Chủ gặp vì mạo hiểm cứu thú cưng
Báo Dân trí đưa tin, ngày 16/6, chị N.T.T.H. (32 tuổi) được nghỉ làm ở nhà. Khoảng 8h30 sáng, người nhà phát hiện chị H. đang mắc kẹt ở khe hở giữa 2 căn nhà tại đường Ngô Quyền, phường 6, quận 10.
Tối hôm trước, chị H. biết tin con mèo đã đi khỏi nhà vài hôm của mình đang nằm dưới đó nên định leo xuống tìm nhưng bị chồng ngăn cản. Người chồng tính dùng dụng cụ cứu hộ chuyên dụng để trèo xuống cứu thú cưng, nhưng không ngờ vợ đã "liều lĩnh" làm trước. "Sáng hôm sau, tôi đang ngủ thì nghe cuộc gọi kêu cứu của vợ", anh N.H. – chồng chị H. kể lại.
Anh H. là nhân viên an ninh tại một lãnh sự quán ở TP.HCM, được đào tạo nghiệp vụ hơn 8 năm, từng trải qua nhiều tình huống "khó nhằn" trước đây, đã run rẩy khi thấy vợ gặp nạn.
Trong khi đó, theo lời kể của nạn nhân, sau phút hoảng hốt vì rơi xuống bất ngờ, chị đã tự định thần, cố gắng hít thở đều để giữ nhịp tim ổn định. Thấy thân thể có vết thương chảy máu, chị H. quyết định ngồi yên không cử động nhiều, tránh mất máu.
Sau khi gọi điện cầu cứu lực lượng cứu hộ, chị H. nghe thấy tiếng còi hụ nên yên tâm chờ đợi, tin tưởng lực lượng cứu nạn sẽ giải cứu mình thành công.
Người phụ nữ có vóc người nhỏ bé cho biết, chị là nhân viên chăm sóc khách hàng làm việc tại một thẩm mỹ viện, có tiền sử bệnh huyết áp thấp, thường ngày không vận động nhiều. Vì biết tình trạng sức khỏe của mình, chị phải tự giữ bình tĩnh.
Chị H. cho biết đã tính toán đến nguy cơ bị rơi nên có ý thức đội mũ bảo hiểm, đi giày thể thao và buộc dây dù (loại cột võng) ngang bụng. Tuy nhiên, tình huống dây bị đứt thì chưa ngờ tới.
"Cả thân người cà vào mảng xi măng thô ráp rất đau. Nếu không có nón bảo hiểm, đầu tôi đập đã vào tường không sống nổi", chị nói. Trong diện tích hẹp, không thể nhúc nhích, chị hoảng loạn kêu cứu nhưng vô vọng.
Rất may, trước khi bị rơi, chị H. đã leo xuống được khoảng giữa tầng thứ 2 và 3 của căn nhà 4 tầng. Toàn thân người phụ nữ sạt vào bề mặt xi măng thô nhám của hai vách tường.
Sau vài phút trấn an, chị lấy điện thoại gọi số 114. Khi tổng đài bắt máy, người phụ nữ cung cấp thông tin về tình trạng, địa chỉ nhà.
Khi được cứu lên, nạn nhân bị trầy xước khắp người, phải khâu nhiều mũi ở vết rách ở đầu gối.
“Máu chảy ướt cả ống quần và giày”
Theo VnExpress, khoảng 5 phút sau, đại uý Phan Công Hạnh, 37 tuổi, đang ở trụ sở đội cảnh sát PCCC quận 10, cách đó 500 m nhận được yêu cầu hỗ trợ. Anh cùng 10 đồng đội đến hiện trường.
Đứng trên tầng thượng nhìn xuống, mọi người hầu như không thể thấy gì nếu không rọi đèn pin xuống. Hai đầu của khe tường đã được xây bịt kín. Đại uý Hạnh cố nói vọng xuống bên dưới để nắm tình hình nạn nhân đồng thời đưa ra phương án giải cứu.
Nhóm cứu hộ nhận định nếu nạn nhân bình tĩnh có thể thả đai xuống để kéo người lên. Tình huống khó hơn, lực lượng phải xuống dưới tiếp cận để cứu. Tuy nhiên khe tường quá hẹp, có khúc chỉ rộng 20 cm nên phương án thứ hai rất khó thực hiện, mất thời gian. Trong khi việc dùng máy khoan cắt tường có thể ảnh hưởng kết cấu ngôi nhà. Nếu quá trình cứu hộ kéo dài, nạn nhân đang bị thương sẽ mất máu, nguy hiểm tính mạng.
Lúc này, khi nghe được chị Hoa trả lời còn tỉnh táo, anh Hạnh cùng đồng đội quyết định dùng thiết bị phá khung cửa sổ, bơm oxy cùng lúc liên tục trấn an. Các chiến sĩ đưa đồ bảo hộ bằng vải dày xuống để nạn nhân mặc tránh chấn thương do ma sát lúc kéo lên. Sau đó họ thả hai dây nối đai an toàn để nạn nhân buộc vào chân và vai. Trong đó, dây từ tầng thượng kéo người lên, dây từ cửa sổ tầng ba sẽ ghìm giữ nạn nhân tránh lắc lư, va đập vào bờ tường sần sùi.
Sau các bước chuẩn bị, chị Hoa được kéo lên. Bốn cảnh sát chia nhau cầm hai đầu dây cùng hô lớn để đưa nạn nhân lên một cách nhịp nhàng. Những người khác giữ đuôi dây không để nạn nhân rơi ngược lại phía dưới. Sau gần 30 phút, chị Hoa được kéo đến ô cửa sổ tầng ba, còn tỉnh táo dù sức khoẻ đã yếu. Anh Hạnh lấy tay bịt vết thương ở đầu gối nạn nhân rồi cùng đồng đội đưa đi cấp cứu.
"Lúc vào bệnh viện máu chảy ướt cả ống quần và giày của tôi nhưng chị ấy vẫn liên tục hỏi về con mèo", anh nói.
Theo nhận định từ người lính cứu nạn, việc chị H. biết tự buộc dây đề phòng nguy cơ chỉ là ý thức tự phát. Song nạn nhân thiếu sự hiểu biết về việc sử dụng dây đúng cách.
Qua sự cố này, đại úy Hạnh khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kiến thức bảo vệ bản thân trước khi hành động ở tình huống nguy hiểm.
Vân Anh(T/h)