Từ bỏ công việc thi công nội thất, chàng trai trẻ dồn hết số tiền tiết kiệm để mở quán cà phê kiêm trung tâm cứu trợ mèo giữa Thủ đô. Ngao’s Home - ngôi nhà chung cưu mang những chú mèo được cứu sống trước “lưỡi hái tử thần” đã gây chú ý trên báo Pháp.
8 năm ấp ủ “mái ấm tình thương” cho mèo
Nằm cuối một con ngõ nhỏ trên phố Triều Khúc (quận Thanh Xuân, Hà Nội), quán cà phê mang tên Ngao’s Home trở thành “thiên đường” của hàng chục chú mèo may mắn được cứu thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”. Người trao cơ hội sống lần thứ hai cho những chú mèo ấy chính là Nguyễn Thanh Bình (sinh năm 1996, Hà Nội), người đã dành một tình yêu đặc biệt cho động vật từ nhỏ. Anh thường mang những chú mèo bị bỏ rơi hay đi lạc về nhà chăm sóc.
“Khi đi qua chợ Hà Đông, chứng kiến rất nhiều chó mèo bị buôn bán, giam nhốt trong lồng hay bị siết cổ rất đáng thương, tôi thực sự bị ám ảnh. Tôi nảy ra ý tưởng xây một mái ấm tình thương cho các bé mèo”, chàng trai đến từ Ninh Bình quen gọi những chú mèo là “bé”, bắt đầu câu chuyện.
Thời điểm đó, ý tưởng mới chỉ dừng lại trong suy nghĩ, Bình vẫn chưa có gì trong tay để hiện thức hóa “giấc mơ của mèo”. Anh đã dành thời gian hơn 8 năm để chuẩn bị kinh tế và tự trang bị kỹ năng chăm sóc mèo. Sau nhiều cuộc đấu tranh tâm lý, Bình đã quyết định từ bỏ công việc ổn định với mức thu nhập cao để thực hiện sứ mệnh cứu trợ mèo.
“Đưa ra quyết định này thực sự rất khó khăn, tôi đã phải giằng xé rất nhiều... tôi gom hết số tiền tiết kiệm trong những năm đi làm và tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè. Một rào cản lớn nữa đến từ gia đình, khi tôi bày tỏ dự định này, bố mẹ đã kịch liệt phản đối và chỉ muốn tôi tập trung vào công việc hiện có. Nhớ đến câu nói “hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”, tôi đã không nản lòng và dùng những thành quả nhất định để thuyết phục được bố mẹ ủng hộ mình”, Thanh Bình giãi bày.
Chủ quán Nguyễn Thanh Bình kể chuyện về những chú mèo |
Chàng trai trẻ không ngần ngại “gõ cửa” các cơ sở thú y để học hỏi, tìm hiểu những kỹ năng cơ bản chăm sóc mèo. Khi biết công việc anh đang làm, nhiều người ngỏ ý muốn hỗ việc chữa trị cho những chú mèo bị thương. Mỗi tháng, Bình chỉ trích ra khoảng 20% thu nhập để trang trải cuộc sống và duy trì hoạt động của quán cà phê, còn lại, anh dồn hết vào tiền chăm sóc và chữa trị cho mèo. Tính đến nay, ngôi nhà chung này đã cưu mang hơn 50 chú mèo trong những tình huống khác nhau.
Ngao’s Home được khai trương từ đầu năm nay, cũng là lúc dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, chính vì vậy, nên đã gặp rất nhiều khó khăn. “Quán mở được hơn 1 tháng thì phải đóng cửa do dịch Covid-19. Sau một thời gian, dịch dịu xuống, quán bắt đầu đông khách thì dịch bệnh một lần nữa phức tạp trở lại... Hiện tại, quán vẫn đang được duy trì chủ yếu bằng số tiền tiết kiệm của tôi từ trước đó”, ánh mắt xa xăm đầy lo lắng hiện trên gương mặt Bình.
