nhà công vụ và chuyện người bán vé số "chê" tiền tỷ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Không một chút đắn đo, ngay lập tức chị đưa ra quyết định: 6,6 tỉ đồng không mua được lòng tự trọng ở con người chị.

    Không một chút đắn đo, ngay lập tức chị đưa ra quyết định: 6,6 tỉ đồng không mua được lòng tự trọng ở con người chị.

    1. Mới đây nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng yêu cầu rà soát lại những trường hợp các quan chức đã về hưu nhưng vẫn quyết "bám trụ", chưa hoặc không chịu trả lại nhà công vụ. Liên quan đến vấn đề này, báo Tuổi trẻ số ra ngày 30/11 có bài viết "Vì sao các quan chức chưa trả nhà công vụ?". Theo đó, thật bất ngờ khi tất cả những người "người trong cuộc" đều khẳng địnhsẵn sàng trả lại nhà khi có yêu cầu.

    Điều đáng chú ý, các vị quan chức trong khi phân trần nguyên do chưa chịu trả nhà công vụ cho Nhà nước là vì lỗi của... "cơ chế". Ví như một vị đã nói:

    Tôi khẳng định đến giờ này chưa thấy cơ quan nào đưa cho tôi quyết định thu hồi lại nhà, cũng chưa có ai ở cơ quan nhà nước lên tiếng đòi nhà, và nhiều nhà công vụ cũng không ai đòi, vậy thì nói không trả nhà công vụ thì đâu hẳn đã đúng.

    Với căn hộ tôi được phân ở, có phải đã có quyết định thu hồi, đòi lại nhà mà tôi không trả đâu. Gần đây họ vẫn thu tiền thuê nhà của tôi, vậy tức là vẫn công nhận quyền được thuê nhà, tức là họ đâu có đòi lại nhà. Tôi cũng đồng ý nguyên tắc nhà công vụ là phải trả, nhưng bây giờ trả cho ai. Cứ có quyết định thu hồi lại nhà, đòi lại nhà thì tôi sẵn sàng trả ngay, chứ có phải mình cố tình chây ỳ để được ở đó mãi đâu.

    Hay như phát biểu của một vị khác:

    Nếu quy kết những người từng giữ các vị trí lãnh đạo, được Nhà nước phân nhà công vụ, sau khi nghỉ công tác vẫn chưa trả nhà không có tự trọng là không đúng. Việc chưa trả nhà chủ yếu do cơ chế chưa rõ ràng(...) Thật ra, bản thân mình rất tự trọng. Trong quyết định phân nhà công vụ mà tôi còn giữ không hề ghi thời hạn phải trả nhà và khi tôi nghỉ hưu cũng không thấy ai nói gì. Chỉ cần có công văn yêu cầu những người đã thôi công tác quản lý phải trả lại nhà công vụ thì ai cũng sẵn sàng trả lại hết.

    Nhà công vụ và chuyện người bán vé số

    Khu nhà ở công vụ Hoàng Cầu số 61 Trần Quang Diệu, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Ảnh:Hoàng Vân/ PLO

    2. Đúng là trong cuộc sống chúng ta không nên chỉ nhìn qua một vài biểu hiện bên ngoài của một sự việc, một con người nào đó để rồi đi đến kết luận về cái bản chất thật của sự việc hay con người ấy. Tuy nhiên, qua sự việc cụ thể này, nhất là qua những lời phần trần trên, có cảm giác phải chăng các vị đang "mặc cả". Bởi lẽ:

    Nếu thật sự ý thức về lòng tự trọng của bản thân, thiết nghĩ  không cần đợi Nhà nước ra văn bản đòi thì mới trả lại nhà công vụ? Có lẽ nào, vì "trong quyết định không hề ghi thời hạn phải trả nhà và khi nghỉ hưu cũng không thấy ai nói gì" nên các vị đã không trả? Có lẽ nào trong thâm tâm rất muốn trả nhưng vì "cơ chế" chưa có nên thôi? Nói như vậy thì có khác gì đang cố tình lợi dụng kẽ hở của "cơ chế" pháp luật để mà chiếm hữu nhà công vụ?

    Vì cho dù chưa có văn bản thu hồi của cơ quan chức năng nhưng ai cũng biết nhà công vụ chỉ cấp tạm thời cho những người đang còn đương chức và thực thi nhiệm vụ công do Nhà nước và nhân dân giao phó.

    Ngoài ra, một khi có người nào đó chưa chịu trả lại chìa khóa nhà công vụ cũng đồng nghĩa với việc Nhà nước không thể cấp lại cho những người đang tại vị từ nơi khác đến. Chẳng lẽ, sau mỗi nhiệm kỳ, Nhà nước lại phải xây cất nhà công vụ mới để cấp riêng cho từng quan chức ở đến suốt đời?

