Lợi dụng chức vụ và quyền hạn của mình, Sáng đã chỉ đạo một nhóm người phá hoại 12,5 ha rừng.
Theo tin tức đăng tải trên báo Dân Trí, ngày 18/3, thông tin từ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông, đơn vị này đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở đối với Phạm Xuân Sáng, nguyên Đội trưởng Đội Phòng chống khủng bố, Phòng An ninh xã hội (Công an tỉnh Đắk Nông) về hành vi Hủy hoại rừng.
Nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ, xẻ hộp nằm ngổn ngang tại một điểm phá rừng (ảnh minh họa) |
Báo Đắk Nông đưa tin, theo kết quả điều tra của cơ quan công an, Sáng là người chủ mưu, cầm đầu một nhóm người thực hiện hành vi hủy hoại 12,5 ha rừng tại tiểu khu 1685 và tiểu khu 1697, thuộc địa bàn xã Đắk Ha và xã Quảng Sơn (Đắk Glong).
Liên quan đến vụ án, năm 2015, hai đối tượng Hoàng Văn Đào, trú tại tỉnh Đồng Nai và Vũ Việt Hưng, trú tại tỉnh Lâm Đồng cũng bị Công an tỉnh Đắk Nông khởi tố, bắt giữ về hành vi hủy hoại rừng. Quá trình điều tra, 2 đối tượng này đã khai nhận Phạm Xuân Sáng chính là đối tượng "bảo kê" để cho những người khác phá rừng, chiếm dụng đất đai.
Cũng theo báo Dân Trí, trước đó, ngày 3/4/2015, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49, Công an tỉnh) phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glong tiến hành kiểm tra và phát hiện tại 2 tiểu khu 1685 và 1697 có một số đối tượng đang thực hiện hành vi chặt phá rừng trái phép.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện có nhiều cây rừng, đường kính khoảng 50-60 phân đã bị cưa hạ sát gốc cùng nhiều diện tích rừng đã bị phát dọn, đốt cháy nham nhở. Tổng diện tích rừng bị hủy hoại, đốt cháy tại hai tiểu khu là 23,7 ha. Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản và thu giữ tang vật gồm 2 cưa xăng, 4 rựa phát cây cùng nhiều vật dụng liên quan.
Hiện lực lượng chức năng tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.
Điều 189. Hành vi Hủy hoại rừng (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2006): 1. Người nào đốt, phá rừng trái phép rừng hoặc có hành vi khác huỷ hoại rừng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: - Có tổ chức; - Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; - Hủy hoại diện tích rừng rất lớn; - Chặt phá các loại thực vật quý hiếm thuộc danh mục quy định của Chính phủ; - Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: - Hủy hoại diện tích rừng đặc biệt lớn; - Hủy hoại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; - Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |