(ĐSPL) - Ông Hương đã đi biển trở lại, vẫn như từ 20 năm trước… Chỉ có điều, bây giờ ông đã thành lão ngư, điềm đạm, chững chạc và tất nhiên không còn “lừa” từ trong nhà ra xã hội như trước kia. Vợ con ông vẫn ở trong hóc núi thượng nguồn sông Thu Bồn, thuộc xã Quế Ninh, huyện Nông Sơn, Quảng Nam và nhà ông vẫn xác xơ nghèo như xưa…
Trót phải theo lao
Xin nhắc lại rằng, bão số 6 năm 2006 (Chanchu) đã trở thành cơn bão lịch sử ở Việt Nam, cướp đi sinh mạng của 266 ngư dân miền Trung, chủ yếu là ở 3 địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Tang tóc, đau thương, mất mát rồi cũng qua đi, ngư dân miền Trung lại gượng dậy, tiếp tục vươn khơi, bám biển, lại tiếp tục đối đầu với những cơn “bão” khác trên Biển Đông. Những câu chuyện cứu người cảm động, những hoàn cảnh thân nhân ngư dân khốn khổ vì nghèo, hay những chuyện bi hài đến dở khóc dở cười rồi cũng nhạt nhoà theo thời gian... nếu không có người nhắc lại.
Tôi nhận được cuộc điện thoại từ một đồng nghiệp, đề nghị “hợp tác” làm phim với nhóm phóng viên kênh truyền hình NHK đến từ Nhật Bản. Gọi là hợp tác cho oách, chứ thực ra là họ nhờ tôi trở lại Quế Ninh, Quế Sơn (bây giờ là huyện Nông Sơn, Quảng Nam) để tìm lại nhân vật Nguyễn Văn Hương - người đã sống sót hi hữu sau 13 ngày lênh đênh trên biển, sau khi tàu anh đã bị bão Chanchu đánh chìm, 22 bạn tàu mất tích.
Ông Hương cùng vợ con |
Chuyến trở lại lần này cũng là đi tiền trạm, khảo sát thực tế, báo cáo chi tiết câu chuyện anh chàng ngư dân này đã bịa đặt việc sống sót như thế nào để lừa dối người thân, qua mặt được chính quyền, giới truyền thông trong và ngoài nước, giúp đoàn làm phim viết kịch bản ban đầu, lập kế hoạch...
Nhưng rồi, vì các vấn đề tế nhị, đoàn làm phim bị “ách tắc” vì thủ tục, họ đã không thể đến Quế Ninh để kể lại câu chuyện bi hài của “chàng” Hương.
Đã hơn 7 năm kể từ khi cơn bão Chanchu đi qua, cảnh vật bây giờ ở Quế Ninh vẫn thế. Dẫu huyện mới Nông Sơn đã thay tên đổi họ cho nơi cũ là Quế Sơn, thì con đường về nhà “chàng” Hương vẫn là lối mòn quanh co, vòng vèo lên đồi xuống ruộng, lu lấp cỏ bụi hoang vu.
Ở nơi này, nhà cửa thưa thớt, xóm làng quạnh quẽ vì đàn bà ra đồng, trẻ con đi học, còn đàn ông trai tráng phần lớn đã bỏ làng đi làm ăn xa. Kẻ theo địu lên núi tìm trầm, người ngược rừng đốn gỗ, không ít người dắt díu về tận miền xuôi để làm ngư dân, đi biển.
Đất nghèo thì trẻ con chí thú học hành, người lớn tứ tán kiếm tiền và luôn là mảnh đất lành, yên bình, ít ai biết đến, nếu như thôn 3 Quế Ninh chưa từng có nhân vật Hương lừa. Hương cùng 7 người đàn ông khác của làng xuống tận miền biển Thanh Khê (Đà Nẵng), Bình Minh (Quảng Nam) để theo tàu đi đánh cá từ những năm 1996.
Thời gian 2005-2006, họ thường theo tàu ĐNa 90053 của bà Lê Thị Huệ ở phường Thanh Lộc Đán, quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng. Danh sách đăng ký thuyền viên của tàu cá này tại bộ đội biên phòng luôn có tên họ.
Thế rồi bão Chanchu ập đến, 23 ngư phủ trên con tàu bị chìm ĐNa90053 xem như đã chết và mất tích cùng với 266 người khác. Tin dữ dội về xóm núi nghèo Quế Ninh, bà Nguyễn Thị Nương - vợ Hương đã băng bộ ra huyện, đón xe về Đà Nẵng với hy vọng tìm được xác chồng.
Từng ngày nặng nề trôi qua trong tuyệt vọng, bà Nương lăn trên đống thi thể của những “người may mắn” được vớt về để nhận diện chồng. Nhưng rồi bà đã trở về trong nước mắt.
Sau khi lập xong bàn thờ ông Hương, xóm giềng đến chia buồn, các tổ chức, cá nhân đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho bà góa phụ nghèo nàn này gần 100 triệu đồng. Lúc đó, quỹ Tấm lòng vàng Lao Động cũng hỗ trợ 20 triệu đồng giúp bà Nương dựng lại căn nhà đổ nát.
Tang thương rồi cũng dần qua đi, bà Nương phải cố gượng dậy mà ra đồng cấy cày nuôi 3 con nhỏ. Nhưng gần 3 tháng sau, ông Hương lừng lững trở về như cổ tích. Người thân, xóm làng mừng vui khôn xiết.
