Trong khi phương án đưa gốc sưa “khủng” vào trưng bày tại bảo tàng đang được UBND tỉnh Quảng Bình cân nhắc, dư luận đặt ra câu hỏi: người phát hiện gốc sưa trên liệu có được xem xét công lao?
Như đã thông tin, thay vì đưa gốc sưa nặng hơn 2 tấn bán đấu giá, UBND tỉnh Quảng Bình đang xem xét phương án giao Sở NN&PTNT tỉnh, trực tiếp là lực lượng kiểm lâm, quản lý và bảo quản tốt hiện trạng gốc cây để trưng bày trong bảo tàng, phục vụ công chúng.
Kết quả giám định cho thấy đây là loại sưa mộc vàng, có trọng lượng là 2.140kg. Sau khi có kết quả giám định chủng loại và trọng lượng, gốc sưa đã được đưa về lại Hạt kiểm lâm huyện Bố Trạch để chờ các bước xử lí tiếp theo.
Ông Đặng Minh Hùng, Chi cục phó Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang hoàn thành hồ sơ để chuyển giao cho Sở Tài chính tham mưu lên UBND tỉnh về việc xử lí gốc sưa như thế nào”.
Đề xuất đưa gốc sưa “khủng” vào trưng bày tại bảo tàng để phục vụ khách tham quan ngoài dư luận ủng hộ cũng có không ít ý kiến trái chiều. Có người cho rằng, với một tỉnh nghèo như Quảng Bình nên bán đấu giá để có thêm vốn đầu tư xây dựng trường học, trạm xá…
Liên quan đến việc xem xét trích thưởng cho người có công phát hiện, một lãnh đạo huyện Bố Trạch cho hay, khi phát hiện được mà người dân chủ động trình báo cho chính quyền thì sẽ xét đến công lao. Tuy nhiên, trong trường hợp này, hai cha con ông Thời đã bí mật tìm cách trục vớt nhưng bất thành, sau đó, bị lực lượng chức năng phát hiện, bởi vậy rất khó để xét đến công và trích thưởng.
Gốc sưa “khủng” đang được bảo quản cẩn thận tại Hạt kiểm lâm Bố Trạch |
Trước đó, tối ngày 23/2, hai cha con ông Nguyễn Văn Thời (60 tuổi) và Nguyễn Văn Huy (ở thôn 1 Phúc Đồng, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) trong lúc đi rà cá ở khu vực ngầm Troóc đã phát hiện được gốc sưa cổ thụ này.
Sau khi phát hiện ra gốc sưa nằm dưới lòng suối, ông Thời đã gọi thêm anh em, họ hàng cùng giúp sức trục vớt gốc sưa. Nhóm người của ông Thời đã vớt được tổng cộng gần 50kg gỗ sưa và đưa đi cất giấu. Sự việc được phát giác, các cơ quan chức năng vào cuộc và sau hai ngày đã trục vớt được gốc sưa “khổng lồ” nặng hơn 2 tấn bị mắc kẹt dưới lòng suối. Theo dư luận tại địa phương, một đầu nậu buôn gỗ trong vùng đã bỏ ra gần 900 triệu đồng “mua” công của cha con ông Thời để được hưởng phần trăm giá trị tài sản sau khi bán đấu giá theo quy định.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, một giảng viên, tiến sĩ luật tại TP.HCM cho rằng, khúc gỗ sưa vừa được trục vớt chỉ là tài sản thông thường không phải là tài nguyên quốc gia thuộc sở hữu của Nhà nước. Khúc gỗ được tìm thấy trong trường hợp này thuộc loại không có hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu.
“Do đó, căn cứ khoản 2 Điều 240 BLDS năm 2005 quy định về việc xác lập quyền sở hữu đối với vật bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy, sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản, quyền sở hữu đối với vật đó được xác định đối với cha con ông Thời sẽ được tính bằng tổng giá trị 10 tháng lương tối thiểu do Nhà Nước quy định + 50\% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước”, vị tiến sĩ luật này phân tích.
Song với diễn biến mới nhất, việc trích thưởng cho cha con ông Thời là khó có thể xảy ra và nguy cơ đầu nậu buôn gỗ có máu mặt ở địa phương này trắng tay là gần như chắn chắn.
Theo Khám Phá