Theo Avia, cuộc tấn công có độ chính xác cao, cho thấy rằng một tên lửa chống radar của Nga đã được sử dụng, theo đó tước đi khả năng kiểm soát một khu vực không phận rộng lớn của quân đội Ukraine.
Theo các nguồn tin quân sự, cuộc tấn công trên được thực hiện cách đây khá lâu, tuy nhiên, những bức ảnh về tổn thất của Ukraine chỉ mới được công bố.
Cho đến nay, một số lượng tương đối nhỏ các hệ thống tên lửa phòng không S-300 vẫn còn trong biên chế của quân đội Ukraine và việc sử dụng những hệ thống còn lại là rất khó vì quân đội Ukraine thực tế không còn tên lửa nào cho loại vũ khí này.
Hệ thống tên lửa đất đối không S-300 do Viện thiết kế Almaz (KB-1) - nay nằm trong Tổ hợp doanh nghiệp phòng không Almaz-Antei và Phòng thiết kế chế tạo máy Fakel nghiên cứu phát triển.
S-300 có khả năng tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu tên lửa đạn đạo, đồng thời được coi là một trong những hệ thống chống máy bay mạnh nhất hiện nay với tầm bắn lên đến hơn 150 km. S-300 cũng sở hữu sức mạnh ngăn chặn cả chiến đấu cơ tàng hình.
Tới nay, hệ thống tên lửa S-300 đã được cải tiến, hiện đại hóa với 3 hệ chủ yếu là S-300V đánh chặn tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo; S-300P phòng không mặt đất; và S-300F dùng cho tàu hải quân. Trong đó, hệ lớn nhất là S-300P với những phiên bản nổi tiếng và thông dụng như S-300 PT, S-300PS (chính là phiên bản Slovakia chuyển cho Ukraine), S-300 PMU, S-300 PMU2, S-400.
Ngoài Nga, hệ thống tên lửa S-300 hiện có trong trang bị khoảng 20 nước như Síp, Hi Lạp, Slovakia, Bulgaria, Ukraine, Belarus, Armenia, Trung Quốc, Ấn Độ, Syria, Iran, Venezuela…
Trong đó, theo ước tính đầu năm 2022, Ukraine sở hữu khoảng 10 hệ thống S-300PT và S-300PS, một số hệ thống S-300V cùng khoảng 40 xe chở đạn kiêm bệ phóng ở tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
Hệ thống tên lửa S-300 có thể đồng thời theo dõi đến 100 mục tiêu và xử lý được từ 12 đến 36 chiếc trong số đó. Ở những phiên bản S-300PMU1/2 trở về sau, khả năng của radar được tăng cường, theo dõi đến 300 mục tiêu và xử lý cùng lúc tới 72 vật thể bay xâm phạm.
Mộc Miên (Theo Avia)