(ĐSPL) - 24 năm sống với người chồng bị bệnh tâm thần, chị phải chịu bao nhiêu tủi cực, đau đớn, thậm chí chị cũng không nhớ nổi bao nhiêu lần bị anh đánh đập vô cớ.
Đau đớn thể xác chỉ là tức thì nhưng lớn hơn nữa là đau đớn về tinh thần. Chị đã tự vượt qua bằng đôi gánh bánh xèo, vừa để trang trải chi phí thuốc men cho anh, vừa nuôi 3 đứa con trưởng thành theo giảng đường Đại học.
Chị là Phạm Thị Liên, ở thôn 6 xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Chị bén duyên với anh cũng bắt đầu từ tình yêu sau lũy tre làng. Những ngày chăn trâu, cắt cỏ, gặt lúa, hái rau, anh chị đã nảy sinh tình cảm và quyết định tiến tới hôn nhân.
Lập gia đình từ năm 1986, rồi ba đứa con lần lượt ra đời. Hai gái, một trai, gia đình chị trở thành kiểu mẫu gia đình hạnh phúc được nhiều người ngưỡng mộ. Từ trong khó khăn, xây dựng tổ ấm gia đình từ hai bàn tay trắng, cả hai anh chị đều chăm chỉ làm ăn, tiết kiệm từ củ sắn củ khoai, từ cân muối để xây nhà và nuôi con khôn lớn. Như thấu hiểu công lao cha mẹ, cả 3 đứa lớn lên đều ngoan ngoãn, khôi ngô, lanh lợi.
Tai họa ập xuống kể từ năm 1991, chồng chị anh Hoàng Minh Hạ bỗng dưng mắc bệnh tâm thần. Cuộc đời chị và các con như bước sang một trang mới, đớn đau - khổ cực. Con nhỏ, chồng bệnh, tất cả gánh nặng đều đổ dồn lên vai chị Liên. Cũng từ đây những trận đánh vô cớ bắt đầu giáng lên đầu chị.
Chủ yếu là ban đêm. Lúc chị và các con đang say nồng giấc ngủ thì anh tự dưng đánh đập. Khi thì bằng tay không, thậm chí dùng cả những chiếc gậy to để đánh. Anh không thể ý thức được việc làm của mình. Thời gian đầu, chị nhẫn nhịn cũng là vì thương chồng, thương con. Thậm chí, có khi bị đánh đau khắp mình mẩy, nằm không nằm được, nhưng chị đều im lặng.
Nhiều đêm nằm khóc ướt đẫm gối, chị nghĩ, số kiếp khổ như vậy rồi, có lên tiếng cũng không làm được gì. Nhất là khi mùa hè đến, nắng nóng, anh khó chịu, bứt rứt trong người. Chị phải cảnh giác liên tục. Vừa làm việc, chị lại phải canh chừng anh. Thấy anh bình thường, ngủ được, ăn được, đi chơi vui vẻ được là chị mừng.
Còn nếu thấy anh tâm thần bất ổn, mắt mũi lừ đừ, chị lại thấy lo tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào. Không chỉ đánh đập, anh còn chửi bới ầm ỹ, gây mất trật tự cả xóm làng. Những lúc ấy chị lại phải nhẹ nhàng khuyên nhủ, dỗ dành như với những đứa trẻ thơ để tĩnh an anh dừng lại.
Không chỉ có nỗi đau thể xác mà lớn hơn là nỗi đau tinh thần- nỗi đau đã gặm nhấm tâm hồn chị bao nhiêu lâu. Ban ngày đi làm, chị quên đi tất cả nhưng những lúc rỗi, tất cả lại hiện về rõ mồn một.
52 tuổi, 24 năm chăm chồng bệnh tật, nuôi con ăn học thành đạt nhưng chưa bao giờ chị Liên kêu ca vất vả, khó nhọc. |
Nếu bỏ chồng, lương tâm chị sẽ cắn rứt, chị sẽ trở thành người thất đức, chị không thể làm được điều đó. Nếu tiếp tục sống vì chồng, vì con, liệu chị có thể cáng đáng được không và làm bằng cách nào. Tất cả như một phép toán hóc búa, không một lời giải nào thuyết phục được. Chị thấy phía trước cuộc đời tất cả đều tối tăm mịt mù. Chị lại nhớ về những ngày hạnh phúc bên anh, bên các con. Và ngọn lửa tình yêu đã thắp sáng cho tâm hồn chị. Chị đã tìm được lối thoát nhờ tình yêu thương sâu thẳm của con người, của tình nghĩa vợ chồng và gia đình.
