Theo Chinatimes, người phụ nữ 60 tuổi họ Ngô không hút thuốc, không uống rượu, cũng không tiếp xúc với chất hóa học trong sinh hoạt. Bên cạnh đó, bà còn duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và chăm chỉ tập thể dục. Tuy nhiên, trong lần kiểm tra gần đây, bà Ngô được phát hiện mắc ung thư bàng quang.
Bác sĩ Quy Gia Hào – bác sĩ tiết niệu nổi tiếng đang làm việc ở Bệnh viện Canh Tân (Đài Loan, Trung Quốc) chia sẻ, bà Ngô là trường hợp hiếm khi bà có chế độ sinh hoạt lành mạnh, chưa từng sử dụng rượu bia, hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc trong một khoảng thời gian dài.
Sau khi tìm hiểu về thói quen sinh hoạt và môi trường sống của bà Ngô, bác sĩ phát hiện bà có thói quen nhuộm tóc liên tục trong 40 năm qua. Thói quen này đã dẫn đến căn bệnh ung thư bàng quang.
Cụ thể, bàng quang hoạt động quá tải, bị tổn thương vì liên tục phải bài trừ chất độc hại có trong thuốc nhuộm tóc. Ung thư bàng quang không có triệu chứng, nếu bệnh nhân bị tiểu máu và đi ngoài liên tục, đến viện khám thì phần lớn đã ở giai đoạn nặng, tỷ lệ tử vong tới 50%.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Vương Kiện Vũ – một bác sĩ gia đình nổi tiếng, mọi người không nên nhuộm tóc quá nhiều lần hoặc để thuốc nhuộm tóc quá lâu, để thuốc nhuộm tóc chạm vào da đầu khi nhuộm, nhất là thuốc nhuộm hòa tan trong nước.
Ngoài ra, nên uống đủ nước, không nên nhịn tiểu để có thể chuyển hóa các chất độc và chất thải ra khỏi cơ thể một cách tự nhiên, tránh tích tụ trong cơ thể gây ra gánh nặng.
Trong trường hợp mắc các bệnh lý về hệ tiết niệu như viêm bàng quang, sỏi bàng quang, tắc niệu đạo, phì đại tuyến tiền liệt thì nên hạn chế nhuộm tóc, chủ động đi khám định kỳ và điều trị đều đặn để tránh ung thư bàng quang.
Trên thực tế, nhuộm tóc là thói quen của rất nhiều người nhằm sở hữu ngoại hình hợp thời trang hơn hoặc giấu đi “dấu hiệu tuổi tác” trên mái tóc. Tuy nhiên, việc này tiềm ẩn nhiều nguy hại đối với sức khỏe. Dưới đây là những tác hại của thuốc nhuộm tóc mà bạn nên biết.
Mắt, da đầu bị ảnh hưởng
Một số loại thuốc nhuộm tóc chứa thành phần có thể gây ảnh hưởng đến da đầu, làm đỏ mắt. Với những người da đầu yếu và nhạy cảm, thuốc nhuộm có nguy cơ gây ngứa, lở loét.
Tóc dễ gãy, khô xơ
Nếu thường xuyên nhuộm, tóc của bạn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều do hóa chất có trong thuốc nhuộm. Các hóa chất làm giảm độ ẩm của tóc, tách các mô lớp vỏ, khiến tóc trở nên khô và giòn. Dần dần mái tóc của bạn không còn mềm mại và bóng mượt như trước.
Hen suyễn
Theo nhiều nghiên cứu, các nhà tạo mẫu tóc, người tiếp xúc nhiều với thuốc tóc dễ bị dị ứng da, hen suyễn. Bệnh hen suyễn nghề nghiệp là kết quả của việc tiếp xúc liên tục với chất PPD có trong thuốc nhuộm tóc và persulfates được sử dụng trong chất tẩy.
Thay đổi nội tiết
Một số thuốc nhuộm tóc chứa Alkylphenol ethoxylate (APE). Chất này thường có trong thuốc trừ dâu, khi nhuộm tóc có thể hấp thụ vào cơ thể gây rối loạn nội tiết. Bên cạnh đó, isopropyl alcohol có trong thuốc nhuộm tóc có thể gây ra chứng trầm cảm và nhức đầu.
Ảnh hưởng đến thai nhi
Phụ nữ mang thai tốt nhất nên tránh xa thuốc nhuộm tóc hóa chất. Nếu phụ nữ nhuộm tóc trong khi đang mang thai hoặc chuẩn bị mang thai, thai nhi có nguy cơ mắc bệnh ung thư lớn hơn 10 lần so với người không nhuộm tóc.
Có thể gây ung thư và dẫn đến tử vong
Nghiên cứu của Viện Ung thư quốc gia Mỹ chỉ ra, nhuộm tóc càng lâu, dùng màu càng đậm thì nguy cơ mắc bệnh ung thư càng cao. Tỷ lệ ung thư ở phụ nữ dùng thuốc nhuộm tóc cao hơn 50% so với những người không dùng thuốc này.
Ở Mỹ, các chuyên gia y tế đã chứng minh rằng Paraphenylenediamin gây dị ứng, chàm, hen, loét dạ dày, làm da mẩn đỏ, nhạy cảm với nắng và có thể gây tử vong nếu ngộ độc nặng.
Đinh Kim(T/h)