Gần 3 tháng sau khi phẫu thuật lần một, vừa qua, cháu bé đã được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật lần 2 dựng lại khung sụn, dùng vạt da lấy từ sau tai để tạo hình vành tai.
Theo tin tức mới nhất trên Thanh niên, cách đây gần 3 tháng, trong lúc sang nhà hàng xóm chơi, bé Minh N. (18 tháng tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội) đã bị chó cắn dập nát vành tai phải. Gia đình cho hay, mặc dù mẹ của bé cũng có mặt tại đó và đã rất cố gắng để kéo con ra nhưng bé vẫn bị tổn thương nặng nề vùng hàm, mặt.
Sau khi được sơ cứu tại cơ sở y tế địa phương, cháu N. được gia đình nhanh chóng chuyển tới Bệnh viện Nhi T.Ư. Tại đây, sau khi thăm khám, bác sĩ Đặng Hoàng Thơm, Trưởng khoa phẫu thuật Sọ mặt và tạo hình nhận định: trường hợp bé N có tổn thương khá hiếm gặp do vành tai bị mất một phần lớn sụn và da của gờ luân, hõm thuyền, gờ đối luân,… phần sụn còn lại cũng bị mất da và dập nát nhiều. Với kinh nghiệm nhiều năm trong phẫu thuật tạo hình, bác sĩ cho biết, tạo hình vành tai ngay lần đầu là rất khó khăn vì thiếu tổ chức sụn và da, kèm theo trên nền nguy cơ nhiễm trùng do chó cắn.
Vành tai của bé sau khi đã được phẫu thuật lần 2. Ảnh: Dân Việt |
Sau khi xem xét kỹ lưỡng các phương án, nhóm các bác sĩ phẫu thuật quyết định sẽ tạo hình vành tai qua 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là bảo tồn tối đa sụn còn lại bằng cách đặt sụn xuống tổ chức da sau tai. Giai đoạn 2, các bác sĩ sẽ tạo hình lại vành tai cho bé.
Gần hai tuần sau phẫu thuật lần hai, rất may mắn là vành tai của cháu đã trở về gần như bình thường.
Liên quan tới các vụ tai nạn do bị chó cắn, cách đây 3 năm, (ngày 26/11/2014), khoa Răng Hàm Mặt (Bệnh viện Nhi Đồng 1) cũng đã tiếp nhận 1 bé gái 8 tuổi (quê Tây Ninh) chuyển đến trong tình trạng mặt bị nhiều vết thương do chó cắn.
Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng - Phó trưởng cho biết, khám thấy toàn bộ vùng mặt bên trái của bé có nhiều vết rách lớn nhỏ, có chỗ lòi cơ nham nhở, đặc biệt vành tai trái gần như đứt, vết thương đang chảy nhiều máu. Bệnh nhân đang trong trạng thái hoảng hốt và liên tục kêu đau.
Theo gia đình, bé bị chó nhà cắn cách đó khoảng hơn 1 giờ. Lúc ấy chó đang ăn, thấy em bé đến gần nên theo bản năng tự nhiên đã lao vào cắn.
Theo bác sĩ Hằng, bệnh nhân được sát trùng và gây tê tại chỗ, cắt lọc vết thương, khâu tạo hình vành tai trái và vùng hàm mặt. Một ngày sau, bệnh viện còn tiếp nhận thêm bé trai 2 tuổi chạy ngã vào đàn chó và bị chúng cắn nát mặt.
Cũng trong năm 2014, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) đã tiếp nhận và can thiệp cho trường hợp của bệnh nhi P.H.N. (4 tuổi, ngụ tại Biên Hòa, Đồng Nai). Bé N. nhập viện trong tình trạng mặt bê bết máu do nhiều vết thương hở chằng chéo nhau. Điều tra bệnh sử ghi nhận, bệnh nhi vừa bị chó nuôi trong nhà tấn công.
Theo thông tin từ gia đình được biết, con vật đã “gây án” là chó béc-giê (giống chó Đức nặng khoảng 30kg). Cách đó vài tháng, con chó được gia chủ mua về với mục đích nuôi để giữ nhà. Dù đã được chích ngừa vắc-xin phòng bệnh dại nhưng con chó chưa được huấn luyện nên bản tính còn hoang dại.
Từ những trường hợp trẻ bị chó cắn thương tâm, các bác sỹ khuyến cáo, không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc với vật nuôi, chó mèo. Nếu gia đình có nuôi chó thì cố gắng cách ly với trẻ ở khoảng an toàn, đặc biệt là chó đang nuôi con, đang ăn, bị thương…; Khi thả chó ra khỏi nơi nhốt thì phải rọ mõm, tuân thủ chích ngừa chó định kỳ. Khi bé bị chó cắn nên mang đến bệnh viện ngay để cấp cứu kịp thời và chích ngừa.
(Tổng hợp)