Nguyên Thượng tá Lê Đức Đoàn đánh giá, Nghị định 100 đang có ảnh hưởng mạnh mẽ, dần thay đổi suy nghĩ, thói quen của các “ma men lái xe”. Rất có thể, đây sẽ là tiền đề tạo ra nét văn hóa giao thông mới trong người dân.
Nghị định 100 và ý thức của người cầm lái
Ngay sau khi khi Nghị định 100/2019/NĐ- CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực đã có tác động rất lớn đến người tham gia giao thông.
Đáng chú ý, theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (bộ Công an), trong 6 ngày đầu năm 2020 có 103 người chết do tai nạn giao thông, trung bình 17 người chết/ngày, thấp hơn 4 người so với con số bình quân 21 người chết/ngày năm 2019.
Nguyên Thượng tá Lê Đức Đoàn. |
Bàn luận về tầm ảnh hưởng của Nghị định 100 đến đời sống của người dân, nguyên Thượng tá Lê Đức Đoàn (Đội CSGT số 1, Công an TP Hà Nội) cho rằng, Nghị định này đã và đang đạt được những hiệu quả rõ rệt, tạo ra nhiều phản hồi tích cực từ xã hội.
Theo ông Đoàn, từ trước đến nay trong luật giao thông đường bộ đã quy định khi tham gia giao thông thì không được phép uống bia rượu. Nghị định 100 chỉ là nhắc lại, cụ thể hóa hơn và tăng chế tài xử phạt đối với người vi phạm luật giao thông.
“Tình trạng người dân uống rượu bia vào dịp cận Tết nhiều hơn so với bình thường, tỉ lệ tai nạn cũng vì thế mà tăng lên. Bởi trong văn hóa của người Việt Nam mình thì thích chúc tụng lẫn nhau, mà đã mời là phải uống, không uống là không nể mặt... Song, từ khi Nghị định 100 được ban hành thì những hành vi này đang được hạn chế ở mức tối đa. Đi qua các quán bia, quán nhậu đều vắng khách, đi đám cưới, họp lớp, họp cơ quan mọi người cũng không dám uống bia rượu nữa. Đó không chỉ là hiệu quả từ Nghị định 100 mà còn thể hiện được ý thức chấp hành pháp luật của người cầm lái”, nguyên Thượng tá Đoàn đánh giá.
Trước những ý kiến trái chiều về việc người dân ăn trái cây, uống siro cũng có thể bị xử phạt, nguyên thượng tá Đội CSGT số 1 khẳng định, không có chuyện người dân chỉ ăn vải, nho, uống nước có gas mà trong người có nồng độ cồn cũng bị xử phạt như những trường hợp sử dụng rượu, bia.
“Các chiến sỹ CSGT có đủ kinh nghiệm, cảm quan để đánh giá vấn đề nồng độ cồn xuất phát từ rượu bia hay chỉ đơn giản là ăn hoa quả. Và nếu người dân không đồng tình thì hoàn toàn có quyền được giải thích về lý do có nồng độ cồn, hay sau đó là khiếu nại về quyết định xử phạt chưa đúng. Do đó, chúng ta không nên hiểu về luật một cách quá máy móc”, ông Đoàn cho hay.
Cũng theo nguyên Thượng tá Lê Đức Đoàn, Nghị Định 100 đang dần tạo ra thói quen, nếp suy nghĩ mới và thậm chí là nét văn hóa tham gia giao thông mới cho người dân.
“Tôi cho rằng cần phải đẩy mạnh giám sát, tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về Nghị định 100 để tránh hiểu sai, hiểu chưa đủ. Sau 3-6 tháng cần có sự đánh giá, tổng kết để nhìn lại về những mặt tích cực, tiêu cực đang hiện có. Từ đó, đề ra được phương hướng, biện pháp hữu hiệu hơn trong thời gian tới”, nguyên Thượng tá Lê Đức Đoàn bình luận.
Không để xảy ra tiêu cực trong xử lý vi phạm
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao, trong một tuần ra quân xử phạt người vi phạm giao thông theo Nghị định 100, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lý 3.785 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 12,5 tỷ đồng.
Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn của tài xế. |
Trong đó, một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn cao như: Tây Ninh 308 trường hợp, Đắk Lắk 214 trường hợp, Bắc Giang 203 trường hợp, TP Hồ Chí Minh 182 trường hợp, Vĩnh Phúc 145 trường hợp, Quảng Ninh 135 trường hợp, Gia Lai 133 trường hợp, Hà Nội 129 trường hợp, Thanh Hoá 114 trường hợp, Hà Tĩnh 101 trường hợp, Đồng Nai 99 trường hợp, Cà Mau và Nghệ An 96 trường hợp, Trà Vinh 93 trường hợp, Bình Phước 89 trường hợp và Yên Bái 86 trường hợp…
Đối với một số ý kiến bày tỏ băn khoăn về việc dễ xảy ra tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT khẳng định ngành công an nói chung và CSGT nói riêng có nhiều biện pháp phòng ngừa chống tham nhũng. Trong quy chế dân chủ mới ban hành, người dân được quay, giám sát CSGT làm nhiệm vụ. Hơn nữa, đối với kiểm tra nồng độ cồn, đều có tổ công tác đủ lực lượng và hoạt động này được camera quay lại nên khó có thể xảy ra tiêu cực.
Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng cũng dẫn chứng nhiều nước trên thế giới đã áp dụng xử phạt triệt để đối với vi phạm về nồng độ cồn và cho rằng đây là quy định rất tiến bộ, văn minh. Tuy nhiên, để góp phần đưa Luật cũng như Nghị định vào cuộc sống cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, sự ủng hộ của người dân; sự vào cuộc của các cơ quan thông tin đại chúng để người dân nắm vững và thực hiện nghiêm túc.
Nguyễn Phượng