Dù chỉ được phép nhập nguyên liệu, vật tư về để gia công, sản xuất hàng xuất khẩu nhưng nhiều doanh nghiệp lại lách luật để bán nguyên liệu này ra thị trường.
Thậm chí, sản phẩm hoàn thiện được bán dưới dạng phế liệu… Đó là chiêu thức buôn gian bán lận đang nổi lên ở không ít đơn vị gia công, sản xuất với mục đích trốn thuế.
Đủ chiêu lách luật
Theo nhận định của một cán bộ cục Hải quan TP.HCM: “Hiện nay, một số doanh nghiệp đang lợi dụng chính sách ưu đãi đối với hàng gia công, sản xuất xuất khẩu để gian lận và đặc biệt là trốn thuế. Hành vi của các đối tượng này chủ yếu là tự ý bán nguyên liệu trên thị trường, sau đó tìm cách hợp thức hóa; điển hình là mượn nguyên liệu của các đơn vị khác để đối phó khi có cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra số hàng còn tồn tại cơ sở. Cũng có trường hợp chuyển tiếp nguyên liệu sang hợp đồng mới...”.
Cách đây chưa lâu, công ty cổ phần H.D. (quận 7, TP.HCM) đã mở 3 tờ khai hải quan để nhập khẩu chuyển tiếp đối với nguyên liệu theo hợp đồng gia công. Số hàng này là da bò muối, có trọng lượng gần 600.000 tấn.
Tuy nhiên, nghi có những điều bất thường về nhập khẩu nguyên liệu, cơ quan hải quan đã tiến hành kiểm tra thực tế số hàng nói trên tại kho của doanh nghiệp. Khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, 600.000 tấn da bò muối đã “bốc hơi”. Trị giá lô hàng nói trên ước khoảng gần 7 tỷ đồng, doanh nghiệp này đã gian lận số tiền thuế hơn 1,4 tỷ đồng.
Khách hàng có thể tìm mua bất cứ loại vải nguyên liệu với số lượng lớn tại chợ Tân Bình. |
Tuy nhiên, đó là con số nhỏ so với những gì đã diễn ra tại công ty TNHH sản xuất thương mại H.C. (khu công nghiệp Nhị Xuân, TP.HCM). Chiêu thức của công ty này là chuyển “nguyên liệu ảo” cho đơn vị khác.
Theo đó, công ty khai báo chuyển tiếp hàng hóa 7 loại nguyên phụ liệu với số lượng gần 2.000 tấn, trị giá trên 5,560 triệu USD. Nhưng khi kiểm tra số hàng thực tế tại kho, cơ quan chức năng phát hiện số hàng trên phần lớn “không cánh mà bay”.
Tại đây, chỉ còn lại 2 loại vải trị giá trên 110 tỷ đồng tồn kho với số lượng rất ít. Vậy, doanh nghiệp đã gian lận thuế gần 26 tỷ đồng. Vị giám đốc doanh nghiệp này cũng thừa nhận, đã bán toàn bộ số nguyên liệu nói trên cho các đơn vị trên thị trường.
Tại Đồng Nai, có thể kể đến hàng loạt cái tên như: Công ty cổ phần N.V, bị phạt 208 triệu đồng, công ty TNHH C.B. bị phạt gần 452 triệu đồng, công ty TNHH K.T. bị phạt trên 440 triệu đồng... vì các chiêu thức cho nguyên vật liệu, vật tư trong kho biến mất bí ẩn, nằm ngoài sổ sách kế toán.
Bên cạnh các chiêu thức trên, việc lợi dụng nhập khẩu nguyên liệu, vật tư theo hợp đồng gia công nhưng “không phù hợp”, một số doanh nghiệp đã xuất trả để thực hiện hành vi xuất khống hàng hóa nhằm trốn thuế.
Công ty TNHH O.D. Vina (huyện Hóc Môn, TP.HCM) đã mở tờ khai hải quan đề trả lô hàng gia công với 6 loại nguyên liệu có trọng lượng 16 tấn. Đến khi kiểm tra thực tế hàng hóa, chi cục Hải quan hàng gia công (cục Hải quan TP.HCM) đã phát hiện chỉ có 2 loại vải là đúng với tờ khai hải quan. Còn lại 4 loại không xuất trả với số lượng thiếu gần 1 triệu yards (1 yards = 9,9144m) trị giá trên 5 tỷ đồng. Như vậy, theo tính toán, số thuế gian lận của công ty này lên tới 1,2 tỷ đồng.
Ngoài các trường hợp trên, cán bộ cục Hải quan TP.HCM còn cho biết thêm: “Lực lượng hải quan còn phát hiện trường hợp cơ sở bán cả sản phẩm hoàn thiện dưới dạng phế liệu hoặc để sản phẩm nằm ngoài sổ sách kế toán về bán hàng nguyên liệu, vật tư hàng gia công, sản xuất xuất khẩu”.
