(ĐSPL) - Thời gian đầu, khi nghe tin bà Nguyễn Thị Khôi (SN 1961), trú ở xóm Hồng Lĩnh, xã Nhân Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) viết đơn xin hiến xác cho y học sau khi qua đời ai cũng ngạc nhiên và cho bà là “gàn dở”, “không bình thường”… Nhưng mặc kệ mọi người ngăn cản, bà vẫn tâm niệm cái chết của mình sẽ không vô ích.
Người phụ nữ cả cuộc đời làm cách mạng
Chúng tôi tới thăm bà Nguyễn Thị Khôi trong một ngày Đông có nắng ấm. Ngôi nhà đơn sơ nhưng cho cảm giác bình yên, gần gũi đến lạ thường. Nhất là khi chủ nhân ngôi nhà niềm nở ra chào đón.
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi trò chuyện với người phụ nữ này là tính hài hước, dí dỏm và “hay chuyện” của bà. Qua cách nói chuyện, chúng tôi không hề thấy bà có một chút nào “không bình thường” như mọi người đã nói trước khi đến đây.
“Lúc đầu, do mọi người chưa hiểu được hành động hiến xác của tôi nên mới bàn tán như vậy. Tôi thấy đó là việc bình thường và có rất nhiều người đã làm, thậm chí có một gia đình, tất cả các thành viên trong nhà đều tự nguyện viết đơn xin hiến xác cho y học sau khi qua đời. Bây giờ, chính tôi lại mong muốn các con của mình cũng làm như vậy”, bà Nguyễn Thị Khôi cười khi được chúng tôi hỏi về sự “không bình thường” mà nhiều người nói về bà.
|
Bà Khôi cảm thấy mình thanh thản hơn khi tự nguyện hiến xác cho y học. |
Bà Khôi vốn được sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng. Bố của bà là một trong những người "tuyên truyền lý tưởng cách mạng” đầu tiên trong địa phương. Học xong cấp 3, khi đã đủ tuổi, bà cũng xung phong lên đường nhập ngũ. “Lúc đấy, cả nước hồ hởi đi đánh giặc, gia đình tôi có nhiều người tham gia kháng chiến, nên tôi không thể đứng ngoài cuộc được, tôi cũng muốn được cống hiến cho đất nước”, bà Khôi giải thích việc mình tham gia nhập ngũ.
Sau khi ra khỏi quân ngũ, bà về đi học 2 năm ở trường cán bộ quản lý giáo dục Nghệ Tĩnh. Tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, bà được phân về công tác ở Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành, rồi làm văn thư tại trường cấp 2 xã Nhân Thành. Trong thời gian này, bà kết duyên với một người đàn ông ở xã Long Thành, huyện Yên Thành và có với nhau người con trai duy nhất là Đặng Hoàng Anh (SN 1992).
Cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục không biết mệt mỏi nên sức khỏe của bà giảm sút. Vì thế, năm 2001, bà xin về nghỉ hưu sớm. Với những đóng góp đó, bà đã được tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục.
Nhắc lại về khoảng thời gian công tác trong ngành giáo dục, bà Khôi chia sẻ: “Được cống hiến cho đất nước là điều tôi cảm thấy mãn nguyện nhất trong cuộc đời này. Trong khoảng thời gian đó, tôi đã nhiều lần đấu tranh cho sự trong sạch của ngành giáo dục. Bởi tôi muốn con mình, cháu mình và các thế hệ sau này được sống trong xã hội phát triển. Giờ tôi đã nghỉ hưu nhưng mỗi khi nhìn lại nó, tôi thấy mình đã sống không uổng phí".
Tâm nguyện cuối cùng là hiến xác cho y học
Nói về việc tự nguyện viết đơn hiến xác cho y học, bà Khôi cho biết: “Trong một lần xem tivi, tôi biết thông tin Nhà nước kêu gọi hiến xác cho y học để phục vụ cho nghiên cứu khoa học. Lúc đó, tôi nghĩ, mình chết đi là hết, vậy thì sao không hiến xác mình để cứu giúp những người đang sống. Vậy là tôi lập tức viết đơn”.
Sau khi về nghỉ hưu, tháng 3/2011, bà đã gửi đơn cho Trường Đại học Y khoa Vinh, trong đơn có đoạn: "Đây là tâm nguyện lớn nhất của tôi, mong được góp một phần nhỏ cho ngành y tỉnh nhà. Cũng là tấm lòng tri ân của gia đình chúng tôi đối với xã hội...".
|
Lá đơn xin hiến xác cho y học sau khi qua đời của bà Khôi. |
Bà Khôi kể tiếp: "Lúc đó, nhiều người đã ngăn cản tôi vì cho rằng khi qua đời, cơ thể con người cần toàn vẹn, để “mồ yên mả đẹp”. Ngay cả đứa con ruột và các con nuôi của tôi cũng đều phản đối. Chúng còn không muốn nói chuyện với tôi trong một thời gian. Thế nhưng, gạt đi điều đó, tôi vẫn cho rằng hành động của mình là đúng. Mọi người gọi tôi là “gàn dở”, “không bình thường”.
Và sau khi dần dần giải thích cho các con biết, cái chết không phải là điều gì lớn lắm. Quantrọng là mình sống như thế nào và đến khi chết mình làm được việc gì. Lúc đó, chúng nó mới hiểu và ủng hộ quyết định của tôi".
Cuộc đời bà đã không ít lần vào bệnh viện, thế nên bà thấy được cuộc sống ý nghĩa như thế nào. Bởi vậy, bà muốn mình dù đã qua đời nhưng vẫn giúp đỡ được mọi người. “Tôi tuy chết nhưng cơ thể của tôi luôn sống, được làm việc có ích, được tiếp tục cống hiến, như vậy là tôi có “lợi” chứ sao lại vô ích được”, bà Khôi hài hước giải thích.
Chia tay bà Nguyễn Thị Khôi, bất chợt chúng tôi nhớ đến câu: “Bởi kiếp sống biến ta thành gỗ mục. Ta vươn mình hóa kiếp Phong Lan”. Hạnh phúc lớn nhất của đời người là làm cho nhiều người hạnh phúc hơn, hành động của bà Khôi nhỏ nhưng ý nghĩa vô cùng trong cuộc sống này.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-phu-nu-gan-do-viet-don-xin-hien-xac-cho-y-hoc-a78276.html