Huyết áp thấp còn được gọi là chứng giảm huyết áp. Nếu ở mức độ nhẹ, huyết áp thấp không cần phải điều trị. Tuy nhiên, chứng bệnh này có thể gây ra một số căn bệnh nguy hiểm cho tim mạch mà chúng ta cần phải lưu ý.
Huyết áp là áp lực trong lòng mạch cần thiết để tim có thể bơm máu từ hệ thống tuần hoàn tới các cơ quan của cơ thể. Thông thường, tình trạng tụt huyết áp nhẹ có thể hồi phục sau khi cơ thể có thể điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi và sinh hoạt hợp lý. Tuy nhiên, nhiều trường hợp tụt huyết áp có thể là tình trạng rất nghiêm trọng, thậm chí gây sốc, đột quỵ, suy thận… có thể đe dọa đến tính mạng.
Vậy giảm huyết áp là gì? Huyết áp có thể được đo bằng đơn vị milimet thủy ngân (mmHg). Tình trạng tụt huyết áp gây co mạch và làm cho thể tích máu giảm đột ngột.
Nguyên nhân gây huyết áp thấp
Một số nguyên nhân sau được xem là những lý do khiến huyết áp tụt giảm:
- Phản ứng ngược của một số loại thuốc, bao gồm: thuốc lợi tiểu, thuốc gây tê hay gây mê, nitrat, thuốc ngăn ngừa canxi, một số loại thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chữa chứng cao huyết áp.
- Mất nước (do đổ mồ hôi quá nhiều, mất máu hay tiêu chảy cấp).
- Các cơn ngất, choáng.
- Chuyển tư thế đột ngột, đang nằm hoặc ngồi bỗng đột nhiên đứng dậy.
- Choáng vì chảy máu trong, do nhiễm trùng cấp tính hay chứng suy tim, đau tim, nhịp tim bất thường.
- Kháng phản vệ (một phản ứng do dị ứng nặng).
- Người bị thần kinh đái tháo đường hay mắc các bệnh về thần kinh ngoại biên.
- Có thể liên quan tới việc mang thai.
Triệu chứng của huyết áp thấp
Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo bệnh huyết áp thấp:
- Mệt mỏi
- Suy nhược cơ thể
- Đau đầu nhẹ và choáng, ngất
- Thị lực giảm (nhìn mọi vật mờ đi)
- Hoa mắt, chóng mặt
- Tim đập nhanh
- Đỏ mặt, có cảm giác hồi hộp
- Buồn nôn
- Mất ý thức tạm thời.
Đau đầu, chóng mặt cũng là một biểu hiện của huyết áp thấp |
Sơ cứu đúng cách khi bị hạ huyết áp, tránh biến chứng nguy hiểm về lâu dài
Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, để sơ cứu bệnh nhân bị hạ huyết áp đúng cách, chúng ta cần xem xét bệnh nhân có tiền sử bệnh tiểu đường hay không.
Nếu không có thì có thể tạm thời loại bỏ suy nghĩ người bệnh bị hạ đường huyết và tập trung vào sơ cứu hạ huyết áp. Người nhà cần thực hiện cứu bệnh nhân theo những bước sau:
- Nhanh chóng đưa bệnh nhân vào nơi thoáng mát, đặt bệnh nhân nằm xuống nơi bằng phẳng, dùng gối kê đầu và chân, nên kê gối chân cao hơn đầu.
- Pha chế và cho bệnh nhân uống trà gừng, nước sâm, cà phê, nước chè đặc, ăn thức ăn đậm muối, bột tam thất, rau cần tây, nước nho… rồi đặt bệnh nhân nằm xuống nghỉ ngơi.
Nếu không có sẵn những loại nước trên, bạn có thể cho bệnh nhân uống nhiều nước lọc, nước đun sôi để nguội sẽ kích thích nhịp tim trong thời gian ngắn, nâng cao chỉ sổ huyết áp tạm thời.
Bạn cũng có thể cho bệnh nhân nhâm nhi một chút sô cô la vì chứa nhiều flavon giúp bảo vệ thành mạch máu, từ đó huyết áp ổn định hơn.
Hoặc nếu bệnh nhân có sử dụng thuốc chữa hạ huyết áp do bác sĩ kê thì nhanh chóng cho bệnh nhân uống.
- Theo dõi bệnh nhân thật kỹ. Nếu các triệu chứng được cải thiện, hãy nâng bệnh nhân ngồi dậy từ từ, nhắn người bệnh cử động chân và tay vài phút trước khi ngồi dậy.
Nếu không thấy đỡ hơn cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để bác sĩ chuyên khoa thăm khám tình trạng bệnh.
Đây là bước quan trọng, không được chủ quan vì có thể dẫn đến biến chứng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy thận, tai biến mạch máu não … cực nguy hiểm đến tính mạng.
Chuyên gia khuyên, người thường xuyên bị hạ huyết áp cần ăn uống đủ chất, uống nhiều nước, hạn chế rượu bia, chất kích thích, ăn nhiều rau quả, ăn nhiều bữa trong ngày, hạn chế bột và đường, có thể ăn mặn hơn người bình thường một chút, không được bỏ bữa, luôn mang bên người đồ ăn vặt như kẹo gừng, sô cô la…
Tập thể dục thường xuyên nhưng nhẹ nhàng như đi bộ, tập thể dục dưỡng sinh…
Mai Linh (t/h)