(ĐSPL) - Sự xuất hiện của tên lửa chống hạm mới trên màn ảnh truyền hình Triều Tiên, có bề ngoài giống tên lửa 3M24 Uran (Kh-35) của Nga, đã làm xôn xao giới chuyên gia quân sự châu Á.
|
Sự xuất hiện tên lửa hành trình chống hạm mới của Triều Tiên đã gây ra nhiều đồn đoán. |
Theo đài Tiếng nói nước Nga, Kh-35 là loại tên lửa hành trình có hiệu quả và độ chính xác cao, có thể vượt qua hệ thống phòng không trên nhiều tàu chiến hiện đại. Tuy nhiên, theo chuyên gia Vasily Kashin của Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ (Nga), sự xuất hiện của loại vũ khí này ở miền bắc Triều Tiên đang gây ra rất nhiều nghi vấn.
Tin tức cho hay, với loại tên lửa hành trình chống hạm này, Bình Nhưỡng có thể sở hữu một phương tiện hiệu quả tấn công tàu chiến nổi ở khoảng cách xa đáng kể từ bờ biển. Một số phiên bản của Kh-35 có tầm bắn trên 260 km. Cho đến nay, Triều Tiên mới sở hữu các phiên bản khác nhau của tên lửa P-15 có từ thời Liên Xô cũ và đã lỗi thời.
Về nguyên tắc, Kh-35 có thể trở thành xuất phát điểm cho việc chế tạo các tên lửa hành trình tầm xa và tiêu diệt cả mục tiêu mặt đất. Đây sẽ là thông tin xấu đối với Hàn Quốc. Những dự án tương tự (chế tạo tên lửa hành trình tầm trung trên cơ sở tên lửa chống hạm) đã được thực hiện từ lâu và khá thành công ở Đài Loan.
Vấn đề mấu chốt là nguồn gốc công nghệ của tên lửa hành trình Triều Tiên. Nga chưa bao giờ bán tên lửa hành trình Kh-35 cho Triều Tiên. Loại vũ khí này được bắt đầu đưa vào sản xuất giữa những năm 1990. Khách hàng chủ chốt là Ấn Độ. Tiếp đến có thêm một số quốc gia khác, đặc biệt là Việt Nam và Algeria. Hợp đồng bán các tên lửa này cho Triều Tiên không vi phạm chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa, nhưng trái với lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng của Liên Hợp Quốc. Kể cả không có lệnh trừng phạt, Triều Tiên cũng khó đủ nguồn lực tài chính để mua loại vũ khí tương tự.
Nói đúng ra, thế giới chẳng hề biết gì về khả năng thực sự của tên lửa hành trình Triều Tiên. Nếu là vũ khí tương tự Kh-35, tên lửa này có thể được trang bị đầu đạn tự dẫn với khả năng chống nhiễu cao, nắm bắt mục tiêu ở cự ly 20 km. Những ưu điểm khác của Kh-35 là động cơ phản lực hiệu quả, cao độ kế vô tuyến siêu chuẩn cho phép tên lửa bay ở độ cao 10-15 mét cách mặt biển và một loạt hệ tiên tiến khác. Triều Tiên không thể chế tạo những thành tố được nêu, nếu không có khả năng tiếp cận cơ sở điện tử, các vật liệu đặc biệt. Triều Tiên cũng không thể tự mày mò thiết kế và sản xuất các thành phần tên lửa này, nếu thiếu sự giúp đỡ từ bên ngoài.
Một việc làm không khó là tham khảo dữ liệu thiết kế tổng thể và khung tên lửa Kh-35 qua một trong các nước đang phát triển đã đặt mua hệ thống này.
Có thể giả định rằng tên lửa của Triều Tiên được các chuyên gia trong nước thiết kế dựa trên những thông tin sẵn có về kết cấu Kh-35 và công nghệ mang nguồn gốc Trung Quốc, qua con đường Iran. Hiện nay, Iran đã sản xuất cấp phép ít nhất 4 loại tên lửa chống hạm của Trung Quốc, trong đó có YJ-82 cùng lớp với Kh-35.
Bị cô lập chặt bởi các lệnh trừng phạt quốc tế, để nắm bắt các công nghệ vũ khí hiện đại, Triều Tiên buộc phải đi đường vòng và không phải lúc nào cũng hợp pháp. Mặt khác, như được biết là trong vài thập kỷ qua một số dự án kỹ thuật thành công và đầy tham vọng của Triều Tiên đã được thực hiện với sự hợp tác chặt chẽ cùng đối tác quốc tế. Đó thường là Iran và Pakistan, những nước sở hữu không ít chương trình tham vọng về sản xuất vũ khí và cũng ở trong tình trạng tương đối bị cô lập về kỹ thuật quân sự.
Có thể viện dẫn một trong các chương trình hợp tác triển vọng như tổ hợp tên lửa phòng không mới KN-06 của Triều Tiên và một số tên lửa đạn đạo, đặc biệt là tên lửa Musudan. Cách đây không lâu, Triều Tiên đã bắt đầu sản xuất pháo hải quân tự động 76mm - bản sao của OTO Melara (Italy). Theo các nhận định, Triều Tiên nắm được tài liệu liên quan từ phía Iran, là quốc gia đã sử dụng hệ thống tương tự trong nhiều thập kỷ qua.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguon-goc-ten-lua-hanh-trinh-cua-trieu-tien-a37444.html