+Aa-
    Zalo

    Nguyên Phó CA xã vướng vòng lao lý hoàn lương thành “vua tôm”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Anh nguyên là Phó trưởng công an xã, song do đánh bị thương một đối tượng để rồi phải vướng vòng lao lý.

    (ĐSPL) - Anh nguyên là Phó trưởng công an xã, song do đánh bị thương một đối tượng vi phạm pháp luật để rồi phải vướng vòng lao lý. Sau gần hai năm thụ án, tưởng chừng như anh đã buông xuôi vì những món nợ nần chồng chất. Nhưng cuối cùng, anh đã vượt qua và vươn lên, xóa bỏ mọi mặc cảm, khó khăn để trở thành người có ích trong xã hội.

    Đó chính là Trương Quang Tùng (SN 1965, trú thôn Tú Phong, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).

    Nguyên Phó CA.xã vướng vòng lao lý hoàn lương thành “vua tôm”

    Quá khứ 20 năm trước với anh giờ chỉ là tai nạn nghề nghiệp.

    Phạm tội vì có kẻ nổ mìn trộm cá

    Trương Quang Tùng nhớ lại khoảng thời gian cách đây tròn 20 năm về trước đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của anh. Lúc đó, anh được người dân tin cậy bầu làm Phó trưởng công an xã. Không phụ sự tín nhiệm của bà con, trong suốt quá trình công tác, anh luôn hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng rồi trong một lần thiếu kiềm chế, trong người lại có men rượu anh đã đánh trọng thương một đối tượng vi phạm pháp luật.

    Vào khoảng tháng 3/1994, Tùng nhận được tin báo của quần chúng có một số đối tượng dùng thuốc nổ đánh cá trên sông thuộc địa bàn anh phụ trách. Được sự phân công của Phó chủ tịch UBND xã, anh xuống địa bàn xác minh nguồn tin trên là đúng sự thật rồi về tham mưu cho lãnh đạo xã. Ngay sau đó, công an xã ký giấy triệu tập ba đối tượng tới công an xã để làm việc, nhưng chỉ có hai người đến làm việc, còn một người không đến. Lúc đó, anh Tùng tiến hành lấy lời khai hai đối tượng xong cho về và tiếp tục gửi giấy mời đối tượng còn lại lên làm việc vào ngày hôm sau, nhưng người này vẫn không đến.

    Ngày tiếp theo, anh Tùng cùng anh em công an xã xuống nhà nhưng không gặp đối tượng nên vận động gia đình khuyên con em lên trình diện. Chiều hôm đó đối tượng đã đến trình diện. Trong lúc lấy lời khai đối tượng ngoan cố, không nhận tội. Anh đưa các chứng cứ mà hai người trước đã khai bảo viết tường trình nhưng người này không chịu viết và nói rằng không biết chữ. Khi đối tượng bỏ chạy, anh Tùng cầm gậy cao su cùng một số anh em đuổi theo.

    Chạy khoảng 500m, anh Tùng đuổi kịp đối tượng. Thấy một mình Tùng đuổi kịp giữa đồng cát hoang vắng, đối tượng đấm vào mặt anh. Bực vì bị đánh, sẵn có cây gậy trên tay, anh đánh lại đối tượng vào cánh tay và khống chế bắt đối tượng. Lúc sau, hai đồng nghiệp của anh chạy đến cùng dẫn đối tượng về cơ quan. Tại đây, đối tượng công nhận hành vi của mình và ký vào biên bản. Xong việc, đối tượng được thả về. Một giờ sau, nhận được tin người này kiệt sức, gia đình đưa vào bệnh viện điều trị và giám định thương tật 35\% do rối loạn thần kinh cánh tay trái, tổng chi phí điều trị hết 30 triệu đồng. Đến tháng 4/1994, anh Tùng bị đình chỉ công tác, khai trừ khỏi Đảng. Tòa án nhân dân huyện Núi Thành đưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt Trương Quang Tùng 24 tháng tù giam.

    Những ngày tháng thụ án là quãng thời gian anh suy nghĩ nhiều nhất trong cuộc đời mình. Sau cánh cửa sắt là nỗi day dứt gia đình không người trụ cột, vợ trẻ, con thơ. Hơn nữa, nhận được tin đối tượng có bệnh động kinh, nên anh càng chán nản, bất mãn, muốn tìm đến cái chết để lương tâm khỏi bị giày vò. Cũng chính vì lý do đó, nên thời gian tạm giam, anh đau ốm liên miên. Sức khỏe gầy mòn, nhưng được các anh công an và cán bộ quản giáo giúp đỡ, động viên, an ủi nên Tùng đã lấy lại tinh thần. Sau thời gian chấp hành tốt anh được giảm án 6 tháng, về địa phương hòa nhập với cộng đồng làm lại cuộc đời.

