Đối với người Nhật, mèo không chỉ là vật nuôi đơn thuần để trông giữ nhà bếp khỏi chuột. Loài mèo tồn tại lâu đời trong văn hóa của người Nhật, được tin là mang đến may mắn và những điều tốt đẹp.
Mèo có mặt trong mọi ghi chép lịch sử của Nhật Bản nhưng không ai biết chính xác khi nào và bằng cách nào chúng có mặt tại đảo quốc này. Nhận định được ủng hộ nhiều nhất là những chú mèo đầu tiên đã đi theo con đường tơ lụa từ Ai Cập đến Trung Quốc và Hàn Quốc, và sau đó đến Nhật Bản bằng đường thủy.
Chúng đến với tư cách là những kẻ canh gác cho các cuốn kinh Phật quý giá được viết trên giấy vellum hoặc như món quà đắt tiền được trao đổi giữa các hoàng đế. Nhiều khả năng là cả hai điều này đã xảy ra vào những thời điểm khác nhau.
Trong văn hóa dân gian Nhật Bản, có nhiều câu chuyện dân gian về mèo. Truyền thuyết nổi tiếng nhất là mèo thần tài (Maneki Neko) đã cứu mạng hai vị samurai khỏi nguy hiểm. Ngoài ra, loài vật này cũng xuất hiện trong những bức tranh dân gian của Nhật.
Trong cuộc sống thường ngày, người Nhật Bản rất yêu những đồ vật dễ thương. Loài mèo cũng không ngoại lệ, mang một nét dễ thương rất đặc biệt bắt nguồn từ tập tính của chúng. Người Nhật gọi nét dễ thương này là tsundere. Từ “tsun” có nghĩa là kiêu ngạo và quý phái, còn từ “dere” là nũng nịu.
Sự quý phái và kiêu ngạo xuất phát từ bản tính nhút nhát và khó gần, cẩn trọng của loài mèo. Tuy nhiên, chúng cũng khá dễ thương và đôi khi hơi nũng nịu ở những lúc không ngờ tới.
Không chỉ được nuôi tại các gia đình, mèo xuất hiện ở khắp mọi nơi trong đời sống thường ngày của người Nhật. Chính vì sự mê mèo tới phát cuồng nên những hoạt động kinh doanh về mèo rất ăn nên làm ra tại đất nước mặt trời mọc. Ngoài việc xuất hiện dưới dạng mèo thần tài (maneki neko) được đặt ở hầu hết các quán xá, với mong muốn mọi công việc của doanh nghiệp thuận lợi và ăn nên làm ra, mèo còn có mặt khắp nơi với những hình ảnh bắt mắt dễ thương.
Cụ thể tại Nhật có hẳn 1 chuyến tàu Shinkansen với tên gọi “Hello Kitty” với hình ảnh cô mèo Hello Kitty được trang trí khắp từ bên ngoài vào bên trong của tàu.
Không chỉ có mặt trong kinh doanh, mèo còn là chủ đề trong lễ hội của người Nhật, vào ngày 22/2. Lễ hội bắt nguồn từ năm 1987 từ ý tưởng của một công ty thức ăn cho mèo tại Nhật. Trong tiếng Nhật "22/2 hay 2, 2, 2" được gọi là "ni, ni, ni" và biến âm thành "nyan, nyan, nyan" vốn là tiếng kêu của mèo.
Cách phát âm này cũng giống với cách gọi các ninja của Nhật Bản. Vì vậy trong ngày này nhiều người mặc các trang phục ninja, thậm chí ở công sở. Đây cũng là dịp người dân bày tỏ tình yêu dành cho loài vật này theo nhiều cách, bên cạnh việc ăn các món có hình mèo.
Tại Nhật Bản, mèo còn có hẳn 1 "quốc đảo" riêng. Đến với đảo Aoshima thuộc tỉnh Ehime, Nhật Bản, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên vì số lượng mèo tại đây nhiều hơn cả người ở trên đảo. Tính trung bình tại đảo Aoshima cứ 15 người dân là có đến hơn 100 chú mèo.
Bích Thảo(T/h)
Ảnh: KCP International