Chuyên gia pháp lý cho rằng, các cán bộ sở GD&ĐT Sơn La khai nhận 1 tỷ đồng trong mỗi trường hợp nâng điểm, do vậy có đầy đủ yếu tố cấu thành tội Nhận hối lộ.
Giám đốc sở GD&ĐT nhận sai rồi lại đổi lời khai
Đại diện VKSND tỉnh Sơn La cho biết, theo kết luận điều tra vụ gian lận điểm thi THPT Quốc gia năm 2018, 8 người bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356, Bộ luật Hình sự 2015, gồm: Trần Xuân Yến (cựu Phó giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Sơn La); Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng); Cầm Thị Bun Sọn (cựu Phó trưởng phòng Chính trị tư tưởng); Đặng Hữu Thủy (cựu Phó hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu); Lò Văn Huynh (cựu Phó trưởng phòng Khảo thí sở GD&ĐT Sơn La); Nguyễn Thanh Nhàn (cựu Phó trưởng phòng khảo thí sở GD&ĐT Sơn La); Đinh Hải Sơn (cựu Thiếu tá, nguyên Đội phó đội Giáo dục, phòng An ninh chính trị nội bộ) và Đỗ Khắc Hưng (cựu Trung tá, cán bộ phòng An ninh chính trị nội bộ).
Ngày 28/5, ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã quyết định kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với ông Trần Xuân Yến và 7 bị can nói trên.
Theo các bị can khai, mỗi trường hợp nâng điểm là 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo VKSND tỉnh Sơn La cho rằng, thông tin này không chính xác và đây chỉ là lời khai một phía của bị can, chưa đủ căn cứ để buộc tội.
Ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Sơn La (áo trắng) nghe tống đạt quyết định khởi tố bị can (Ảnh: Tuổi trẻ) |
Cũng theo kết luận điều tra, cơ quan An ninh điều tra triệu tập, xác minh đối với ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, Phó trưởng ban thường trực ban chỉ đạo thi, Chủ tịch Hội đồng thi, Trưởng ban coi thi, Trưởng ban chấm thi THPT Quốc gia năm 2018 tỉnh Sơn La để làm rõ động cơ, mục đích việc nhận thông tin từ người thân thí sinh, trực tiếp thí sinh hoặc thông qua người trung gian khác. Ông Đức thừa nhận trước khi chấm thi, có một số trường hợp là lãnh đạo cơ quan trên địa bàn tỉnh; cán bộ Sở và ngoài xã hội có con, em dự thi tìm gặp ông đưa thông tin cá nhân nhờ “xem trước kết quả thi” cho thí sinh. Ngày 28/6/2018, ông Đức gọi Trần Xuân Yến đến phòng làm việc và đưa cho ông Yến 2 tờ danh sách có nội dung thông tin cá nhân của 8 thí sinh trên và nhờ Yến xem điểm trước.
Về động cơ, mục đích, ông Đức khai chỉ nhận và chuyển thông tin cá nhân 8 thí sinh để nhờ ông Yến giúp “xem điểm thi” cho những thí sinh này, chứ không được hưởng lợi về vật chất từ người chuyển thông tin thí sinh cũng như từ gia đình các thí sinh. Ông Đức thừa nhận theo quy chế thi, có bộ GD&ĐT mới có thẩm quyền công bố điểm cho các thí sinh. Do vậy, việc ông Đức cung cấp thông tin cá nhân của 8 thí sinh cho ông Yến trước khi Bộ công bố là sai, vi phạm quy chế thi. Tuy nhiên, sau đó ông Đức thay đổi lời khai, phủ nhận nội dung đã khai, cho rằng không nhận hay đưa thông tin thí sinh cho Trần Xuân Yến.
Để rộng đường dư luận, PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia pháp lý.
Có nhận thì phải có đưa hối lộ
Theo luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (đoàn Luật sư TP.HCM), việc cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La vừa kết thúc điều tra vụ án gian lận thi cử, chuyển hồ sơ sang VKSND tỉnh đề nghị truy tố 8 bị can về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356, BLHS là chưa đúng bản chất của vụ việc, chưa đúng với việc định tội danh.
