Ngày 3/3, trả lời về vụ dân vây công an đánh người, ông Đặng Ngọc Sơn, Trưởng Công an TP Huế, lại cho rằng, sự việc trên không có vấn đề gì. Ông Sơn khuyên: "Hai thanh niên đi đường ngược chiều là vi phạm, chúng ta không nên cổ súy cho những hành vi như thế này. Tôi thấy bao nhiêu báo cứ hỏi đi hỏi lại cái việc đó. Công an làm đúng pháp luật kiểm tra vi phạm của hai thanh niên trên…”, ông Sơn nói.
Nhiều ngày qua, dư luận TP Huế hết sức quan tâm sự việc nhiều người dân phản ứng hai công an đánh người. Người dân khu vực đường Điện Biên Phủ vẫn bức xúc và cho rằng, em Phạm Văn Tây bị hai công an ép xe, dùng dùi cui vụt vào đầu làm Tây choáng váng ngã vật xuống đường. Đặc biệt, anh Trần Bá Thắng, ngụ đường Trần Phú, TP Huế, người chứng kiến sự việc miêu tả: “Tôi thấy hai công an dùng xe máy chắn ngang trước mũi xe máy đi ngược chiều và đánh vào người thanh niên cầm lái. Thấy vậy bọn tôi rất bức xúc…”.
Liên quan đến sự việc trên, sáng 28/2, công an TP Huế đã gọi Tây và người nhà lên làm việc. Tại đây, một công an cho biết Tây bị ngã chứ không ai đánh đập. Sau khi gia đình phản ứng lại, công an bảo Tây có lẽ uống rượu nên ngã. Tuy nhiên, gia đình bảo sao không đo nồng độ cồn thì công an không nói gì.
Chị Nguyễn Thị Nhi (mẹ Tây), cho biết sau khi làm việc xong, xe máy công an vẫn giữ nhưng chưa lập biên bản. Một công an bảo Tây cứ về viết bản tường trình lại sự việc là tự ngã chứ không phải bị đánh…
Vết thâm dài trên vai của em Tây. Ảnh: V.L |
Trước đó, khoảng 21h30, ngày 27/2, nhiều người dân thấy em Phạm Văn Tây (17 tuổi), ngụ 25 Lý Nam Đế, TP Huế chở một người bạn là Nhật Trung đi ngược chiều đường Điện Biên Phủ. Khi đến trước số nhà 30, Tây bị xe công tác do thượng úy Phan Lê Phú điều khiển chặn lại. Thấy công an chặn xe bất ngờ, Tây cho xe lách sang một bên để tránh đâm trực diện vào xe công an. Ngay lúc đó, thượng sĩ Hoàng Kim Tuyến ngồi sau liền vụt dùi cui vào đầu, khiến Tây choáng váng ngã vật xuống đường.
Nhiều người dân và người nhà tỏ ra bức xúc khi sự việc vẫn bị xem nhẹ. Ảnh: V.L |
Tại hiện trường, hàng trăm người dân bao vây hai công an, phản đối việc đánh em Tây. Trước sức phản ứng lớn của người nhà và dân, hai công an phải điện cho lãnh đạo Công an TP Huế và lánh đi. Khi lãnh đạo Công an TP Huế đến, người nhà mới chịu đưa Tây đến bệnh viện. Sau đó, Tây được người nhà cho xuất viện để về nhà chữa trị.
Nguyễn Hương(theo Pháp luật TP.HCM)