Theo VTC News, chiều ngày 10/5, Trung tâm y tế huyện Quỳ Châu cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhân L.T.K (70 tuổi, trú tại xã Châu Nga, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) với tình trạng cơ thể rất mệt, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn…
Qua thăm khám, các bác sĩ thấy bệnh nhân xuất hiện tình trạng da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, được chẩn đoán tan máu, suy thận, viêm ống thận cấp và cần vận chuyển cấp cứu.
Bệnh nhân kể, trước đó bà đã sử dụng lá cây lộc mại (còn gọi là rau mọi, lục mại, tiếng Thái gọi là Pơ Chơ hái) để điều trị bệnh táo bón. Hiện tại, người bệnh đang tiếp tục được chăm sóc và theo dõi sức khỏe.
Theo Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu, trong những năm vừa qua, trên địa bàn có nhiều trường hợp phải nhập viện cấp cứu do dùng lá cây lộc mại trị táo bón, tiêu chảy. Tính riêng từ đầu năm 2023, có 3 trường hợp ngộ độc lá lộc mại phải chuyển tuyến và lọc máu tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.
Liên quan đến sự việc, báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn lời các chuyên gia cho hay, lộc mại là loại thảo mộc có độc tính cao, có tác dụng chữa bệnh nhưng phải theo chỉ định của bác sĩ.
Cây lộc mại nhỏ, cao 2 – 3 m, có nhiều cành nhỏ, giòn. Đặc biệt, trên mặt thân và cành có những bì khổng hình chấm trắng lấm tấm. Loại cây này thường mọc hoang phổ biến ở rừng núi và đồng bằng các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Giang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hòa Bình.
Người ta hái lá cây lộc mại về làm thuốc. Mùa hái hầu như quanh năm, lá cây dùng tươi hay phơi khô. Mặc dù là một loại dược liệu với nhiều công dụng nhưng việc sử dụng không đúng cách lá lộc mại có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Các biểu hiện thường gặp khi dùng quá liều lá lộc mại gồm nhịp tim nhanh, người mệt yếu, da xanh, ăn không tiêu, đầy bụng, đau vùng ruột, tiêu phân lỏng hoặc táo bón. Nếu đến bệnh viện quá muộn thì bệnh nhân có nguy cơ tử vong. Do đó, khi thấy có biểu hiện ngộ độc lá lộc mại, người bệnh cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Những người có biểu hiện ngộ độc nhẹ cần dùng thuốc nhuận tràng để tống hết chất độc. Trong khi đó, các trường hợp nhập viện trong tình trạng nặng thường phải áp dụng các biện pháp điều trị chuyên sâu như rửa dạ dày, thở máy, lọc máu, thay huyết tương, điều chỉnh rối loạn nước – điện giải và điều chỉnh rối loạn toan – kiềm máu.
Đinh Kim (T/h)