Sau khoảng 10 tháng bị con chó nhỏ cào vào mu bàn tay, bà H. bắt đầu có triệu chứng mệt mỏi, ngợp thở khi uống nước và quạt...
Chiều ngày 9/11, bác sĩ Phạm Văn Lào - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, bệnh nhân là Đ.T.H.H (SN 1962, ngụ thôn Tâm Thắng, xã Ea Na, huyện Krông Ana) vừa tử vong nghi do bệnh dại.
Sau khi bị con chó cào, bà H. đã tử vong. Ảnh minh họa |
Trước đó, vào sáng ngày 31/10, bà H. bắt đầu có triệu chứng mệt mỏi, ngợp thở khi uống nước và quạt, nuốt nghẹn nên được đưa đi viện. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh nhân tỉnh táo, sợ nước, sợ gió, đồng tử 2 bên không giãn, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị lên cơn dại.
Cùng lúc này, người thân của bà H. cho biết, cách đây khoảng 10 tháng, bà có bị chó nhỏ, nhà nuôi cào vào mu bàn tay. Sau đó, dù thấy chó chết không rõ nguyên nhân, nhưng bà H. cũng không đi tiêm phòng dại.
Sáng ngày 2/11, gia đình đã đưa bà H. lên Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh điều trị. Tuy nhiên, thấy tình trạng bệnh tình nặng lên nên gia đình đã xin xuất viện vào ngày 6/11. Trên dường về nhà, người phụ nữ này đã tử vong.
Được biết, đây là trường hợp thứ 4 tử vong nghi do bệnh dại trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk từ đầu năm đến nay.
Bác sĩ Dương Bích Thủy, Phó trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM khuyến cáo, khi bị gia súc, vật nuôi, thú hoang cắn hoặc cào, dù chỉ là một vết xước nhỏ người dân cũng nên đi chích vắc xin ngừa bệnh dại và huyết thanh kháng độc tố dại. Việc chích vắc xin ngừa dại bắt buộc phải theo đủ liệu trình 5 mũi vì từ mũi thứ 2 trở lên mới có hiệu quả bảo vệ.
Ngoài ra, vật nuôi trong nhà như chó, mèo cũng cần được chích vắc xin phòng dại đều đặn hằng năm.
Hoàng Giang (T/h)