Không gia đình, không chồng con nhưng gần 30 năm qua mẹ gắn bó với làng trẻ mồ côi. Mẹ lặng lẽ nuôi dạy gần 30 đứa con bất hạnh khôn lớn và trưởng thành. Để cho cuộc đời thêm ý nghĩa, 3 năm trước mẹ đã viết đơn tình nguyện hiến xác cho y học, khiến cho mọi người ngỡ ngàng. Nhưng lòng bao dung và việc làm ý nghĩa của mẹ đã có sức lan tỏa diệu kỳ, hai bà mẹ khác trong làng cũng tình nguyện hiến tặng thân xác mình cho y học sau khi chết.
Người phụ nữ có lòng nhân hậu đó là mẹ Hồ Thị Nhân ở làng trẻ SOS, TP Vinh (Nghệ An).
Mẹ nghèo của hàng chục đứa con
Mẹ Nhân sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Do cuộc sống khó khăn nên mẹ phải bỏ học dỡ chừng để đỡ đần bố mẹ. Năm 16 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc mẹ đăng ký đi thanh niên xung phong, rồi đi dân công hỏa tuyến ở chiến trường Bình - Trị - Thiên. Trong thời gian ở chiến trường, mẹ được đào tạo thêm về y tế, để cấp cứu và băng bó vết thương cho bộ đội.
Chiến tranh kết thúc mẹ không trở về địa phương mà xin ở lại chiến trường để khắc phục hậu quả. Đến năm 25 tuổi, Hồ Thị Nhân mới phục viên trở về địa phương. Lúc này, bạn cùng trang lứa đã lập gia đình và có con cái đầy đủ nhưng người thanh niên xung phong ấy vẫn còn một mình. Không màng đến chuyện chồng con, mẹ tiếp tục lao vào công việc, mẹ làm công nhân xây dựng, trông coi kho lương thực rồi lại làm y tá tại trạm y tế xã. Với kiến thức được đào tạo ở cuối là Khoa đông y Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Ba Lan tại thành phố Vinh.
Năm 1991, mẹ Nhân nhận được quyết định nghỉ hưu. Thời điểm đó, làng trẻ em mồ côi SOS Vinh được thành lập, đang rất cần người trông trẻ. Thấy vậy, mẹ đã viết đơn tình nguyện tham gia với tâm nguyện, sẽ mang hết tấm sức của mình để yêu thương, bù đắp những mất mát, thiệt thòi cho những đứa trẻ khiếm khuyết hạnh phúc trong cuộc sống.
Với quyết định này, mẹ nhận được sự phản đối từ phía gia đình và bạn bè. Song, mẹ vẫn gói ghém quần áo, tư trang đến với ngôi nhà của những trẻ bất hạnh, bắt đầu cuộc đời làm mẹ của mình. Đến với làng trẻ, lần đầu tiên học cách làm mẹ, Hồ Thị Nhân được phân công chăm sóc 7 đứa trẻ, đứa nhỏ nhất mới 4 tuổi và đứa lớn nhất là 7 tuổi.
Mẹ Hồ Thị Nhân với các con ở làng trẻ mồ côi SOS Vinh. |
Với một người phụ nữ chưa một lần trong đời có được thiên chức làm vợ, làm mẹ, ở vào cái tuổi bên kia dốc cuộc đời, mẹ Nhân bắt tay vào chuyện nuôi dưỡng con trẻ, thực sự là một thử thách rất lớn. Nhưng bằng tất cả tình yêu thương, mẹ Nhân đã vượt qua sự bỡ ngỡ ban đầu để hoàn thành xuất sắc vai trò của một người mẹ, trở thành bảo mẫu tuyệt vời của những số phận trẻ thơ bị đánh cắp tuổi thơ ấm áp. “Lúc đầu, chăm sóc các con nhỏ tôi cũng hết sức bỡ ngỡ. Tay tôi vụng về, lúng túng thay tã, cho con uống sữa, dạy cho con học. Nhưng chính tình thương đã trở thành sức mạnh, thương các con vì mỗi đứa một hoàn cảnh éo le, có đứa bố mẹ mất, có đứa bị bỏ rơi vì bệnh tật nhìn rất đáng thương. Tôi đã cố gắng làm tất cả để bù đắp những thiệt thòi đó” mẹ Nhân chia sẻ.
Gần 30 năm, mẹ đã gắn bó với những đứa con thân yêu của mình. Mẹ đã nuôi dưỡng được 25 đứa con khôn lớn, trưởng thành. Trong đó, duy nhất trường hợp của Hồ Văn Hùng (SN 1995) là mang họ Hồ của mẹ. Về trường hợp này, mẹ Nhân cho biết thêm, tình cơ một lần vào bệnh viện chữa bệnh, mẹ Nhân được biết về trường hợp của một cháu bé bị bỏ rơi ngay khi vừa lọt lòng mẹ được một ngày tuổi, nặng chưa đầy 2kg, bỏ trước cổng bệnh viện. Mẹ đã làm thủ tục nhận về nuôi nấng. Đến giờ, Hùng đã là học sinh cấp 3, không còn sống chung trong ngôi nhà với mẹ nữa mà được chuyển về cư xá thanh niên của làng, nhưng thi thoảng vẫn tìm về thăm mẹ, thăm các em.
