Cùng với việc tái phát dịch tả lợn châu Phi ở 20 tỉnh, thành trên cả nước, giá lợn hơi và lợn giống đều có xu hướng tăng cao do khan hiếm nguồn hàng. Các địa phương hiện nay đang cố gắng chống dịch, cũng như kiểm soát giá cả.
Một phút lơ là có thể sạt nghiệp
Mới đây, bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa có văn bản gửi 20 tỉnh, thành về việc bệnh dịch tả lợn châu Phi đã tái phát từ đầu năm 2020 đến nay. Thứ trưởng bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đã chỉ đạo cục Thú y và các đơn vị liên quan đến các địa phương để kiểm tra, đôn đốc, thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dịch.
Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, TS.Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng cục Thú y (bộ NN&PTNT) cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng dịch bệnh tái phát, lây lan là do sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát, một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nuôi tái đàn, lợn con chủ yếu được mua từ các chợ, điểm buôn bán hoặc thương lái, không rõ nguồn gốc. Các ổ dịch chủ yếu tái phát, không đảm bảo điều kiện và không áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học.
Khi lợn có biểu hiện mắc bệnh, nghi mắc bệnh, người dân không báo để lấy mẫu xét nghiệm, bán chạy, giết mổ lợn để tiêu thụ, không xử lý chất thải, nước thải, xả thải trực tiếp ra môi trường xung quanh làm lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, người chăn nuôi không báo cáo cho chính quyền cơ sở hoặc cơ quan thú y để xử lý kịp thời các trường hợp lợn bệnh khi mới phát hiện... Nhiều địa phương thiếu lực lượng thú y tuyến huyện, xã và thôn/bản, nên không có người tổ chức giám sát, kịp thời phát hiện, báo cáo và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Giám đốc sở NN&PTNT Hà Nội. |
Lo lắng về dịch bệnh tái phát trở lại, ông Nguyễn Văn Minh - chủ trại lợn tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai) - cho biết, hiện ông đã nắm thông tin một số tỉnh có nguy cơ tái phát dịch tả lợn châu Phi nên rất lo lắng. Nhưng ông tự bảo vệ chính trại của mình bằng các biện pháp an toàn sinh học, tăng sức đề kháng cho đàn lợn.
“Trước khi vào trại nuôi lợn, chúng tôi buộc phải tắm rửa sạch sẽ, khử khuẩn và mang đồ bảo hộ để đảm bảo an toàn cho đàn lợn. Bây giờ, lợn đang đắt nếu lơ là có thể sạt nghiệp nên không thể vì một phút dễ dãi với bản thân và những người xung quanh mà ảnh hưởng đến cơ nghiệp. Riêng từ sau dịch tả lợn châu Phi, trại của tôi chỉ có người nhà và công nhân được vào nhưng phải đi qua các lớp cửa để khử khuẩn. Song song đó cũng tiến hành rắc vôi bột khắp trại, trước cửa các khu vực trại cũng cho để thau nước sát khuẩn rửa chân trước khi vào. Mong là ai cũng cố gắng làm tốt tránh ảnh hưởng đến tổng đàn lợn của toàn tỉnh Đồng Nai” - ông Minh chia sẻ.
Còn bà Hoàng Thị Hoa - chủ trại lợn tại huyện Vĩnh Cửu - cho biết, ở Đồng Nai tình hình dịch bệnh đang ổn, rất lâu rồi chưa có trường hợp mắc dịch mới. Nhưng bà và nhiều trại xung quanh cũng đều không chủ quan, vẫn thực hiện tốt an toàn sinh học. Chịu khó phun xịt khử trùng chuồng trại thường xuyên, hạn chế để người lạ đến gần khu vực chuồng trại. “Nhà tôi từ dịch đến nay là không cho ai đến gần trang trại vì rất sợ. Lợn dính dịch là xem như mất trắng, có được hỗ trợ cũng chả được bao nhiêu. Vậy nên muốn không tái dịch phải hết sức cẩn trọng, đảm bảo an toàn sinh học tuyệt đối” - bà Hoa nói.
Nguy cơ giá lợn tăng cao
Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, ông Nguyễn Ngọc Sơn – Giám đốc sở NN&PTNT Hà Nội - cho biết, do trên địa bàn TP.Hà Nội có nhiều trang trại lớn nhỏ, nên việc bùng phát dịch bệnh trở lại là điều tất yếu, đặc biệt là do thời tiết, khí hậu thất thường như hiện nay.
“Chúng tôi đã có những biện pháp cụ thể ngăn chặn dịch bệnh, cùng với đó là tuyên truyền bà con chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Ổ dịch mới nhất tại huyện Ứng Hòa từ ngày 7/4 đến nay cơ bản đã được ngăn chặn kịp thời, nhưng chúng tôi vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh diễn biến phức tạp”- ông Sơn cho biết.
Ông Nguyễn Xuân Nhẫn – Phó Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai cho biết, từ ngày 1/5 đến ngày 26/5 bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 76 hộ trên địa bàn 42 thôn, 19 xã, thị trấn, huyện trên địa bản tỉnh làm 337 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy (63 con lợn nái, lợn đực; 274 con lợn thịt, lợn con các loại), khối lượng tiêu hủy 15.172 kg.
Hơn 4.000 con lợn từ đầu năm đến nay phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi. |
“Chỉ tính riêng ngày 26/5 bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục xảy ra tại 9 hộ chăn nuôi làm 22 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy 915kg. Trước đó, Chi cục đã cử cán bộ trực tiếp kiểm tra ổ dịch đồng thời tiếp nhận mẫu gửi xét nghiệm virus gây bệnh, phối hợp với các huyện, phòng triển khai nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch của bộ NN&PTNT”- ông Nhẫn cho biết thêm.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo theo đó là giá thịt lợn, cũng như giá lợn giống tăng cao và khan hiếm. Theo ghi nhận thị trường thịt lợn tại Đồng Nai của PV tạp chí ĐS&PL, nguồn cung vẫn chưa đáp ứng nhu cầu khiến giá lợn hơi trên thị trường liên tục đứng ở mức cao khoảng 97-105.000 đồng/kg.
Theo ông Sơn, tại Hà Nội, nhu cầu sử dụng thịt lợn vẫn như tập quán cũ - chiếm 60% thực phẩm trong ngày, với nguồn cung thịt lợn giảm, số đàn lợn thịt cũng giảm thì việc đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt lợn hiện nay đang thiếu trầm trọng.
“Hiện nay các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm đáng kể, việc tái đàn chậm do không có giống sau dịch, cũng như các hộ lo dịch bệnh quay trở lại, nhiều hộ đã chuyển đổi nghề sang chăn nuôi con vật khác. Nên càng khiến lượng cung cấp thịt lợn ra thị trường khan hiếm hơn. Giá lợn tăng cao là điều “ dễ hiểu”- ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc sở NN&PTNT Hà Nội. |
Lê Liên- Nguyễn Nhâm
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 5 (86)