Cầu nối đến một gia đình mới sau khi hồi sinh
Những chú mèo được Bình cứu về thường bị bỏ rơi, trong tình trạng bị thương, có những ca bị thương nghiêm trọng tưởng chừng không thể cứu chữa. Nhìn một chú mèo mập mạp đang chơi đùa trên tay Bình, chúng tôi dường như không thể tin vào mắt mình khi nghe câu chuyện mà anh kể:“Bé này bị bán vào lò mổ, bằng một cách nào đó, bé đã cạy được lưới sắt B40 để thoát ra, nhưng cổ vẫn bị xích nên khi càng giãy giụa thì càng bị thương nặng hơn. Tôi đón bé về trong tình trạng rất nghiêm trọng, đưa vào cơ sở thú y để chữa trị, cuối cùng, may mắn đã mỉm cười, bé sống sót một cách kỳ diệu”.
Một chú mèo khác cũng được vị ân nhân giới thiệu: “Bé mèo này vô tình đi lạc và bị những kẻ săn bắt dùng súng điện để bắt. Bằng một ý chí kiên cường nào đó mà bé giằng được mũi tên ghim trên người ra và chạy về nhà giữa màn đêm. Vì người chủ không hay biết nên bé mèo lại tiếp tục lang thang trên đường, rất may, có người trông thấy đã báo cho tôi... Sau khi cứu được bé, tôi liên lạc với người chủ theo thông tin trên chiếc vòng cổ. Anh ấy tặng bé mèo cho tôi chăm sóc và thường xuyên ghé thăm”.
Chàng trai 24 tuổi cho biết, những chú mèo được cứu về thường bị sang chấn tâm lý, sợ người và dễ bị hoảng loạn, thậm chí, ban đêm thường lên cơn co giật, cào móng vuốt trong hoảng sợ hoặc trong tình trạng vết thương rất nghiêm trọng... Những lúc ấy, anh lại thức trắng đêm để theo dõi, cập nhật tình hình cho bác sĩ thú y. Cả anh và bác sĩ thú y đã có nhiều đêm không ngủ vì lo lắng cho những chú mèo ở đây.
Đến với Ngao’s Home đều là những bạn trẻ yêu mèo, có nhiều người còn ngỏ ý muốn nhận mèo về nuôi. Ông chủ quán trẻ tuổi khá tỉ mỉ và cẩn thận trước khi đồng ý cho những người chủ mới tiếp nhận, để đảm bảo cuộc sống an toàn của những chú mèo. Anh chia sẻ: “Tôi luôn dặn những người chủ mới, nếu trong trường hợp vì một lý do nào đó không nuôi được thì hãy báo tôi đến tận nơi đón. Chỉ cần các bé có cuộc sống tốt hơn là được.
Biết tới quán qua mạng xã hội, một chị khách có tên Emma Williams (quốc tịch Anh, sống tại TP.Hồ Chí Minh) đã ngỏ ý tới thăm. Gần một tháng trước, chị bay ra Hà Nội trong đêm, ngay sáng hôm sau đã ghé thăm quán và đón một “bé” mèo về nuôi”.
Cũng từng mơ ước mở quán cà phê thú cưng từ khi còn học lớp 12, nhưng không thể thực hiện, chị Mỹ Nhung (sinh năm 1996, Sơn Tây, Hà Nội) bày tỏ: “Khi biết đến Ngao’s Home, tôi thích thú lắm! Trong một lần xuống bệnh viện K Tân Triều để xạ trị, tôi ghé thăm để hỏi mua một bé mèo về bầu bạn, Bình biết tôi bị ung thư, đã tặng tôi một bé chứ không bán”.
Trên một góc tường, những mảnh giấy nhớ chi chít lời cảm ơn của những vị khách ghé thăm Ngao’s Home, gửi đến ông chủ trẻ tuổi, sau khi nghe những câu chuyện cảm động phía sau những chú mèo được cưu mang.
Quán cà phê gây sự chú ý trên báo Pháp Hoạt động của Ngao's Home cũng đã gây được sự chú ý của phóng viên hãng tin AFP (Pháp). Theo AFP, Ngao's Home đang nhận chăm sóc khoảng 15 chú mèo các loại, tất cả đều từng bị thương do nhiều nguyên nhân như tai nạn, bị bỏ rơi... Sau khi được bác sĩ thú y kiểm tra, những chú mèo này được đưa về quán để tiện chăm sóc. Khách hàng có thể thưởng thức cà phê, âu yếm mèo, có cơ hội cho chúng uống thuốc và lắng nghe những câu chuyện của chúng, mỗi chú mèo lại có một câu chuyện phía sau. |
Thủy Tiên- Quang Trường
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số Thứ 5 (142)