Một người phụ nữ họ Dương, sống tại Đài Trung (Đài Loan, Trung Quốc) vô cùng ngạc nhiên khi nhận được chẩn đoán ung thư phổi ở tuổi 45. Bà cho biết, sức khỏe của mình vốn rất tốt, lối sống lành mạnh, thường xuyên vận động, không động tới rượu bia, luôn đi ngủ trước 11 giờ tối, cả gia đình không ai hút thuốc. Ngay cả khi tới bệnh viện, bà cũng chỉ đi khám dinh dưỡng vì cho rằng mình sụt cân và mệt mỏi do rối loạn sau mãn kinh.
Khi kể lại trường hợp này trên chương trình "Doctor Is So Hot” , bác sĩ Peng Xinyi (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết: "Bệnh nhân có vẻ ngoài rất trẻ so với tuổi, dù đến khám vì sụt cân và mệt mỏi kéo dài không rõ nguyên nhân nhưng trạng thái thật sự rất khó nhận ra là đang mang bệnh nặng trong người.
Tính cách bệnh nhân cũng rất cởi mở, phong thái tự tin và phong cách thời trang giống như một người làm nghệ thuật. Đến khi tôi hỏi kỹ hơn về nghề nghiệp mới hay, quả thật bệnh nhân làm thiết kế và trang trí nội thất, đồng thời còn là một họa sĩ nghiệp dư. Lúc này, tôi bắt đầu đoán ra nguyên nhân gây bệnh ung thư phổi ở bà có liên quan tới đặc thù nghề nghiệp”.
Cụ thể, bà Dương phải tiếp xúc với sơn, màu vẽ, bụi bẩn và các hóa chất liên quan tới chế tác nội thất (chủ yếu là đồ gỗ) gần như mỗi ngày. Bà làm việc với sự đam mê, vì gia đình bà dư dả về kinh tế, có nhiều cửa hàng mặt phố cho thuê.
Khi thấy mình bị ho, bà cho rằng đó là "bệnh nghề nghiệp" nên không vội đi khám ngay. Hơn hai tuần sau, nhận ra cân nặng của mình ngày càng giảm, hay mệt mỏi về đêm mới quyết định tới bệnh viện kiểm tra.
"Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sơn hoặc các hạt lơ lửng thực chất là chất gây ung thư nhưng bệnh nhân không biết điều này. Khi chụp cắt lớp vi tính, chúng tôi tìm thấy một khối u dài gần 1cm, được chẩn đoán là ung thư biểu mô tuyến phổi giai đoạn 1. May mắn thay, đó là thời kỳ vàng để điều trị nên bệnh nhân đã phẫu thuật thành công và hồi phục rất tốt”, bác sĩ Peng Xinyi kể lại.
Thông qua trường hợp của bà Dương, bác sĩ Peng Xinyi muốn nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng của việc phát hiện sớm các triệu chứng ung thư phổi.
Những triệu chứng của ung thư phổi
Ho dai dẳng
Ho liên quan đến cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp sẽ hết sau một hoặc hai tuần, nhưng ho dai dẳng có thể là triệu chứng của ung thư phổi. Bạn mắc chứng ho kéo dài, không có dấu hiệu chấm dứt, ho ra máu hoặc chất nhầy bất thường khiến giọng nói khàn đặc thì nên đến gặp bác sĩ ngay, chuyên gia sẽ yêu cầu chụp X-quang hoặc thực hiện các xét nghiệm khác.
Thay đổi hơi thở
Khó thở cũng là triệu chứng của ung thư phổi. Việc cơ thể thay đổi nhịp thở có thể xảy ra nếu ung thư phổi chặn, thu hẹp đường thở hoặc có chất lỏng từ khối u phổi tích tụ trong ngực. Nếu bạn cảm thấy khó thở sau khi leo cầu thang hoặc thực hiện các hoạt động sinh hoạt thường ngày thì nên đến bệnh viện khám.
Khi đường thở bị tắc nghẽn hoặc bị viêm, bạn thở sẽ phát ra âm thanh khò khè. Điều này có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân có thể là lành tính, dễ điều trị. Tuy nhiên, thở khò khè cũng là một trong những triệu chứng của bệnh ung thư phổi, khi đến khám, bác sĩ sẽ xác định rõ nguyên nhân.
Đau ở vùng ngực
Ung thư phổi có thể tạo ra cơn đau ở ngực, vai hoặc lưng, cảm giác đau có thể không liên quan đến ho. Bạn nên đến khám bác sĩ khi nhận thấy các cơn đau xuất hiện, cho dù nó âm ỉ, rõ ràng, liên tục hoặc không liên tục.