    Triệu phú trên cánh đồng thủy sản

    Trở về nhà với muôn vàn khó khăn, nhà tranh xiêu vẹo không ở được, vợ con ăn bám cha mẹ, nợ nần chồng chất. Anh liều vay vốn để kinh doanh nhưng không ai tin tưởng để cho mượn vì họ sợ anh không trả nổi. Anh ngậm ngùi cay đắng, bản thân còn mặc cảm với xã hội. Anh Tùng bàn với vợ con cách ly xã hội một thời gian không tiếp xúc với ai, mỗi ngày cho anh bình nước sôi và vài gói mì tôm. Ngày ngày, anh chèo thuyền sang cù lao cách nhà khoảng 1km hì hục đào đất, chỉnh trang bờ vùng, bờ thửa để nuôi trồng thủy sản. Trước đó, anh được UBND cấp cho khoảng 20.000m2 đất sản xuất.

    Tùng sống không bạn bè, không rượu chè, thuốc men, cặm cụi làm ngày này qua tháng nọ và sau 3 tháng, cái ao 2.500m2 hoàn chỉnh. Người ta thường nói ông trời không phụ người có công, lứa tôm đầu tiên anh thu lãi gần 8 triệu đồng. Vào thời điểm đó, số tiền này rất lớn nên anh vui mừng khôn xiết, số tiền lớn đầu tiên anh có được. Anh lặng lẽ dành một nửa trong số tiền đó ra tiệm vàng mua được 12 chỉ, đem về bảo vợ đi trả nợ (tiền vay mượn đền bù cho nạn nhân và thăm nuôi anh). Số tiền còn lại tiếp tục đầu tư nuôi tôm tiếp và liên tục có lãi. Tuy nhiên, nợ vẫn chưa trả hết, anh phải đến từng nhà xin hoãn để các vụ sau trả.

    “Tiền trúng tôm tôi phải làm nghĩa vụ với người bị hại. Tôi mang tiền đến phòng thi hành án tỉnh Quảng Nam để trả nốt số tiền còn lại. Từ đó, tôi không còn dằn vặt lương tâm. Tôi an tâm làm ăn, mở rộng mô hình nuôi trồng thủy sản, hằng năm thu lãi trên trăm triệu đồng”, anh Tùng chia sẻ. Đến nay, anh Tùng có 15.000m2 diện tích nuôi tôm, đàn trâu ba con, đàn lợn năm con mỗi năm bán thu về thêm 20 triệu đồng.

    Sau nhiều năm làm lụng vất vả, đến năm 1999, vợ chồng anh xây được ngôi nhà 70m2 khang trang đầy đủ tiện nghi. Hiện nay, gia đình anh kinh tế ổn định, con cái ăn học đàng hoàng, nhiều năm liền được công nhận gia đình văn hóa. Riêng anh được công nhận nông dân sản xuất giỏi các cấp từ xã đến tỉnh.

    Nguyên Phó CA.xã vướng vòng lao lý hoàn lương thành “vua tôm”

    Anh Tùng nhận được rất nhiều bằng khen của các ban ngành.

    Bản thân anh nhiều năm làm công an xã, rút được nhiều kinh nghiệm trong công tác tái hòa nhập cộng đồng nên ngoài chăm lo đầm tôm, anh còn thường xuyên tham mưu cho ban nhân dân thôn, đoàn thể thôn hướng dẫn tuyên truyền Nghị định 80/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về tái hòa nhập với cộng đồng. Nếu trong thôn có người đi tù về hoặc đối tượng phạm tội, anh thường xuyên nắm rõ tâm tư nguyện vọng của họ. Nếu có khó khăn vướng mắc, thì tạo điều kiện về vật chất và tinh thần để họ hoàn lương.

    Anh nhớ lại: “Trong thôn Tú Phong năm 2012 có một đối tượng vị thành niên phạm tội hiếp dâm. Khi đối tượng này được trại giáo dưỡng cho về, tôi và ban nhân dân thôn đã động viên, hướng dẫn cách làm ăn. Đến nay đối tượng đã tu chí làm ăn sinh sống ổn định với gia đình tại địa phương”. Anh tâm niệm mình phải phấn đấu trước để người thân, bạn bè, xã hội thấy được sự hoàn lương của mình. Từ đó mọi người sẽ hiểu và thông cảm với mình.

    Nông dân sản xuất giỏi của tỉnh

    Ông Nguyễn Giúp, Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho biết: “Anh Tùng xuất thân trong gia đình có truyền thống cách mạng. Trước đó, quá trình công tác anh luôn là cán bộ gương mẫu hết lòng vì nhân dân. Sau khi trở về địa phương, không chỉ là nông dân sản xuất giỏi của tỉnh, anh Tùng thường xuyên tham gia các buổi hòa giải ở cơ sở. Anh cũng thường xuyên tuyên truyền rộng rãi về phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc trong các buổi họp dân ở cơ sở. Vì thế an ninh trên địa bàn xã chúng tôi lâu nay không có vụ việc nghiêm trọng xảy ra”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguyen-pho-ca-xa-vuong-vong-lao-ly-hoan-luong-thanh-vua-tom-a50576.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan