Nhà báo Pháp Bruno Philip từng là đặc phái viên của tờ Le Monde tại Trung Quốc trong 6 năm đã nói như vậy.
“Ngày nay Trung Quốc đang hành xử như thể họ được phép làm mọi thứ. Đây là điều đáng lo ngại cho cả khu vực, thậm chí cả các nước khác bên ngoài khu vực nữa”. Đó là nhận định của nhà báo Pháp Bruno Philip – đặc phái viên Đông Nam Á của Le Monde (Thế giới) – một trong những tờ báo uy tín hàng đầu của Pháp. Ông Bruno Philip cũng từng là đặc phái viên của tờ Le Monde tại Trung Quốc trong 6 năm.
|
Nhà báo Bruno Philip
|
PV: Ông đã từng là đặc phái viên lâu năm của tờ Thế giới tại Trung Quốc và khu vực. Vậy hành động của Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có khiến ông ngạc nhiên hay không?
Ông Bruno Philip: Tôi hoàn toàn không ngạc nhiên trước hành động của Trung Quốc. Chúng ta đang được chứng kiến sự lớn mạnh gia tăng của chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc.
Chuyện Trung Quốc có những tranh chấp với các nước láng giềng như Việt Nam hay Philippines cũng không phải là mới mẻ gì nhưng cái mới ở đây là mức độ hung hăng của Trung Quốc, trước là với Philippines và giờ là với Việt Nam.
PV: Theo quan sát của ông, ở các quốc gia ASEAN khác, trong dân chúng có sự ngờ vực đối với Trung Quốc hay không ?
Ông Bruno Philip: Có, chắc chắn có. Ở mỗi nước ASEAN, sự lo lắng đối với Trung Quốc đang ngày càng tăng do sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc.
Philippines là những người chống đối mạnh nhất cho đến lúc này. Ở các nước khác thì phức tạp hơn do các mối quan hệ kinh tế, chính trị trong quá khứ và hiện tại nhưng sự ngờ vực với Trung Quốc đang gia tăng.
Như Myanmar chẳng hạn, trong quá khứ Trung Quốc là đồng minh duy nhất của Myanmar cả về chính trị lẫn quân sự nhưng kể từ khi thực hiện cải cách, Myanmar đã theo đuổi một chính sách ngoại giao đa phương hơn rất nhiều do lo ngại Trung Quốc.
Trung Quốc giờ đây không còn là đồng minh duy nhất của Myanmar. Tổng thống Myanmar mới đây đã quyết định ngưng dự án xây một đập thủy điện lớn trên sông Irrawaddy. Dự án này do Trung Quốc đầu tư nhưng gây ra rất nhiều tranh cãi ở Myanmar nên bất chấp quan hệ kinh tế lớn với Trung Quốc, Chính phủ Myanmar vẫn đưa ra quyết định này vì muốn có sự độc lập hơn so với Trung Quốc.
Nhìn toàn cục, việc ông Tập Cận Bình lên nắm quyền ngày càng làm gia tăng sự ngờ vực của các nước Đông Nam Á trước quyết tâm của Trung Quốc muốn trở thành cường quốc thống trị khu vực.
PV: Trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc, các nước ASEAN đang ngày càng gia tăng tiếng nói và đoàn kết. Ông nhìn nhận ra sao về quan điểm và nỗ lực của ASEAN trong lúc này ?
Ông Bruno Philip: Có sự thay đổi trong quan điểm của ASEAN đối với Trung Quốc.
Cứ lấy Việt Nam là một ví dụ. Việt Nam từ lâu nay luôn theo đuổi một chính sách ngoại giao nhấn mạnh đến việc thương lượng, hòa giải để giải quyết các tranh chấp.
Đưa một giàn khoan như thế không phải là chuyện một sớm, một chiều mà đã là sự tính toán từ rất lâu rồi. Vì thế, nếu Trung Quốc đã hành động như thế thì không có lí do gì các nước trong khu vực không thay đổi chính sách.
Tôi không biết cụ thể sự thay đổi đó là gì nhưng có thể là một sự đoàn kết mạnh mẽ hơn trong nội bộ các nước ASEAN. Dĩ nhiên việc này rất phức tạp vì dù rất lo lắng về các hành động của Trung Quốc, các nước ASEAN cũng không thể cho phép mình đối đầu trực diện với Trung Quốc về quân sự và kinh tế.
Trong bối cảnh này, đang có sự xích lại gần nhau giữa các nước ASEAN với các đối tác lớn như: Mỹ, Australia, Nhật Bản hay Ấn Độ. Mỹ vừa ký hiệp định hợp tác quốc phòng với Philippines.
Theo tôi, trước mắt khả năng liên kết giữa các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương với nhau khả thi hơn, cụ thể với Nhật và Australia.
Lãnh đạo Australia mới đây cũng vừa thể hiện thái độ phản đối Trung Quốc khi gọi hành động của Trung Quốc là “khiêu khích”.
Các nước này có thể lập thành một mặt trận chung để chống lại sức ép từ Trung Quốc. Nhưng về lâu dài là rất phức tạp.
Tôi nghĩ các quốc gia có đường biên giới chung với Trung Quốc phải đồng lòng theo đuổi một chính sách sao cho phải tạo được sự cân bằng giữa những đòi hỏi chủ quyền và quan hệ kinh tế với Trung Quốc vì Trung Quốc đóng vai trò quá lớn về kinh tế trong khu vực.
PV: Trong bài báo mới đây, ông đã chỉ trích mạnh mẽ những tham vọng bá quyền của Trung Quốc. Quan điểm này của ông có phản ánh cái nhìn chung của báo chí phương Tây đối với Trung Quốc hiện nay hay không ?
Ông Bruno Philip: Tôi nghĩ Trung Quốc đang khiến tất cả lo ngại. Nhưng hiện tại thì châu Âu đang khó khăn về kinh tế mà họ lại phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc, vừa phải bán hàng sang Trung Quốc vừa phải tìm cách cân bằng cán cân thương mại với nước này.
Tôi nghĩ những phân tích của tôi trong bài báo đó cũng là suy nghĩ của rất nhiều người hiện nay ở châu Âu.
Tôi từng là đặc phái viên 6 năm ở Trung Quốc, tôi chứng kiến đất nước này phát triển từng ngày và hiểu rõ nội bộ của đất nước này.
Olympic Bắc Kinh 2008 là cột mốc đánh dấu sự trở lại của Trung Quốc như cường quốc trên chính trường quốc tế.
Trung Quốc ngày càng tự đắc và muốn thống trị. Tôi dùng câu nói này của tướng De Gaulle khi nói về Israel, đây là câu nói đang được rất nhiều người hiện nay sử dụng khi nói về Trung Quốc.
Tôi nghĩ Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nói rất rõ ràng và chính xác về điều này, rằng Trung Quốc đang chơi một trò chơi rất nguy hiểm.
Tôi nghĩ ngày nay Trung Quốc đang hành xử như thể là họ được phép làm mọi thứ. Đó là điều đáng lo ngại cho cả khu vực, thậm chí cả các nước khác bên ngoài khu vực nữa.
PV: Xin cảm ơn ông.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nha-bao-phap-trung-quoc-dang-choi-tro-nguy-hiem-a34007.html