    Với tư cách của những người từng là quan chức, hiện tuy về hưu nhưng vẫn là Đảng viên, thử hỏi những người chưa chịu trả nhà công vụ có suy nghĩ gì về tinh thần trách nhiệm, ý thức về sự tự giác, tự nêu gương như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau"? Nói cho cùng đây thật ra cũng là một cơ chế kiểm soát rất quan trọng của Đảng nhưng không ít người đã cố tình quên?

    Khi nói rằng sẵn sàng trả nhà công vụ khi Nhà nước đòi, điều này cho thấy nhiều người không thuộc diện bức xúc về nhà ở, chỗ ở. Mà điều này thì các đại biểu Quốc hội đã nhìn thấy từ lâu. Như phát biểu của ông Lê Như Tiến, đó mới chỉ là phần nhỏ, chứ chưa phải "tảng băng chìm"của vấn đề nhà công vụ.

    Từ đây, nếu so với hàng ngàn công chức hay hàng triệu người dân đang có nhu cầu bức thiết về chỗ ở nhưng phải tự bươn chải với đồng lương ba cọc ba đồng thì có công bằng không? Nếu nói về lòng tự trọng thì các vị chưa trả nhà công vụ nghĩ gì trước đa phần những người dân phải tự thân vận động, có khi làm việc cả đời cũng chưa chắc đã mua được một căn nhà để ở?

    3. Người viết bài lại nhớ đến câu chuyện liên quan đến chị Phạm Thị Lành cách đây ba năm mà báo Thanh Niên đã phản ánh bằng cái tít: "Người bán vé số "chê" 6,6 tỉ đồng". Là một phụ nữ ít được học hành, nhà lại nghèo từ Hồng Ngự, Đồng Tháp chị Lành phải trôi dạt mưu sinh bằng việc bán vé số đến tận Bến Lức, Long An. Ngày 15/11/2011 chị Lành đã bán thiếu "bằng miệng" cho anh Đỗ Ngọc Tuấn 10 tờ vé số.

    Bất ngờ, 10 tờ vé số chị Lành hứa bán cho anh Tuấn đều trúng lô đặc biệt với tổng trị giá 6,6 tỉ đồng. Theo như lời anh Tuấn kể lại thì về mặt luật pháp giao dịch bán thiếu vé số của chị Lành và anh Tuấn "chưa hoàn thành", nếu chị Lành có giữ lại hết không đưa anh Tuấn thì anh Tuấn cũng không biết và cũng không làm gì được. Ấy vậy mà, người phụ nữ nghèo và ít học ấy đã "mặc cả"... lòng tự trọng của mình với anh Tuấn bằng việc hẹn anh Tuấn để đưa 10 tờ vé số và lấy lại 200 ngàn tiền bán thiếu.

    Trên báo Thanh niên năm ấy, những lời phát biểu chị Lành đẹp lung linh như những câu chuyện cổ tích (theo tôi rất xứng đáng để những người biên soạn sách giáo khoa đưa vào chương trình giáo dục đạo đức công dân về lòng tự trọng cho các em học sinh):

    Hồi đó tới giờ tôi bán vé số bị ế, anh Tuấn mua ủng hộ dù không trúng vẫn trả tiền đầy đủ. Mấy tờ vé số này ảnh chưa trả tiền, trúng hay trật cũng là của ảnh, tôi mà không trả thì thiên hạ coi tôi ra gì nữa!.

    Dẫu biết trong cuộc sống mọi sự so sánh ít nhiều đều khập khiễng, tuy vậy, qua câu chuyện này và chuyện các quan chức chưa trả nhà công vụ sau khi đã nghỉ hưu, tôi tự hỏi: Nhờ đâu mà người phụ nữ nghèo Phạm Thị Lành lại có cái nhìn rất linh động khi tự thiết lập cho riêng mình một cái "cơ chế" để ứng xử với anh Đỗ Ngọc Tuấn?

    Phải chăng chị Phạm Thị Lành tuy nghèo nhưng ở chị lúc nào cũng luôn thủ sẵn bên mình cái "cơ chế" làm người phải sống cho lương thiện; làm người phải sống cho đàng hoàng và tử tế?

    Hay nói cách khác, cái "cơ chế" này là chính nguyên tắc tối thượng của chị Lành trong cuộc sống, nó vượt lên trên tất cả mọi cái "cơ chế" hữu hình khác. Nhờ vậy mà không một chút đắn đo, ngay lập tức chị đưa ra quyết định: 6,6 tỉ đồng không mua được lòng tự trọng ở con người chị.

    Đúng vậy, nếu không có quyết định này thì tuy có thể không ai biết nhưng lương tâm của chị Lành sẽ không bao giờ được thanh thản bởi lẽ- nếu"không trả thì thiên hạ coi tôi ra gì nữa!"?

    Đó là cái "cơ chế" của một người lương thiện, và biết ứng xử một cách tự trọng.

    Theo VietnamNet

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nha-cong-vu-va-chuyen-nguoi-ban-ve-so-che-tien-ty-a72079.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan