Ngày 17/2, Phó Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong ngày đã bị bắt giữ do liên quan đến vụ bê bối tham nhũng làm rúng động chính trường Hàn Quốc.
Lee Jae-yong, 48 tuổi, hiện bị giam giữ tại Trại Tạm giam Seoul và các công tố viên Hàn Quốc có tối đa 10 ngày để truy tố Lee Jae-yong. Sau khi bị truy tố, Lee Jae-yong sẽ được đưa ra xét xử và Tòa sẽ đưa ra phán quyết liên quan đến Lee Jae-yong trong vòng 3 tháng sau khi xét xử, theo VOV.
Người phát ngôn của tập đoàn Samsung cho biết, hiện vẫn chưa rõ Lee Jae-yong có được nộp tiền để được tại ngoại hay không. Hiện cả tập đoàn Samsung và Lee Jae-yong đều lên tiếng cho rằng họ không làm gì sai. Tuyên bố của tập đoàn Samsung nêu rõ: “Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để đảm bảo rằng sự thực sẽ sớm được tiết lộ”.
Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae-yong. - Nguồn: Getty. |
Hồi tháng 1, Tòa án Hàn Quốc đã bác yêu cầu bắt giữ Lee Jae-yong của các công tố viên, tuy nhiên, đến ngày 14/2, các công tố viên lại đưa ra thêm nhiều cáo buộc chống lại Lee Jae-yong, trong đó có tội hối lộ. “Chúng tôi nhận thức rất rõ nguyên nhân và sự cần thiết phải đưa ra lệnh bắt giữ lần này”, một thẩm phán của Tòa án Hàn Quốc nêu rõ.
Tuy nhiên, các thẩm phán tại Tòa án Hàn Quốc đã từ chối yêu cầu của các công tố viên nước này bắt giữ Chủ tịch Tập đoàn Samsung Park Sang-jin.
Trong khi việc bắt giữ Lee Jae-yong không ảnh hưởng nhiều lắm đến hoạt động thường ngày của Samsung do tập đoàn này được điều hành bởi các nhà quản lý chuyên nghiệp, các chuyên gia cho rằng việc bắt giữ sẽ gây tác động lớn đến việc “ra những quyết định chiến lược” tại tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc này.
“Cho đến khi có phán quyết của Tòa, sẽ rất khó để Samsung có thể đưa ra bất kỳ một quyết định quan trọng nào”, ông Park Ju-gun, người đứng đầu tập đoàn Nghiên cứu CEO Score nhận định.
“Đây là một cú sốc rất lớn đối với Phó Chủ tịch Lee Jae-yong”, ông Kim Sang-jo, Giáo sư Kinh tế tại đại học Hansung nhận định: “Nhưng đây cũng là cơ hội rất tốt để Samsung “gỡ bỏ” những mối quan hệ trong quá khứ”- ám chỉ mối liên hệ giữa Samsung và Chính phủ Hàn Quốc.
Theo TTXVN, Samsung có thể sẽ ngừng tiến trình tái cơ cấu hiện đang được thực hiện cũng như tạm dừng việc sáp nhập và mua lại các công ty khác.
Nhiều quan chức của Samsung được dẫn lời cho rằng tập đoàn này có thể sẽ gặp phải một số hạn chế khi không có sự hiện diện của ông Lee. Yonhap dẫn lời một quan chức yêu cầu giấu tên nói: “Có những hạn chế đối với những gì mà các quan chức cao cấp có thể làm, đặc biệt là khi theo đuổi một dự án đầu tư hay kinh doanh lớn. Những dự án như vậy thường cần phải có quyết định từ chủ tịch”.
Các số liệu thống kê cho thấy kể từ khi ông Lee thay người cha Lee Kun-hee lãnh đạo Tập đoàn Samsung năm 2014, Công ty Samsung Electronics Co. của tập đoàn này đã mua lại hơn 15 công ty nước ngoài. Chỉ tính riêng trong năm 2016, Samsung Electronics đã đầu tư 23,6 tỷ USD, lượng đầu tư lớn nhất trong lịch sử của họ.
Việc Lee Jae-yong bị bắt giữ sẽ tạo điều kiện cho các công tố viên đẩy nhanh việc điều tra mối liên hệ giữa tập đoàn Samsung và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và người bạn thân Choi Soon-sil - người hiện đang bị giam giữ và có thể đối mặt với cáo buộc lạm dụng quyền lực và lừa dối.
Các công tố viên cáo buộc tập đoàn Samsung đã hối lộ số tiền lên đến 37,74 triệu USD cho các tổ chức liên quan đến bà Choi Soon-sil để giành được sự ủng hộ của Chính phủ Hàn Quốc trong việc sáp nhập 2 đơn vị của Samsung hồi năm 2015.
Nếu Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc phê chuẩn kết quả luận tội của Quốc hội đối với bà Park Geun-hye thì Hàn Quốc sẽ phải tổ chức một cuộc bầu cử Tổng thống sớm trong vòng 2 tháng. Trong thời gian đó, bà Park vẫn là Tổng thống nhưng bị bãi miễn mọi quyền lực.
Người được cho là sẽ thay thế bà Park Geun-hye, ông Moon Jae-in - thành viên Đảng Dân chủ đối lập Hàn Quốc hiện đang dẫn đầu cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Hàn Quốc, đã hoan nghênh lệnh bắt giữ Lee Jae-yong.
Người phát ngôn của ông Moon Jae-in, ông Kim Kyoung-soo nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng rằng, điều này sẽ là sự khởi đầu cho việc chấm dứt những mối quan hệ... giữa Chính phủ và các tập đoàn lớn”.
(Tổng hợp)