Bao nhiêu cũng có
Để chứng minh thực trạng này, trong vai cơ sở đang cần nguyên liệu vải để sản xuất hàng xuất khẩu, PV tìm đến chợ Tân Bình. Khi biết mục đích tìm nguồn vải may để làm hàng gia công và sản xuất xuất khẩu, bà Tiên, bán hàng ở đây cho biết: “Hàng đó thì thiếu gì, em lấy số lượng nhiều không. Đây là hàng loại 1, dành cho các cơ sở chuyên gia công hàng đi Mỹ, Nhật, Ý...”.
Nói thêm về loại vải này, bà Tiên cho biết, đây là vải của Trung Quốc. Loại 1 là hàng cao cấp, được nhập về đổ cho các chợ như Bình Tây (quận 6), An Đông (quận 5) và Tân Bình. Ba nơi này chuyên phân phối hàng phục vụ cho các cơ sở may gia công hoặc sản xuất hàng xuất khẩu.
Ông Nguyễn Thành Hai, chủ một cơ sở từng làm hàng gia công chia sẻ: “Không chỉ vải Trung Quốc mà cả hàng Nhật, Hàn, Mỹ... đều có. Loại vải này do các doanh nghiệp nhập về nhưng họ không sản xuất mà bán ra thị trường, làm như vậy, họ không phải đóng thuế.
Tương tự, anh Hải, chủ một cơ sở may gia công tại quận Bình Tân nói thêm: “Hiện nay, thị trường đang có 2 hình thức nhận may gia công. Doanh nghiệp may gia công và bao nguyên phụ liệu, gọi là FOB. Còn CM hoặc CMPT là bên quý khách cung ứng nguyên phụ liệu, chúng tôi sẽ nhận may gia công thành phẩm. Đối với hàng nhận may gia công bao luôn vải thì tối thiểu là 50 sản phẩm. Còn đơn hàng quý khách bao vải, tối thiểu là 100 sản phẩm trở lên. Về nguồn vải, khách hàng muốn số lượng bao nhiêu cũng có, về chất lượng, màu sắc... đều đáp ứng đúng như đơn hàng”.
Tuy nhiên, khi đề nghị cung cấp thông tin về cơ sở cung cấp vải nguyên liệu làm hàng gia công và xuất khẩu, Hải lắc đầu. Anh này nói: “Cái đó là bí mật kinh doanh, không nói được đâu”.
Theo thông tin mà PV có được, cả nước có khoảng trên 8.000 cơ sở, doanh nghiệp làm hàng gia công, sản xuất hàng xuất khẩu. Các đơn vị này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử... Ở phía Nam, các cơ sở, doanh nghiệp tập trung chủ yếu tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An...
Không ít doanh nghiệp đã nhập nguyên liệu về bán ra thị trường thu lợi bất chính và trốn thuế. |
Được biết, tính trong 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng đã thu số tiền thuế lên đến gần 190 tỷ đồng đối với hàng gia công, sản xuất xuất khẩu. Trong đó, một số địa phương có số tiền thuế thu lớn từ công tác hậu kiểm như TP.HCM gần 9 tỷ đồng, Đồng Nai trên 12 tỷ đồng, Bình Dương trên 7,3 tỷ đồng...
Liên quan tới tình trạng này, ông Nguyễn Dương Hoài, Phó cục trưởng cục Hải quan Đồng Nai cho biết: “Đơn vị đã xử lý nhiều trường hợp trong thời gian qua và sẽ tăng cường công tác quản lý, giám sát đối với loại hình này trong thời gian tới. Đồng thời, sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để phát hiện, đấu tranh, phòng chống và xử lý nghiêm đối với các mặt hàng trọng điểm, có độ rủi ro cao, hàng trốn thuế... được vận chuyển ra vào các khu công nghiệp”.
Để hạn chế tình trạng này, ông Hoài cũng cho rằng: “Cần phải thống nhất tiêu chí cơ sở dữ liệu về thu thập và xử lý thông tin giữa các đơn vị trong và ngoài ngành hải quan để quản lý, giám sát tốt nhất đối với các loại nguyên liệu, vật tư đối với lĩnh vực hàng gia công và sản xuất xuất khẩu”.
Lợi dụng ưu đãi để... trốn thuế Ông Lê Đình Thuật, Chi cục trưởng chi cục Hải quan hàng gia công (cục Hải quan TP.HCM) cho biết: “Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi đối với loại hình hàng gia công, sản xuất xuất khẩu. Tuy nhiên, thời gian qua, trong quá trình thông quan, lực lượng hải quan đã phát hiện một số trường hợp lợi dụng chính sách này để bán hàng và trốn thuế. Theo đó, các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu không đúng mục đích, tự ý bán nguyên liệu vào thị trường nội địa để thu lợi bất chính và trốn thuế. Sau đó tìm cách hợp thức hóa như mượn nguyên liệu của các đơn vị khác để đối phó khi có cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra hay chuyển tiếp nguyên liệu sang hợp đồng mới”. |