Theo Người Lao Động, bệnh nhân P.K.A trước đó cảm thấy mỏi và đau lưng nên đi bấm huyệt và bẻ khớp tại phòng khám trên địa bàn quận Thủ Đức. Sau đó, bệnh nhân thấy đau nhói ở vùng thắt lưng phải. Tuy nhiên, người thực hiện nói không sao và vẫn tiếp tục các thao tác bẻ khớp vào hôm sau.
Sau 2 buổi trị liệu, bệnh nhân không thể vận động, không đi lại được, khó thở nên đến Bệnh viện 1A thăm khám.
Bác sĩ Calvin Q Trịnh cho biết, bệnh nhân đến trong tình trạng đau, ngồi ngửa, đi có 2 người dìu 2 bên, không ngồi dậy được. Qua khám nhanh, bác sĩ ghi nhận bệnh nhân đau vùng thắt lưng phải gần cột sống, có điểm đau nhói giật nảy người ở các xương sườn cuối 11-12 gần cột sống, viêm sưng nhẹ.
Các bác sĩ đã nhanh chóng xử trí laser giảm đau, thuốc giảm đau tại chỗ. Sau xử trí 15 phút, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy bớt đau và ngồi xe lăn chụp X-quang lồng ngực. Kết quả phim cho thấy bệnh nhân bị gãy xương sườn 12 phạm khớp sườn cột sống… Lúc này, bệnh nhân đã tỉnh táo, bớt đau và có thể đi lại từ từ.
Bác sĩ Trịnh đã cho bệnh nhân toa thuốc và dặn dò nghỉ ngơi một tháng, hạn chế cử động để xương sườn chóng lành. Sau đó, người bệnh sẽ được tiến hành chữa đau thắt lưng và thoát vị đĩa đệm.
Theo bác sĩ Calvin Q Trịnh, nắn chỉnh khớp Chiropractice là kỹ thuật điều trị này khá phổ biến hiện nay nhưng đã bị đẩy lên mức thái quá. Hơn 1/2 số bệnh nhân nắn khớp sẽ không kêu và hay nhận phản ứng thái quá của bệnh nhân như các clip trên mạng xã hội Tiktok.
"Dịch vụ nắn chỉnh khớp có mục đích thư giãn và điều trị trong một số trường hợp biên độ vận động của khớp giảm hay viêm dính cột sống giai đoạn đầu. Phương pháp này không dùng để điều trị đau do lệch vẹo cơ học hay thoát vị đĩa đệm bởi chúng ít hoặc không có tác dụng trong chỉnh dáng hình thể", Tri thức trực tuyến dẫn lời bác sĩ Calvin Q Trịnh nhấn mạnh.
Bác sĩ Trịnh cũng cho rằng việc các kỹ thuật viên thực hiện kém tay nghề thường cố làm tiếng kêu giúp bệnh nhân thỏa mãn. Hành động này dẫn đến chấn thương và gãy xương là không tránh khỏi.
Thùy Dung (t/h)