(ĐSPL) – Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi (hiệu lực từ ngày 1/1/2015) sẽ có một số điểm đột phá, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.
Theo tin tức trên TTXVN, ngày 19/12, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức hội nghị triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (Luật BHYT) và các văn bản hướng dẫn thực hiện luật với sự tham gia của đại diện các tỉnh, thành phố và lãnh đạo một số bệnh viện trong cả nước.
Được dẫn lời trên báo Tuổi trẻ, bà Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ BHYT (thuộc Bộ Y tế) - cho biết, điểm mới cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung là người dân bắt buộc phải tham gia BHYT theo năm nhóm đối tượng; khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình; mở rộng quyền lợi, nâng mức hưởng BHYT; quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT và bổ sung trách nhiệm của các bên liên quan.
Theo đó, luật BHYT sửa đổi quy định 5 nhóm đối tượng tham gia BHYT gồm: Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng, nhóm do ngân sách Nhà nước đóng, nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng và nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.
Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 sẽ có một số điểm đột phá. (Ảnh minh họa) |
Luật này cũng khuyến khích một số đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình với cơ chế giảm dần mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi (người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70\%, 60\%, 50\% và từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40\% mức đóng của người thứ nhất).
Theo thông tin trên báo Người lao động, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT - Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cho biết, từ ngày 1/1/2015, hàng loạt nhóm đối tượng tham gia BHYT sẽ được nâng mức hưởng BHYT.
Cụ thể, thân nhân người có công với cách mạng là cha, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng hoặc người có công nuôi dưỡng hay con của liệt sĩ được hưởng từ 80\% lên 100\% chi phí khám chữa bệnh (KCB); các thân nhân khác của người có công với cách mạng được nâng mức hưởng từ 80\% lên 95\%.
Nhóm tiếp theo là người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và đối tượng bảo trợ được nâng từ 95\% lên 100\%; nhóm thuộc hộ cận nghèo được nâng từ 80\% lên 95\%.
Ngoài ra, Luật còn bổ sung đối tượng tham gia BHYT được bảo hiểm xã hội đóng phí là người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng và người lao động nghỉ hưởng chế độ thai sản.
Luật cũng bổ sung đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT bao gồm: lực lượng vũ trang, người đang sinh sống tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo.
Hơn nữa, Luật BHYT sửa đổi cũng thanh toán nhiều loại thuốc đắt tiền.
Theo Vụ trưởng Vụ BHYT, dự thảo danh mục thuốc BHYT mới nhất đang được Bộ Y tế xây dựng để có thể áp dụng vào năm 2015 cùng với thời điểm Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực. Dự thảo này quy định thuốc được BHYT chi trả dự kiến gồm 836 hoạt chất, tương đương 1.052 loại thuốc ở đầy đủ các nhóm bệnh lý. Trong đó, có 41 loại thuốc hoàn toàn mới được đưa vào đề nghị BHYT thanh toán.
Tuy nhiên, cũng theo Luật BHYT sửa đổi, từ ngày 1/1/2015, khi vượt tuyến trung ương, người bệnh chỉ được thanh toán 40\% khi nằm viện điều trị nội trú; người đi khám, kê đơn, điều trị ngoại trú sẽ không được thanh toán. Tương tự khi vượt tuyến tỉnh, mức hưởng sẽ là 60\% chi phí, chỉ áp dụng với điều trị nội trú.
Luật cũng bổ sung quy định thanh toán 100\% khi có thời gian tham gia bảo hiểm 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến (tương đương 7 triệu đồng). Quỹ cũng chi trả 100\% chi phí khám chữa bệnh ở tuyến xã.
Trước đó, ngày 13/6, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, các Đại biểu Quốc hội đã thống nhất thông qua Dự thảo Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi.
Dự thảo Luật có nhiều nội dung được sửa đổi, bố sung, trong đó có những nội dung mới có tính đột phá mạnh mẽ nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, tạo cơ chế pháp lý để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.