(ĐSPL) - Sau 10 năm ở tù với nỗi đau oan sai, giờ đây công dân Nguyễn Thanh Chấn lại nhọc nhằn hành trình yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng bồi thường oan sai cho mình.
Trải lòng với PV báo Đời sống và Pháp luật, phía gia đình ông Chấn cho biết, họ đang rất bức xúc vì cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều yêu cầu vô lý, bắt gia đình chứng minh tổn thất về tinh thần bằng hoá đơn chứng từ?!
Người “cứu mạng” ông Chấn lên tiếng
Theo ghi nhận của PV báo Đời sống và Pháp luật, một trong những người đóng góp công sức lớn nhất giúp giải oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn là bà Thân Thị Hải (người cùng huyện Việt Yên).
Tuy là người dưng nước lã, nhưng vì cái tâm trong sáng của một người cùng quê hương, bà Hải nhiều năm liền bỏ ra thời gian, công sức, thậm chí cả tiền bạc, song hành cùng vợ con ông Chấn đi kêu oan cho ông. Giờ đây, gia đình ông Chấn coi bà Hải như một thành viên trong gia đình, thậm chí mọi người còn nói vui, bà Hải là “người phát ngôn” của ông Nguyễn Thanh Chấn.
Ngày 3/3, trao đổi với PV, bà Thân Thị Hải nói giọng buồn buồn: “Có gì bù đắp nổi cảnh tù tội 10 năm do mắc án oan. Vậy mà, cơ quan pháp luật yêu cầu gia đình chứng minh những thiệt hại tinh thần và vật chất của ông Chấn bằng những tờ hoá đơn, chứng từ. Làm như thế khác gì đánh đố những người nông dân chân lấm, tay bùn như gia đình ông Chấn”.
Là người theo đuổi suốt hành trình 10 năm kêu oan cho hàng xóm, bà Hải biết rất rõ gia cảnh ông Chấn trước khi bị bắt cho đến ngày được tha tù.
Theo lời bà Hải kể, trước khi ông Nguyễn Thanh Chấn bị đi tù, gia đình có 2 dãy chuồng lợn, trong chuồng lúc nào cũng có trên dưới 10 con; một xe ngựa chuyên chở hàng thuê cho mọi người; một máy xát gạo, khách lúc nào cũng nườm nượp; một cửa hàng bán đồ tạp hoá... “Nhà cửa sung túc, tiền tiết kiệm rủng rỉnh, vợ chồng ông Chấn đã mua 4 vạn viên gạch, xếp kín sân, chuẩn bị xây nhà. Khi ông Chấn vướng vào án oan giết người, tất cả tài sản trong gia đình cứ đội nón ra đi, chi tiêu hết vào chuyện kêu oan cho ông ấy suốt 10 năm trời.
Vợ chồng ông Chấn và bà Hải đến làm việc tại báo Đời sống và Pháp luật. |
Cũng vì bố bị đi tù, 4 đứa con của ông Chấn phải bỏ học giữa chừng, mẹ già không người chăm sóc...”. Thiệt hại như vậy, thử hỏi, lấy đâu ra hoá đơn, chứng từ để chứng minh đây”, bà Hải bức xúc.
Bà Hải kể tiếp: "Khi gia đình nộp đơn yêu cầu bồi thường lên Toà phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội, cán bộ Toà yêu cầu làm lại đơn theo mẫu chung. Thế nhưng, nhiều yêu cầu bồi thường thiệt hại thực tế của gia đình không có trong mẫu đơn của Toà. Ví dụ, lấy gì để chứng minh thiệt hại cho 4 đứa con của ông Chấn bị thất học vì mất nguồn nuôi dưỡng của bố; những lần gia đình thuê xe đi thăm bố ở tù, đi gửi đơn kêu oan đến các cơ quan chức năng...?".
Một người thân trong gia đình ông Chấn cho biết, vì tin bố Chấn bị tù oan, cháu gái thứ hai là Nguyễn Thị Quyền đã vay tiền của người thân để đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, sau đó gửi tiền về cho mẹ đi kêu oan cho bố gần 10 năm qua. Đến nay, cháu biết bố được minh oan, nhưng vì phải làm để trả nợ cho bà chủ (trước đó có vay tiền của bà chủ) nên không thể về thăm bố được. Cháu Quyền mong muốn báo Đời sống và Pháp luật giúp bố cháu được bồi thường theo luật Bồi thường Nhà nước, để mẹ con cháu đỡ khổ.
Hiện nay, bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) đang phải nhập viện bởi căn bệnh thần kinh do nhiều năm suy nhược vì nghĩ đến chồng bị án oan. Cuộc sống của cả gia đình ông Chấn và bà mẹ già vợ liệt sỹ đều trông hết vào đồng tiền ít ỏi của cậu con trai cả làm nghề thợ xây.
