Mới đây, bác sĩ Chiêm Nghi Học - bác sĩ chuyên khoa tiêu hoá người Trung Quốc đã chia sẻ về trường hợp của một bệnh nhân do mình điều trị, lập tức thu hút vô số sự chú ý của dư luận.
Theo đó, bác sĩ Chiêm cho biết ông vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ 40 tuổi, có các triệu chứng ho lâu không dứt, nóng rát ở ngực liên tục. Ban đầu cô tưởng nguyên nhân do trào ngược dạ dày thực quản nên đã tự uống thuốc nhưng kết quả vẫn không đỡ.
Người phụ nữ quyết định đến bệnh viện để kiểm tra. Bác sĩ Chiêm tiến hành nội soi dạ dày thì phát hiện trên niêm mạc thực quản của nữ bệnh nhân có những chấm trắng, thoạt nhìn tưởng là cặn thức ăn đọng lại trên thực quản, sinh thiết xác nhận nhiễm nấm thực quản.
Vị bác sĩ cho biết, nguyên nhân khiến bệnh nhân bị nấm thực quản là do khả năng miễn dịch thấp, làm việc mệt mỏi trong thời gian dài, thức khuya và chế độ ăn uống không cân bằng.
Khi thực quản bị nấm, hầu hết mọi người không có triệu chứng, một số ít sẽ có các triệu chứng tương tự như trào ngược dạ dày thực quản, điển hình là: khó nuốt, cảm giác có dị vật trong cổ họng, đau hoặc nóng rát ở ngực. Nếu không được điều trị sẽ có nguy cơ nhiễm khuẩn huyết, loét thực quản, thủng thực quản, thậm chí tử vong.
Bác sĩ Chiêm khuyên rằng, khi người bệnh có triệu chứng ho không dứt, đau rát ngực, hãy đi khám ngay để xác định được nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Phương pháp điều trị nấm thực quản
Điều trị nấm thực quản chủ yếu sử dụng thuốc kháng nấm, phổ biến nhất là fluconazole đường uống, nếu bị nấm nặng nguy cơ biến chứng sẽ cần truyền tĩnh mạch. Nếu thuốc kháng nấm này không đạt hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng nấm khác.
Thời gian sử dụng thuốc cũng như liều lượng thuốc kháng nấm với mỗi trường hợp nấm thực quản là khác nhau, do đó không nên tự ý mua thuốc điều trị hoặc dùng theo đơn thuốc của người bệnh khác. Bệnh nhân khi có triệu chứng nên đi khám và tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
Ngoài điều trị bằng thuốc, bệnh nhân cần có chế độ ăn uống phù hợp, hạn chế thực phẩm ngọt, nước uống ngọt có gas hoặc đồ uống có cồn.
Nếu điều trị không tốt, người bệnh tự ý dừng thuốc khi triệu chứng nấm thực quản giảm, bệnh dễ tái phát, thậm chí nấm lan sâu vào nội tạng, miệng, họng gây bệnh nặng hơn ở những lần sau. Nấm hoạt động mạnh khi hệ miễn dịch suy giảm nên bệnh nhân cũng cần điều trị tăng cường miễn dịch, cải thiện sức khỏe thông qua lối sống và sinh hoạt lành mạnh.
Linh Chi(T/h)