“Theo tôi, việc định tội danh theo Điều 356, BLHS là rất có lợi cho các bị can nhưng lại chưa đúng với bản chất sự việc. Hơn nữa mức án từ 5 năm đến 10 năm là không đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung”, luật sư Bình nói. Cũng theo luật sư Bình, ở đây phải đề nghị truy tố các bị cáo và những người đưa tiền tội danh Đưa hối lộ và Nhận hối lộ.
Bởi lẽ, Điều 354 quy định: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm”. Trong đó, khoản 4, Điều này quy định: “Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”.
Trong khi mỗi trường hợp nâng điểm, các cán bộ sở GD&ĐT Sơn La khai nhận 1 tỷ đồng, vì vậy, chiếu theo quy định của pháp luật, các hành vi của bị cáo có đầy đủ yếu tố để cấu thành tội Nhận hối lộ.
“Bên cạnh đó cần phải điều tra, làm rõ có hay không việc Giám đốc sở GD&ĐT Sơn La có hành vi nhận hối lộ để thực hiện chỉ đạo việc nâng điểm. Nếu có căn cứ cần xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật”, luật sư Bình nói.
Mua điểm cho con là đưa hối lộ
Đồng tình với quan điểm này, Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: Khi cơ quan điều tra đã có chứng cứ chứng minh là các đối tượng sửa điểm vì tiền, số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Đồng thời thí sinh được sửa điểm, nâng điểm là do phụ huynh, gia đình đã chi tiền thì động cơ mục đích của vụ án hành vi sửa điểm, nâng điểm là đã rõ. Bản chất của vụ án ở đây là mua bán, chạy điểm, chạy trường chứ không chỉ đơn thuần là vi phạm do chủ quan nóng vội hoặc do nể nang mà làm trái công vụ.
Phụ huynh có hành vi mua điểm cho con có thể bị xử lý về tội Đưa hối lộ theo Điều 364, BLHS 2015. Cụ thể, người nào có hành vi trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào như tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác sẽ phạm tội Đưa hối lộ.
Nếu đưa 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc lợi ích phi vật chất để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, người đưa hối lộ bị phạt tiền 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Hình phạt cao nhất tới 20 năm tù nếu của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên.
Tuy nhiên, nếu người đưa hối lộ chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Trong trường hợp người đưa tiền là đưa qua khâu trung gian thì người trung gian sẽ bị xử lý về tội Môi giới hối lộ.
Luật sư Cường phân tích thêm, trường hợp người đưa tiền không biết người có chức vụ quyền hạn trong việc là chủ thể tác động vào kết quả thi là ai, chỉ đưa tiền cho người trung gian có chức vụ quyền hạn, để nhờ người đó tác động đến người có chức vụ quyền hạn nào đó để sửa điểm, nâng điểm (không rõ người cụ thể nào) thì vụ việc này chỉ xử lý người đã nhận tiền về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 355, BLHS.
Nếu người nhận tiền là người có chức vụ quyền hạn, nhận tiền để làm sai công vụ (sửa điểm, nâng điểm) thì rõ ràng đây là hành vi nhận hối lộ chứ không thể là hành vi vi phạm nào khác và phải khởi tố, xử lý về tội Nhận hối lộ theo Điều 354, BLHS thì mới đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Nếu chứng minh được hành vi nhận tiền để làm sai công vụ mà không xử lý về tội Nhận hối lộ, chỉ xử lý về tội danh và yếu tố vật chất (chiếm đoạt tài sản, trục lợi về tài sản) sẽ giải quyết ở giai đoạn 2, tách vụ án, tách rút tài liệu để xử lý sau thì e rằng một hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý 2 lần hoặc xử lý không đúng tội danh, không đúng với nguyên tắc của luật.
Luật sư Cường cũng cho rằng, cơ quan tiến hành tố tụng cần sớm điều tra, làm rõ hành vi của những người đưa tiền nhờ “chạy điểm”, nếu đủ căn cứ xử lý về tội đưa hối lộ thì cần phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra về hành vi Đưa hối lộ theo quy định tại Điều 364, BLHS năm 2015, đảm bảo nguyên tắc công bằng, đúng pháp luật và đảm bảo răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
TƯ VIỄN