Ông Chấn chăm sóc người vợ ốm yếu sau 10 năm miệt mài đi kêu oan cho chồng. |
Qua báo Đời sống và Pháp luật, gia đình ông Chấn đề nghị Nhà nước và các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm bồi thường, linh động trong quá trình giải quyết bồi thường oan, bởi án oan thì đã rõ. Cả một gia đình đang ăn nên làm ra, nay nghèo túng, con cái thất học, bản thân ông Chấn đã nếm đủ đắng cay tù oan. Những tai họa này do các cơ quan tiến hành tố tụng làm ra, sao bây giờ lại bắt gia đình ông Chấn chứng minh thiệt hại để bồi thường?
Chưa có tiền lệ án
Luật sư (LS) Vũ Thị Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trưởng văn phòng Luật sư Công Lý Việt là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Nguyễn Thanh Chấn.
Chia sẻ với PV, LS Nga nhận định: “Việc TANDTC ra quyết định huỷ hai bản án dân sự đối với ông Nguyễn Thanh Chấn buộc ông Chấn phải bồi thường cho gia đình nạn nhân Nguyễn Thị H. (vụ án giết người xảy ra tại thôn Me năm 2003) là đương nhiên. Tôi đã tư vấn cho gia đình ông Chấn nộp đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại lên Toà phúc thẩm TADNTC tại Hà Nội.
Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Toà sẽ thụ lý đơn yêu cầu bồi thường và xác minh thiệt hại. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc việc xác minh thiệt hại, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải tổ chức và chủ trì thương lượng với ông Nguyễn Thanh Chấn để giải quyết bồi thường. Trường hợp, vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, thì hạn thương lượng có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày. Nếu hai bên không thoả thuận được mức bồi thường, người bị thiệt hại có thể khởi kiện ra toà theo quy định của pháp luật tố tụng về dân sự”.
“Gia đình ông Chấn và tôi mong muốn việc bồi thường dừng lại ở giai đoạn thương lượng và không muốn kéo dài vụ việc bằng một phiên toà dân sự. Thế nhưng, nếu việc thương lượng bất thành, về nguyên tắc, ông Chấn sẽ khởi kiện Toà phúc thẩm TANDTC để yêu cầu bồi thường thiệt hại”, LS Vũ Thị Nga nhấn mạnh.
Không chỉ LS Nga, mà nhiều chuyên gia pháp lý nhận định: Vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn là một vụ án lớn về tư pháp, chưa có tiền lệ án về bồi thường oan sai. Bản thân gia đình ông Chấn không thể nghĩ được rằng, cần phải giữ những hoá đơn, chứng từ liên quan đến thiệt hại của gia đình, để sau này yêu cầu bồi thường oan sai.
Khi PV đặt câu hỏi: “Vì ông Chấn bị ngồi tù oan, nên 4 đứa con thất học. Trong trường hợp này có được tính vào chi phí tổn thất về tinh thần không?”. LS Nga đáp: “Theo tôi, đây cũng là một dạng tổn thất về tinh thần có tính chất liên đới. Nếu không bị án oan sai, ông Chấn sẽ làm ra tiền, đủ khả năng nuôi con cái ăn học đàng hoàng. Do vậy, cũng cần được xem xét, giải quyết bồi thường như những chi phí hợp lý khác”.
LS Nga phân tích, theo Điều 47, Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước, thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp bị tù giam được tính như sau: Một ngày tù giam oan được bồi thường bằng ba ngày lương tối thiểu. Số ngày tù oan càng cao, thì tiền bồi thường oan sai càng lớn. Theo LS Nga, Luật quy định mức bồi thường oan sai theo cơ học như vậy là chưa hợp lý. Ví dụ, một người bị tù oan 1 năm, hậu quả sẽ ít hơn nhiều so với người bị tù oan 10 năm như ông Chấn.
“Thực tế, gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn đề nghị bồi thường oan gần 10 tỉ đồng. Số tiền này không phải là lớn so với 10 năm tù oan. Tôi thấy đây là mức bồi thường hợp lý. Cơ quan tiến hành tố tụng làm oan, gây thiệt hại lớn cho công dân, nay bắt chứng minh bằng hoá đơn, giấy tờ, quả là rất khó cho người dân”, LS Nga nêu quan điểm.
Khách quan mà nói, những thiệt hại của gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn và bản thân ông Chấn do bị án oan là nhãn tiền. Có điều, để xác định con số chính thức về thiệt hại lại không hề đơn giản. Dư luận cho rằng, cơ quan bồi thường oan cũng cần linh hoạt trong áp dụng pháp luật, có như vậy, công dân Nguyễn Thanh Chấn mới có cơ hội lấy lại những gì đã mất trong 10 năm ngồi tù oan.
Điều 56, Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước quy định: Người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách Nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. |