Có khi quá khó khăn, chị khuyên nhủ anh nên đi làm chế độ để được hưởng lương của nhà nước. Nhưng anh bảo “anh là con của Bác Hồ nên không chịu đi làm, có giấy chứng nhận họ lại bảo anh bị bệnh thần kinh nên anh không chịu làm.” Cứ như vậy, cuộc sống khốn khó, vất vả cứ qua đi. Chị Liên một mình lầm lũi không kể ngày, không kể đêm cố gắng vẹn toàn với các con và người chồng bệnh tật.
Hàng xóm láng giềng thương cho hoàn cảnh gia đình chị, khuyên đưa anh vào bệnh viện tâm thần. Nhưng chị cố thuốc thang chạy chữa và chăm sóc tại nhà vì chị muốn anh được sống trong sự bao che, ấm áp của gia đình. Chị chăm bẵm anh như một đứa trẻ. Từ giấc ngủ, bữa cơm chị đều chu tất. Chưa bao giờ chị để cho chồng phải mặc một tấm áo rách hay các con phải nhịn một bữa sáng để đi học. Hàng xóm láng giềng thường nhìn vào nghị lực vượt khó của chị và thành tích học tập của các con chị để phấn đấu.
Trước đây, gia đình có nghề làm muối, với sức lực của cả 2 vợ chồng nên cuộc sống không đến nỗi khó khăn, nhưng từ khi anh bị bệnh, cái nghề nặng nhọc này không giúp chị nuôi nổi gia đình, từ đó nghề làm bánh xèo đã theo chị đến bây giờ như cái duyên, cái nghiệp của cuộc đời.
Nghề làm bánh xèo thật vất vả, hầu như ngày nào chị cũng phải quần quật từ sáng đến tối, hết xay bột, rồi làm nhân bánh… Chị như chạy đua với thời gian và sức lực. Mỗi ngày, từ gánh bánh xèo chị thu lãi từ 50- 70 ngàn đồng, số tiền ít ỏi đó giúp chị có tiền mua thuốc cho chồng, nạp tiền học cho con. 24 năm qua, chị trở thành trụ cột chính trong gia đình, trở thành điểm tựa tinh thần cho chồng con. Tần tảo, lam lũ, vượt qua bao khó nhọc gian truân, đến nay chị đã gặt hái những quả ngọt.
Các con chị, con gái đầu Hoàng Thị Thanh đã học xong trường Đại học An ninh đang công tác tại TP Hồ Chí Minh. Cháu thứ 2 Hoàng Ninh Bình tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế Quốc dân hiện công tác tại Hà Nội, và cô gái út cũng đang học tại một trường Đại học ở Đà Lạt. Mỗi tháng vừa tích góp từ gánh bánh xèo vừa vay mượn, chị phải lo đủ trên 4 triệu đồng tiền học cho các con.
Vất vả là thế nhưng khi hỏi về các con, nét mặt chị lại rạng ngời hạnh phúc. Chị tâm sự, đứa con gái từ xa gọi điện cho chị đầu bảo: “Chị ơi chị có biết em sợ nhất chi không, chị bảo không, em sợ nhất là nước mắt của mẹ.” Vì vậy 3 đứa con của chị chuyện gì cũng cố gắng tự giải quyết, không hề làm phiền hà đến mẹ. Suốt những năm tháng học xa nhà, cả 3 đứa đều giành cho mẹ những phần thưởng là những suất học bổng giành cho sinh viên xuất sắc.
52 tuổi, 24 năm chăm chồng bệnh tật, nuôi con ăn học thành đạt nhưng chưa bao giờ chị Liên kêu ca vất vả, khó nhọc, mà ngược lại chị còn làm chỗ dựa cho chồng, cho con. Cảm phục nghị lực phi thường của chị, Hội phụ nữ xã Diễn Kỷ đã lấy tấm gương chị để các hội viên khác học tập, vừa tạo mọi điều kiện tốt nhất để giúp chị vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Tình nghĩa cộng đồng và sự trưởng thành của các con đã giúp chị quên đi mọi vất vả và trên khuôn mặt chị nụ cười luôn rạng rỡ. Dường như nụ cười của chị đã trở thành nguồn động viên chồng con và giúp chị vượt qua khó nhọc của đời thường. Hiểu được hoàn cảnh của chị, nên người đến mua bánh xèo rất đông và cũng có thể bánh xèo của chị ngon bởi vì trong từng chiếc bánh đều chứa đựng tất cả những tình nghĩa, nỗi lòng, sự khéo léo và nghị lực vượt khó của một người mẹ hiền, vợ đảm.