Lithuania mới đây đã tuyên bố ngừng nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga bắt đầu từ tháng 4 này. Theo đó, Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda tuyên bố động thái này có thể được xem là một ví dụ cho các nước Liên minh châu Âu (EU).
Trước đây, EU đã và đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, bao gồm than, dầu và đặc biệt là khí đốt. Gần 40% tổng lượng khí đốt tự nhiên của khối đến từ Nga. Tuy nhiên, kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2, các quốc gia EU đã tích cực hơn trong việc tìm cách cắt giảm sự phụ thuộc về khí đốt.
Trong một bài đăng trên Twitter ngày 2/4, Tổng thống Nauseda nhấn mạnh: "Nếu chúng tôi làm được thì các nước còn lại của châu Âu cũng có thể làm được".
Dù Lithuania là một quốc gia chỉ 2,8 triệu dân và nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại hơn là công nghiệp thì đây vẫn là nền kinh tế lớn nhất trong các nước Baltic đồng thời cũng là một thành viên Liên minh châu Âu. Việc để mất Lithuania với tư cách là khách hàng không có khả năng gây tổn hại quá lớn đối với Gazprom, tập đoàn năng lượng quốc doanh Nga. Tuy nhiên, động thái cắt giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga lại có ý nghĩa địa chính trị quan trọng trong việc tạo tiền lệ cho toàn bộ khối EU.
Katja Yafimava, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, nhận xét: "Tôi nghĩ đó là một bước đi mang tính biểu tượng của Lithuania, vốn từ lâu đã cố gắng đi tiên phong trong việc giảm thiểu và có khả năng loại bỏ sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga".
Bà nói thêm rằng Đức, Pháp và Ý không thể dễ dàng thực hiện một động thái tương tự vì họ phụ thuộc vào khối lượng khí đốt của Nga nhiều hơn và bị ràng buộc với các hợp đồng dài hạn.
Trước đây, Lithuania có biên giới với lãnh thổ Kaliningrad của Nga và từng phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu khí đốt từ nước này - một di sản lịch sử với tư cách là một phần của Liên Xô cũ. Tuy nhiên, việc xây dựng một nhà ga khí đốt tự nhiên hóa lỏng vào năm 2014 đã cho phép Lithuania bắt đầu thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga.
Hồi tuần trước, Tổng thống Vladimir V. Putin đã đe dọa cắt nguồn cung cấp khí đốt cho "các quốc gia không thân thiện", trừ khi các quốc gia này bắt đầu thanh toán cho các nguồn cung cấp bằng đồng tiền rúp của Nga. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã phản đối ý tưởng này nhưng vẫn chưa rõ họ dự định làm thế nào để giải quyết bế tắc.
Tại châu Âu, Đức và Ý là những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt Nga. Hiện nay, Đức đã xây dựng quan hệ đối tác với cả Mỹ và các nước giàu năng lượng khác.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi các quốc gia EU ngừng mua khí đốt từ Nga, nhằm thúc giục Qatar và các nhà sản xuất năng lượng khác tăng cường xuất khẩu khí đốt sang châu Âu như một phần nỗ lực làm giảm sự phụ thuộc của lục địa này vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Đầu năm nay, bộ trưởng năng lượng của Lithuania cho biết nước này đã có thể đặt hàng cung cấp đủ dầu khí hoá lỏng để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình. Nếu cần, nước này cũng có thể nhận giao khí đốt thông qua liên kết với Latvia.
Minh Hạnh (Theo New York Times)