(ĐSPL) - Nạn nhân cũng là con nghiện, đáng tuổi cha chú nhưng vì thiếu tiền nên đòi hung thủ phải trả nợ 80 ngàn đồng (đây là số tiền hung thủ còn nợ khi mua ma túy) khiến án mạng xảy ra.
Tuy nhiên, điều đáng nói hơn sau vụ án là lòng vị tha của người vợ nạn nhân. Nén nỗi đau mất chồng, người vợ bị hại xin tòa xử dưới khung hình phạt, thậm chí án càng ít năm càng tốt.
Án mạng trên thành phố Biển
Đúng 8h30, bị cáo được áp giải đến tòa trong chiếc xe bít bùng. Vừa bước xuống xe đặc chủng, bị cáo đã đưa mắt ngó trước ngó sau tìm người thân nhưng chẳng thấy ai nên đành cúi đầu bước đi. Khi vào tới hội trường, nhìn thấy vợ và con gái của bị hại, bị cáo buông miệng “xin lỗi cô, xin lỗi chị”.
Theo cáo trạng, sáng ngày 16/3/2014, Phan Đức Nhân đến khu vực lầu 7, phường Vĩnh Phước, TP.Nha Trang mua ma túy về sử dụng. Tại đây, Nhân gặp anh Phạm Văn C. (59 tuổi, trú 24/22 Núi Một, Nha Trang). Anh C. đòi 80.000 đồng mà trước đây Nhân đã mượn của anh C. nhưng Nhân nói không có tiền trả. Anh C. chửi và đòi đánh Nhân rồi bỏ đi.
Khoảng 8h30 cùng ngày, Nhân nói với Trần Văn Thắng (trú tổ 24 Tây Bắc, Vĩnh Hải) chở về nhà ở Núi Một. Khi đến đầu đường Nguyễn Trãi thì anh C. chặn đường, cầm vỏ chai bia đánh vào đầu Nhân (có đội mũ bảo hiểm). Sau đó, Nhân đi bộ đến chợ Bầu thuộc phường Vĩnh Thọ lén lấy một con dao Thái Lan của một sạp bán trái cây, rồi đón xe thồ đi về đường Nguyễn Trãi. Khi đến trước quán cà phê số 21 Nguyễn Trãi của chị Nguyễn Thị Bé, Nhân thấy anh C. đang ngồi uống cà phê. Nhân vào quán và nói với anh C.: “Ông muốn gì? sao lại đánh tôi?”. Anh C. cầm một đoạn cây gỗ, ngoài bọc giấy báo từ trong quán chạy ra đuổi đánh Nhân. Nhân chạy sang trước cửa nhà số 8 Nguyễn Trãi thì dừng lại và lấy dao ra để đánh anh C.. Anh C. nhào đến cầm cây gỗ đánh Nhân thì Nhân đưa tay lên đỡ và áp sát vào người anh C.. Sau đó, Nhân cầm dao đâm vào vùng lưng anh C.. Hai người tiếp tục ôm, vật, đánh nhau trên đường. Sau đó, Nhân lấy được cây gỗ của anh C., ném trước quán cà phê rồi bỏ đi. Anh C. được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa nhưng không qua khỏi do mất quá nhiều máu.
|
Bị cáo Phan Đức Nhân trong vành móng ngựa. |
Nghiệp chướng cha nào con nấy
Vốn được sinh ra trong một gia đình không mấy đàng hoàng, cha Nhân là Phan Đức Nhi, với biệt danh là “Cu ti Núi Một”, một thời từng vào tù ra tội vì chuyện đâm chém. Mẹ Nhân là một gái làng chơi, cặp với cha Nhân rồi sinh ra Nhân, sau đó bỏ đi biệt tích. Từ nhỏ Nhân đã sống với bà nội và người cô ruột, người coi Nhân như con ruột bởi cha Nhân đã chết ở trong tù. Lúc đó, Nhân mới chừng 13, 14 tuổi. Vị luật sư được chỉ định bào chữa cho Nhân tâm sự: “Trước đây khi còn làm ở viện Kiểm sát tôi ngồi công tố buộc tội cha nó (ý chỉ Nhân), nay đi làm luật sư lại được chỉ định bào chữa cho nó. Đúng là nghiệp chướng, cha nào con nấy, cũng xì ke, cũng đâm chém nhưng nó thì chưa tai tiếng bằng cha nó”. Hiện gia cảnh của người cô và bà nội đã hơn 90 tuổi của Nhân cũng rất bi đát, mọi thứ nhờ hết vào một người cô ở Mỹ chu cấp. Do sinh ra trong hoàn cảnh như vậy nên từ nhỏ Nhân cũng không được đến trường như mọi đứa trẻ khác, lớn lên theo đám bạn xấu lang thang, không ăn nhậu nhưng sa đà vào hút chích rồi phạm tội.
Con đường sa ngã của Nhân bắt đầu từ năm 19 tuổi, khi không có tiền hút chích, Nhân đi ăn trộm và bị TAND TP. Nha Trang xử phạt 12 tháng tù vào năm 2007. Ra tù chưa được bao lâu thì ngày 28/1/2008 hắn lại bị đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy, đến ngày 28/1/2010 thì chấp hành xong. Trở về, Nhân tiếp tục tái nghiện và để có tiền cung phụng “nàng tiên nâu”, Nhân đi trộm cắp và bị TAND tỉnh Khánh Hòa xử phạt 15 tháng tù vào ngày 10/3/2011. Sau đó, ngày 22/4/2013, vì dính líu tới trộm cắp, Nhân tiếp tục bị TAND TP. Nha Trang tuyên phạt 9 tháng tù.