Đồng thời, bạn cũng nên lưu ý xem cơn đau có giới hạn ở một khu vực cụ thể hay khắp ngực. Khi ung thư phổi gây ra đau ngực, sự khó chịu có thể là do hạch bạch huyết mở rộng hoặc di căn vào thành ngực, lớp lót quanh phổi.
Thay đổi trong giọng nói
Nếu bản thân nhận thấy một sự thay đổi trong giọng nói hoặc nghe người khác chỉ ra rằng giọng của bạn nghe trầm hơn, khàn.. thì hãy đi khám bác sĩ.
Khàn tiếng thường xuất hiện bởi cảm lạnh đơn giản, nhưng triệu chứng này cũng có thể cảnh báo bệnh khi nó kéo dài hơn hai tuần. Khàn tiếng liên quan đến ung thư phổi xảy ra khi khối u ảnh hưởng đến dây thần kinh kiểm soát thanh quản.
Giảm cân
Việc cơ thể giảm cân không giải thích được từ 10 pound (1pound = 453.59237 grams) trở lên có thể liên quan đến ung thư phổi hoặc một loại ung thư khác. Khi mắc bệnh, nguyên nhân sụt cân có thể xuất phát từ các tế bào ung thư sử dụng năng lượng, kết quả của sự thay đổi trong cách cơ thể sử dụng năng lượng từ thực phẩm.
Đau xương
Ung thư phổi khi đã di căn đến xương có thể tạo ra cơn đau ở lưng hoặc các khu vực khác của cơ thể, triệu chứng nặng hơn về đêm hoặc khi bạn vận động. Ngoài ra, người bệnh cũng xuất hiện cơn đau liên quan đến vai, cánh tay hoặc cổ, điều này ít phổ biến.
Đau đầu
Nhức đầu có thể là một dấu hiệu cho thấy ung thư phổi đã lan đến não. Tuy nhiên, không phải tất cả các cơn đau đầu đều liên quan đến di căn não. Đôi khi, một khối u phổi có thể tạo ra áp lực lên tĩnh mạch gây nên cơn đau.
7 nguyên nhân gây ung thư phổi ngoài hút thuốc
Hít khói thuốc thụ động
Bao gồm cả khói thuốc lá, thuốc lào, xì gà… Thậm chí một số nghiên cứu chỉ ra người hít phải khói thuốc lâu ngày còn nhận nhiều chất độc hơn cả người trực tiếp hút thuốc.
Di truyền trong gia đình
Đôi khi, ung thư phổi có thể liên quan đến di truyền trong gia đình. Một số biến thể di truyền nhất định có thể làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư phổi của một cá nhân.
Phơi nhiễm nghề nghiệp, phóng xạ
Môi trường làm việc tiếp xúc với một số hóa chất hoặc chất độc hại như amiăng, chất phóng xạ, asen… hay nhiễm phóng xạ có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi.
Ô nhiễm không khí
Việc tiếp xúc lâu dài với môi trường bị ô nhiễm nặng như khu công nghiệp, khu vực giao thông tắc nghẽn… có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi.
Lạm dụng rượu bia
Rối loạn sử dụng rượu (nghiện rượu) làm tăng nguy cơ ung thư phổi, nhất là ung thư biểu mô tế bào vảy phổi.
Tiếp xúc thường xuyên với khói
Khói bếp, khói dầu trong nhà bếp, hydrocarbon thơm đa vòng khi chế biến thực phẩm bằng phương pháp nướng hoặc hun khói… hoặc khí thải khi đốt than, đốt củi gỗ hoặc đốt rác thải.
Các bệnh về phổi khác
Một số bệnh về phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và xơ phổi có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi.
Cách phòng bệnh ung thư phổi
Ung thư phổi cũng được xếp vào nhóm khó phát hiện sớm. Vì thế, dự phòng bệnh được coi là chiến lược quan trọng nhất. Theo đó, người dân không hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc, cải thiện vệ sinh công nghiệp và tránh tiếp xúc với khói bụi, đi khám sức khỏe định kỳ.
Với những người ngoài 50, bác sĩ khuyến cáo cần tầm soát ung thư phổi 6 tháng - 1 năm/lần. Đặc biệt với người hay hút thuốc lá, thuốc lào nhiều nên đi tầm soát sớm hơn.
Như Quỳnh (T/h)