Duy có vợ chồng Hương đâm ra lo sợ bị thu hồi lại số tiền gần 100 triệu đồng mà các tổ chức từ thiện xã hội đã quyên góp, hỗ trợ.
Đêm trắng không thể chợp mắt được, Hương đã nghĩ ra kịch bản lừa hoàn hảo:
“Tàu chìm giữa bão và ông may mắn bám được vào một can nước, nổi trôi 13 ngày trên biển, để rồi được một tàu nước ngoài vớt, bàn giao cho một tàu cá ở Bình Định...”.
Đúng như dự kiến của Hương, không chỉ có chính quyền mà báo giới ào ào kéo đến gặp. Họ đã “khai thác” đến từng giọt sương, cọng rong tảo... đã giúp ông sống sót như thế nào.
Lão tiều phu mang khuôn mặt gan lì của người miền núi, vừa có kiểu ăn sóng nói gió của người miền biển đã qua mặt được báo giới. Có người đã sánh ông như nhân vật Odysseus trong anh hùng ca của Homer, là "ông già và biển cả” của Hemingway.
Họ đã cùng “chàng” Hương “vẽ” ra những câu chuyện hoang đường, mang màu sắc bi tráng của lòng quả cảm trong cuộc chiến đấu 13 ngày đêm cô độc giữa biển cả mênh mông, vật lộn giành giật sự sống trong cái chết cầm chắc...
Sự thật được sáng tỏ
Câu chuyện sống sót hi hữu, mang tính hoang đường, đầy chất sử thi của chàng Hương đã được đài đọc, báo viết, người người đồn đại. Hoá ra thành to chuyện.
Thân nhân của 23 ngư phủ trên con tàu ĐNa 90053 của bà Huệ đã lần lượt tìm đến Hương để được “xem”, nghe kể lại hình ảnh cuối cùng của cha, chồng, con mình đã chống chọi với cơn bão như thế nào trước khi chết.
Kịch bản lừa bị “vỡ” bởi trí tưởng tượng của chàng Hương có hạn và những chi tiết mâu thuẫn, dối lừa bắt đầu lộ diện.
Chủ tàu ĐNa 90053 Lê Thị Huệ bác bỏ việc ông Hương theo tàu này ra khơi. Vậy Hương đã đi đâu trong khoảng thời gian xảy ra bão Chanchu? Không thể mãi lừa dối được, Hương đã “thú tội” một cách thật thà là mình lừa dối...
Thế là chính quyền, báo giới lại thêm những chuyến ngược về Quế Ninh để tìm “chàng” Hương. Lần này, gã đàn ông lừa dối trong mắt báo giới không lừng lững như nhân vật của sử thi nữa mà ngồi thừ ra, đổ sụp giống như... kẻ chết rồi.
Giọng ông trầm buồn, đầy hối lỗi. Hương thừa nhận đã bịa đặt hoàn toàn câu chuyện sống sót trong bão Chanchu bởi số tiền gần 100 triệu đồng vừa được hỗ trợ quá lớn với gia đình mình. Hương sợ nói ra sự thật mình không là nạn nhân của bão Chanchu thì sẽ bị thu hồi lại số tiền kia.
Thực tế, từ năm 1996, Hương đã cùng nhóm những người cùng quê Quế Sơn về Đà Nẵng, thường đi trên tàu cá của bà Huệ. Nhưng chỉ vài chuyến trước cơn bão Chanchu, ông lại một mình tách ra, theo tàu của ông Hai ở Hoài Nhơn, Bình Định để ra khơi.
Khi cơn bão oanh tạc ngoài biển Bắc, Hương cùng tàu ông Hai còn mãi đánh bắt tận vùng biển Cà Mau.
77 ngày sau cơn bão, trở về đất liền, Hương mới giật mình biết được tai ương đã giáng xuống đầu những bạn tàu miền Trung. Thay vì gửi tiền về cho vợ con rồi tiếp tục đi biển như những lần trước, Hương đã vội vã về nhà, vỡ oà khi biết mình đã lên bàn thờ trong suy nghĩ của mọi người.
Thực tế câu chuyện sống sót của Hương là hi hữu, nhưng ông đã may mắn khi bước lên con tàu khác, đi về phía biển Nam chứ không phải “gượng sống” thần kỳ sau 13 ngày trôi lênh đênh trên biển.
Báo chí đã đăng tin bài cho Hương công khai xin lỗi. Bấy giờ, mọi người vừa giận, vừa thương cho kẻ khốn khổ là Hương.
Kịch bản lừa bất đắc dĩ đó cũng dễ dàng được thông cảm trước căn nhà xiêu vẹo, nghèo xác xơ của ông. Vì thế, chẳng ai trách cứ và không tổ chức xã hội nào lấy lại tiền ủng hộ.
Nhưng với Hương, ông vẫn giấu một điều sâu kín mà phải mất vài năm sau ông mới dám tạ tội với vợ mình. Đó là vì phải lòng một người con gái khác ở Bình Định, nên ông mới tách nhóm đồng hương Quế Sơn, bỏ tàu bà Huệ ở Đà Nẵng mà vào tận Bình Định để theo tàu ông Hai đi biển.
Đó cũng là câu chuyện lừa cuối cùng mà Nguyễn Văn Hương mới vừa trút bỏ.
KỲ QUANG
Xem thêm video:
[mecloud]daLMX8FBJu[/mecloud]