Lịch sử của bữa trưa tại trường học Nhật Bản
Vào năm thứ 22 của thời đại Meiji (1889), chương trình “kyushoku” (bữa trưa trường học) đầu tiên đã được phục vụ tại một trường tiểu học thuộc thành phố Tsuruoka, tỉnh Yamagata. Bữa trưa khi ấy bao gồm những món ăn vô cùng đơn giản như cơm nắm, cá nướng và củ cải muối, nhưng nó vẫn cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho những học sinh không đủ khả năng mang theo bữa trưa của riêng mình. Chương trình này nhanh sóng nhận được những đánh giá tích cực và dần dần được nhân rộng ra khắp mọi nơi tại Nhật Bản.
Tuy vậy, chương trình ăn trưa tại trường học bắt đầu bị gián đoạn do ảnh hưởng mà Thế chiến thứ hai mang lại. Sau cuộc chiến, bắt đầu từ năm 1947, các bữa ăn được khôi phục và được phục vụ thêm các sản phẩm từ sữa và lúa mạch do Mỹ tài trợ. Hai năm sau đó, UNICEF cũng tài trợ miễn phí sữa bột cho toàn bộ trường tiểu học tại Nhật Bản.
Bắt đầu từ ý tưởng cung cấp cho các học sinh nghèo một bữa ăn đầy đủ mỗi ngày, giờ ăn trưa dần dần trở thành một phương pháp giáo dục học sinh về sức khỏe và hành vi.
Học sinh tự phục vụ
Các học sinh làm nhiệm vụ phục vụ bữa ăn trưa sẽ đội một chiếc mũ đầu bếp màu trắng, đeo tạp dề hoặc mặc áo màu trắng và có thể sẽ đeo khẩu trang để phòng ngừa bệnh dịch.
Các học sinh khác sẽ lần lượt đi ngang qua các "nhân viên nhí" với khay đồ ăn của mình và nhận các món ăn từ những người bạn. Sau đó những em nhỏ sẽ trở về bàn và ăn trưa.
Khi các em về chỗ ngồi, các em đặt khay đồ ăn của mình lên tấm khăn nhỏ mà các em đã mang từ nhà để tránh làm bẩn mặt bàn.
Ngoài ra, trên bàn của các học sinh còn có một gói khăn giấy bỏ túi, một chiếc khăn lau tay nhỏ và một chiếc cốc. Học sinh mang theo những vật dụng này từ nhà. Các món đồ được đặt trong một chiếc túi nhỏ treo bên hông ba lô.
Gần đây, một số trường học ở Nhật Bản đã yêu cầu học sinh mang theo bàn chải đánh răng để đánh răng sau bữa trưa. Các giáo viên cũng ăn bữa trưa tại bàn của họ cùng với học sinh.
Thực đơn bữa trưa có gì?
Bữa trưa của học sinh Nhật Bản thường có cơm, súp, salad, món thịt hoặc cá và một hộp sữa 200ml. Ngoài ra, mỗi tháng, sữa ca cao hoặc sữa chua uống cũng được thêm vào khẩu phần ăn.
Món cơm hiếm khi chỉ là cơm trắng. Thay vào đó, cơm sẽ được thêm nấm hoặc tảo bẹ wakame. Ngoài ra học sinh còn được ăn cơm rang hoặc cơm thập cẩm. Thỉnh thoảng các em nhỏ cũng được ăn mì.
Bánh mì ngọt xuất hiện trong bữa trưa khoảng một tháng một lần. Món tráng miệng được phục vụ một hoặc hai lần một tuần, thường là một phần trái cây, đôi khi là thạch hoặc bánh pudding.
Món súp thường là súp miso nhưng cũng có các món súp khác của Nhật Bản hoặc súp bí đỏ kiểu phương Tây và súp trứng kiểu Trung Quốc. Salad xuất hiện trong bữa ăn của hầu hết các ngày và có nhiều loại như salad giá đỗ, salad kiểu Pháp, salad khoai tây. Tuy nhiên, tất cả các nguyên liệu cho món salad, ngay cả dưa chuột, đều được nấu chín để phòng ngừa virus.
Chi phí bữa trưa là bao nhiêu?
Cha mẹ học sinh sẽ trả tiền cho bữa ăn trưa ở trường của con cái họ nhưng chi phí ăn trưa của học sinh không quá cao, chỉ khoảng 40.000 VNĐ một bữa ăn ở lớp một, lớp hai và 50.000 VNĐ cho bữa ăn của các con ở cấp trung học cơ sở.
Các trường học ở Nhật Bản nhận thức rất rõ về dị ứng thực phẩm. Giấy tờ nhập học của học sinh sẽ bao gồm thông tin bệnh dị ứng của trẻ nhỏ. Các trường học sẽ phục vụ đồ ăn cho một đứa trẻ bị dị ứng bằng cách chuẩn bị bữa trưa cho trẻ với các món ăn không có thành phần gây dị ứng. Món ăn sẽ có dán tên của học sinh trên đó.
Việt Hương (T/h)