Phòng xử đông đúc người xem, nhưng chỉ là hàng xóm, láng giềng của nạn nhân, tuyệt nhiên không có lấy một người thân của bị cáo. Một người có mặt tại phiên xử cho biết: “Bà Lam (bà Phan Thị Hồng Lam, cô ruột của Nhân – PV) dù rất thương thằng Nhân nhưng mỗi lần thăm nuôi bà đều nhờ người quen đi hộ mang cho nó ít gói mỳ, gói bánh chứ bà không ra mặt”. Hôm xử, dù được tòa triệu tập đến để hỏi về việc số tiền 5 triệu đồng mà bà đã giúp đứa cháu khắc phục hậu quả cho gia đình bị hại có yêu cầu hoàn trả lại không nhưng bà không có mặt. Ai đó chen vào: “Có lẽ bà ấy ngại gặp gia đình bị hại, giữa bà ấy với gia đình bị hại cũng rất thân quen...”.
|
Vợ và con của bị hại xin tòa giảm nhẹ cho bị cáo. |
Những câu hỏi cho bi kịch số phận
Đứng cúi đầu trong vành móng ngựa trả lời các câu hỏi của vị chủ tọa, Nhân khai do sáng đó đã bị anh C. đánh. Trên đường, hắn lại tiếp tục bị anh C. lấy chai bia đập vào đầu gây chảy máu. Ấm ức trong lòng nên sau đó lúc đi về chợ Bầu, hắn đã lấy trộm một con dao ở một ki ốt bán trái cây bọc vào người để phòng khi bị anh C. có đánh nữa thì còn có thể đánh trả. Lúc này vị chủ tọa cắt ngang: Lần thứ ba, phải như thế nào anh C. mới đánh bị cáo chứ. Nhân trả lời “Bị cáo có hỏi chú C. sao hồi sáng chú đánh tôi, chú muốn cái gì”.
Sau khi nghe vị chủ tọa phiên tòa phân tích, Nhân tỏ ra ăn năn: “Bị cáo không có ý định tước đoạt mạng sống của chú C.. Nghe tin chú C. chết, bị cáo cũng giật mình vì khi đâm xong bị cáo còn nói “Ông đánh tôi một cây tôi đâm ông một cái coi như huề nhé”. Chú C. chết, bị cáo rất ân hận về hành vi của mình. Cho bị cáo xin lỗi cô Ánh và chị Hương”. (Bà Phạm Thị Ánh và Phạm Thiên Hương là vợ và con của bị hại – PV).
Dù được gia đình nạn nhân thiết tha xin giảm án ở mức nhẹ nhất nhưng sau khi cân nhắc đầy đủ các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ, hội đồng xét xử TAND tỉnh Khánh Hòa nhận định, hành vi của Nhân là có dã tâm, gây hậu quả nghiêm trọng, cần phải trừng trị một cách nghiêm minh để làm gương. HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Phan Đức Nhân 16 năm tù, buộc tiếp tục bồi thường cho gia đình bị hại 47 triệu đồng.
Án tuyên xong, Nhân bị cảnh sát còng tay đưa ra xe để về trại. Không một người thân chia sẻ, an ủi hay động viên, hắn một mình lủi thủi lê bước lên chiếc xe bít bùng đậu bên đường. Giữa trưa nắng chói chang, kẻ từng mất đi hơi ấm của người mẹ từ lúc còn đỏ hỏn cô đơn bước đi. Phải chăng vì thiếu tình thương, thiếu sự chăm sóc quản lý của người thân nên bị cáo cứ sống tự nhiên như cây cỏ và rồi cái kết cục đau lòng này đã xảy đến?
“Chồng mất rồi thì cũng không sống lại được” Về phía gia đình bị hại, khi được tòa mời lên hỏi về phần bồi thường và hình phạt đối với bị cáo, bà Phạm Thị Ánh bảo: “Chồng mất rồi thì cũng không sống lại được, hơn nữa hai gia đình cũng thân thiết với nhau đã lâu nên không biết nói sao”. Bà chỉ yêu cầu bị cáo bồi thường về khoản tiền mai táng phí là 52 triệu đồng, chứ không yêu cầu bị cáo phải bồi thường về khoản tổn thất tinh thần. Còn về hình phạt thì bà bảo: Cháu nó còn nhỏ, suy nghĩ nông cạn không chín chắn mới nên nông nỗi như vậy, thôi thì xử cho cháu nó mức hình phạt nhẹ nhất. Sau khi nghe vị công tố luận tội và đề nghị xử phạt bị cáo mức án từ 14 đến 16 năm tù và được tòa mời lên hỏi lại thì hai mẹ con bà Ánh lại thiết tha xin tòa xử bị cáo nhẹ hơn nữa, thậm chí dưới khung, nghĩa là dưới 12 năm tù hoặc càng thấp càng tốt. Lòng vị tha đáng khâm phục của mẹ con bà Ánh khiến cho tất cả những ai dự phiên tòa cũng phải cảm động. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-phu-nu-xin-giam-an-cho-con-nghien-giet-chong-minh-a36794.html