(ĐSPL) - Quyết định tăng hạn mức vay từ 400 triệu đồng lên 500 triệu đồng giúp người có thu nhập thấp tại TPHCM có cơ hội được vay nhiều tiền hơn để mua nhà ở.
Quỹ Phát triển nhà ở TPHCM cho biết, UBND TPHCM vừa có quyết định sửa đổi, bổ sung quy định hạn mức vốn vay cho đối tượng có thu nhập thấp vay tiền tại Quỹ Phát triển nhà ở TP để tạo lập nhà ở.
Theo đó, người có thu nhập thấp tại TPHCM có cơ hội được vay nhiều tiền hơn để mua nhà ở, theo một quyết định mà UBND TPHCM vừa ban hành, trong đó hạn mức vay tại Quỹ Phát triển nhà ở TPHCM được nâng từ 400 triệu đồng lên 500 triệu đồng/hồ sơ với thời hạn cho vay tối đa là 15 năm.
Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 25/5/2015, nhưng không áp dụng đối với những trường hợp đã được giải quyết hồ sơ vay trước ngày quyết định này có hiệu lực.
Trước đó hồi tháng 8/2014, lãnh đạo Sở Tài chính TPHCM thống kê sau 10 năm hoạt động, Quỹ phát triển nhà ở TPHCM đã giải ngân cho gần 2.000 người có thu nhập thấp vay mua nhà với tổng số tiền trên 610 tỉ đồng.
Quyết định tăng hạn mức vay từ 400 triệu đồng lên 500 triệu đồng giúp người có thu nhập thấp tại TPHCM có cơ hội được vay nhiều tiền hơn để mua nhà ở. |
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Tài chính cho rằng con số này còn khiêm tốn, một phần vì quỹ này chỉ dành cho những người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đồng thời khống chế tỷ lệ cho vay tối đa là 70\% giá trị căn hộ hoặc nhà nhưng không vượt quá 400 triệu đồng/hồ sơ.
Còn theo báo cáo kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm 2015 của UBND TPHCM, tính đến nay thành phố đã chấp thuận cho phép chuyển đổi tám dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô 3.522 căn hộ.
Đối với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, UBND thành phố cho biết tính từ đầu năm đến 31/3/2015, các ngân hàng trên địa bàn thành phố đã giải ngân được gần 990 tỷ đồng cho 2.876 cá nhân và 433 tỷ đồng cho ba doanh nghiệp có nhu cầu vay.
Một trong những lý do con số cho vay vẫn còn khiêm tốn vì hạn mức cho vay còn thấp, không được vượt quá 400 triệu đồng/hồ sơ, mặc dù tỷ lệ không chế cho vay tối đa lên đến 70\% giá trị căn hộ hoặc nhà.
Đại diện Quỹ Phát triển nhà TP cho biết, việc TP tăng mức cho vay tạo lập nhà ở nhằm tạo điều kiện cho người thu nhập thấp trên địa bàn TP có thể tiếp cận thêm nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để tạo lập nhà ở, an cư lập nghiệp.
Vì sao nhà "thu nhập thấp" vẫn chưa có giá thấp?
Có một thực tế là trong khi việc phát triển nhà ở xã hội vẫn gặp nhiều khó khăn thì cũng đang có nhiều dự án nhà ở thương mại được cấp phép dễ dàng nhưng không thể triển khai.
Mua được nhà với giá hợp lý là mong muốn của những người có mức thu nhập trung bình. Ở Hà Nội, chính sách xây nhà ở xã hội đã đi được những bước đầu tiên, đã mang lại những kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn chưa được như mong muốn. Vẫn có một số khu nhà "thu nhập thấp" có giá bán xấp xỉ nhà thương mại.