Ngôi nhà hạnh phúc mang số hiệu 12B của mẹ lúc nào cũng có từ 9 đến 10 đứa con. Thời điểm hiện tại, mẹ cũng có 9 đứa con, đứa nhỏ đang học lớp mẫu giáo lớn, còn đứa lớn nhất là cháu Nguyễn Thị Lan Anh, “chị cả” trong nhà. Mẹ Nhân chia sẻ, cái khó trong nuôi dạy các con là mỗi đứa một tính, một dòng máu, hoàn cảnh khác nhau. Làm thế nào để làm cho các con hòa đồng, không tự ti, mặc cảm là điều không hề dễ dàng. Có những khi chúng nghịch ngợm, mẹ vắng nhà đánh nhau vênh đầu mẻ trán. Dù rất giận nhưng cũng chỉ lựa lời khuyên răn, chẳng bao giờ dùng đến roi vọt bởi sợ chúng chạnh lòng, tổn thương. Mẹ Nhân cũng là người thường xuyên đấu tranh đòi hỏi quyền lợi cho các con hơn các bà mẹ khác trong làng.
Hiện, chế độ hằng ngày cho các cháu còn khiêm tốn nên mẹ phải trồng thêm rau xanh để cải thiện bữa ăn gia đình. Thương nhất là những khi các con đau ốm, bệnh tật. Những lúc như vậy, mẹ lo không ngủ được, thức trắng đêm, chạy đua cùng thời gian hối hả đếm từng sợi bạc trên tóc mẹ. Khi các con chẳng may phải nhập viện, mẹ lại tất tả giữa hai chốn đi và về, vừa lo cho con dưới viện, lại phải lo ăn uống, ngủ nghỉ đối với các con ở nhà. Trọn vẹn, chu tất từng bữa cơm, giấc ngủ, hi sinh tất thảy mà chẳng một giây phút nghĩ đến bản thân mình.
Tâm nguyện hiến xác cho y học
Lặng thầm với công việc chăm nuôi các con ấy, trong gần 30 năm qua, mẹ Nhân đã tự tay mình nuôi dưỡng trưởng thành đối với 4 cặp anh em song sinh. Đến nay, đã có 5 đứa con rời khỏi vòng tay mẹ để lập mái ấm gia đình riêng. Không phụ công mong mỏi của mẹ, năm rồi các con đã cho mẹ được lên chức bà. Vui lắm, chỉ tiếc là chưa có điều kiện để ẵm bồng cháu trên tay cho thỏa nỗi nhớ mong.
Năm nay 64 tuổi, đã trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc hỉ nộ ái ố của đời người nên mẹ Nhân rất biết quý trọng cuộc sống. Mẹ rất thương các con của mình, chỉ sợ mai này chẳng may lá vàng trước gió, mẹ về với cát bụi hư vô thì các con mẹ sẽ mồ côi thêm một lần nữa. Trong một lầm xem truyền hình, cảm động trước câu chuyện hiến xác cứu người, mẹ Nhân đã quyết định hiến xác mình sau khi chết, biết đâu có thể cứu giúp được ai đó. Nghĩ là làm, được một người bạn hướng dẫn, mẹ viết lá thư tay gửi trường Đại học y Hà Nội bày tỏ tâm nguyện.
Lá thư hồi âm phúc đáp đã làm mẹ cảm thấy vui, nhưng đó lại là cảm xúc trái ngược của rất nhiều người thân, trong đó có những đứa con của mẹ. Hiểu được tâm lý của các con, mẹ ôm chúng vào lòng, giải thích cho chúng hiểu. Mẹ bảo, chết đi rồi ai cũng sẽ trở thành hư vô cát bụi, nếu hiến xác, mình có thể tái sinh vào người khác, dù chỉ là một bộ phận nào đấy trên cơ thể, nhưng giúp cho ai đó hoặc lành lặn, hoặc kéo dài sự sống âu cũng là một niềm hạnh phúc.
Dần dà, mọi người hiểu ra, các con cũng biết được tấm lòng của mẹ nên lại càng yêu thương nhiều hơn. Cảm động hơn nữa là trước việc làm cao cả, thiện nguyện của mẹ, đến nay ở làng trẻ em mồ côi SOS Vinh đã có thêm hai người khác tình nguyện hiến xác cho y học. Đó là trường hợp của mẹ Vượng (58 tuổi) và ông Trần Văn Mai (55 tuổi), là nhân viên kế toán của làng.
Câu chuyện về mẹ Hồ Thị Nhân hết lòng yêu thương con trẻ ở làng trẻ em mồ côi SOS Vinh thực sự đã làm xúc động biết bao con người. Đến với trẻ em thiệt thòi đang được nuôi dưỡng tại đây, hỏi về mẹ Nhân, đứa nào cũng nhao nhao đòi kể chuyện, dù rằng trong số đó có rất nhiều em không cùng ngôi nhà với mẹ. Song với các em, được vào đây, đặc biệt là được làm con của mẹ Nhân, các em đã có được một mái ấm gia đình đúng nghĩa, ấm áp tuổi thơ và đủ đầy tình cảm.
HÀ HẰNG