Thông tin trên báo Hà Nội Mới, để hỗ trợ người dân, Chính phủ đã đưa ra chính sách lãi suất với gói hỗ trợ "30 nghìn tỷ", nhưng đến nay, sau hai năm triển khai, mới giải ngân chưa tới 20\%. Có lẽ vì thế mà thời gian gần đây tâm lý chờ đón những dự án nhà ở xã hội đã chùng xuống khá nhiều.
Mua được nhà với giá hợp lý là mong muốn của những người có mức thu nhập trung bình. |
Mới đây, sự tĩnh lặng của thị trường nhà giá rẻ bất chợt được khuấy động sau khi tỉnh Bình Dương khánh thành gần 5.000 căn nhà ở xã hội và tiếp tục khởi công 10.000 căn hộ mới để đáp ứng nhu cầu cho một bộ phận công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Nhiều người dân ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh rất hào hứng với thông tin này, và không ít người kỳ vọng điều đó sẽ xảy ra ở nơi mình sinh sống. Thế nhưng theo chuyên gia, xây được nhà 100 triệu đồng như Bình Dương là điều khó thực hiện được tại Hà Nội vì nhiều lý do, trong đó có giá đất.
Một câu hỏi đặt ra là giá căn hộ có phải chỉ được quyết định bởi giá đất? Rõ ràng các chính sách của Bình Dương về nhà ở xã hội khá mạnh dạn. Không chỉ ở chính sách cơ bản mà ngay cả cơ chế cụ thể cũng được tạo điều kiện khá tốt.
Khác với Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội phải mua đất, điện nước hoặc nhận được ưu đãi nhất định (chi phí được cộng vào giá thành), còn ở Bình Dương được miễn. Đơn giá xây dựng ở Hà Nội tính theo đơn giá của Nhà nước với tiền nhân công, vật tư tính cao thì dĩ nhiên giá thành căn hộ cũng sẽ bị đẩy lên. Ở thời điểm hiện tại, giá cơ sở cũng đã không thể thấp dưới 15 triệu đồng mỗi mét vuông. Thêm nữa, Bình Dương cũng cho cơ chế cởi mở hơn khi cho phép làm căn hộ 30m2, trong khi điều ấy dường như là bất khả thi tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Về chính sách hỗ trợ trực tiếp với người dân cũng đang có không ít vấn đề. Có chuyên gia cho rằng: Tuy chính sách nhà ở xã hội rất hợp lý, đáp ứng được nguyện vọng của một nhóm lớn dân cư thành thị, nhưng lại có quá nhiều ràng buộc pháp lý. Cũng là một khối tài sản nhưng họ lại bị cấm bán trong 5 năm. Còn với doanh nghiệp, cùng là bỏ tiền đầu tư nhưng lại phải bán hàng kèm điều kiện, thay vì bán cho bất cứ ai thì họ phải bán cho những khách hàng chỉ định, thậm chí lợi nhuận cũng bị khống chế không vượt quá 10\%...
Nói vậy để thấy, việc triển khai chương trình phát triển nhà ở xã hội có thành công hay không phần nhiều vẫn phụ thuộc vào chính sách và triển khai chính sách. Có một thực tế là trong khi việc phát triển nhà ở xã hội vẫn gặp nhiều khó khăn thì cũng đang có nhiều dự án nhà ở thương mại được cấp phép dễ dàng nhưng không thể triển khai, hoặc có rất nhiều biệt thự đang bỏ hoang phế. Nói cách khác, chúng ta đang không thể làm những căn hộ trăm triệu đồng nhưng lại thừa cả đống dự án bất động sản triệu đô. Tóm lại, để các chính sách về nhà ở xã hội đi vào cuộc sống, còn nhiều việc phải làm, phải giải quyết, đặc biệt trên một "mặt bằng" thị trường bất động sản có rất nhiều “vấn đề” hiện nay.
Ngọc Anh(Tổng hợp)
Video: Sản xuất gạo giả bằng nhựa ở TQ[mecloud]a9bWOfk0Vo[/mecloud]