(ĐSPL)- Nghi lễ cúng vía và tục “buộc vía” đã tồn tại từ rất lâu đời trong đời sống của một số đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều “thầy” tử vi, tướng số đã biến tướng phong tục này thành những “chiêu” kiếm bộn tiền.
Tục cúng vía, “buộc vía” bị lạm dụng một cách thái quá, dẫn đến phong tục tốt đẹp trở thành trò bịp của những kẻ hám lợi.
Thầy mo và nỗi sợ “con ma rừng bắt vía”
Đã nhiều lần công tác tại các tỉnh miền núi phía Bắc, PV báo Đời sống và Pháp luật đã từng được nghe cán bộ địa phương kể về tục cúng vía và “buộc vía” của người dân tộc thiểu số. Theo phong tục ở một số địa phương như Lào Cai, Yên Bái..., khi đứa trẻ mới chào đời sẽ được làm lễ cúng vía, còn những người già thì được các thầy cúng “buộc vía” để khỏi lạc. Theo quan niệm của họ, khi “vía lạc” rời khỏi thân xác thì người đó sẽ bị ốm đau triền miên.
Chia sẻ với PV báo Đời sống và Pháp luật, bà Lê Thị Thu Hà- Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu (Yên Bái) cho hay: “Tục cúng vía của người Mông ở Yên Bái giống như một liệu pháp tinh thần nhằm hạn chế sự hoang mang dao động trong tâm lý con người khi gặp những chuyện bất thường. Người Mông quan niệm rằng, có những thế lực siêu nhiên giúp họ giải quyết được những công việc ngoài khả năng của con người”.
Hồn theo tiếng Mông là "chua lua" còn vía là "plỳ". Người Mông nơi đây cho rằng, hồn giống như cái bóng của mỗi con người, khi rọi ánh đèn vào người thì bảy chiếc bóng sẽ cùng lúc hiện ra, hồn luôn luôn đi theo con người trong suốt thời gian con người còn sống trên dương thế. Nếu, ma đã “bắt mất vía” thì người ta sẽ bị ốm đau, quặt quẹo dần mà chết. Vì vậy, đối với những người gặp phải điềm gở, họ mời thầy cúng đến cúng trừ tà ma, yểm bùa giữ vía cho người gặp điềm gở.
Trước khi làm lễ cúng vía, người nhà phải đi “ăn xin” bà con họ hàng, làng bản gạo rượu, tiền xu... để làm lễ giúp tai qua nạn khỏi. Lễ vật dùng để cúng vía gồm hai mâm xôi, thịt gà, rượu, giấy vàng mã, tiền xu, hai miếng vải nhỏ màu trắng và một chiếc áo của người bị ma bắt vía. Sau đó, “thầy mo” sẽ cúng ma nhà, ma rừng xin không bắt vía người đó nữa và cầu xin sức khỏe cho người bệnh. Sau khi cúng xong, “thầy mo” lấy miếng vải trắng đã chuẩn bị trên mâm cúng rồi dùng ấn tín trừ tà của mình chiện lên miếng vải trắng khâu thành hình chữ thập vào lưng áo trên mâm cúng. Khâu xong thì đính ba đồng tiền lên hình chữ thập. ý nghĩa của hình bùa chú này là giữ được vía của người ở lại.
Theo tìm hiểu của PV, cũng giống như người Mông, người dân tộc Thái quan niệm hồn vía luôn gắn với thân xác. Khi hồn vía lìa khỏi thân xác thì người đó luôn phải sống trong cảnh ốm đau, bệnh tật, thậm chí tai ương. Vì thế, đặc biệt với người già, lễ “buộc vía” (buộc sợi chỉ đỏ lên tay) được xem là “bùa hộ mệnh” cho họ. Đây còn gọi là nghi lễ cầu an. Khi người già bị ốm lâu ngày, người nhà sẽ phải mời “thầy cúng” về làm lễ “gọi vía” về không để “lạc vía”.
Trao đổi với PV, GS. Ngô Đức Thịnh - Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho biết: “Tục “buộc vía” (buộc chỉ đỏ vào cổ tay) của người dân tộc thiểu số không phải là mê tín dị đoan. Đây chỉ là một tập tục cầu an của họ. Tập tục này giúp họ vững tin ở đời sống tinh thần. Ngay kể cả người Kinh cũng luôn quan niệm, con người có “vía nặng” (vía dữ), “vía nhẹ”. Nhà có trẻ sơ sinh, sau khi có người “vía dữ” đến thăm ngay lập tức trẻ quấy khóc và phải đốt vía. Bởi vậy mới có hiện tượng đốt vía ngay cả trong hoạt động buôn bán, kinh doanh”.
|
Tục cúng vía là một tín ngưỡng của người dân tộc Thái- ảnh P.Thiệu.Tục cúng vía là một tín ngưỡng của người dân tộc Thái- ảnh P.Thiệu. |
Phải chăng “vía” là một dạng năng lượng sinh học?
Trong quá trình tìm hiểu về tục cúng vía, “buộc vía” của người dân tộc miền núi, PV đã tình cờ được tiếp cận với một “nạn nhân” của “thầy cúng”. Chị Nguyễn Thị V. (Thanh Trì, Hà Nội) ngậm ngùi chia sẻ, gia đình chị gần đây liên tiếp xảy ra nhiều chuyện buồn, đen đủi, bà ngoại mất, em trai mất, chồng mất việc, gia đình lục đục... Thấy nhiều người giới thiệu về “cô đồng” tên Minh ở huyện Văn Giang, Hưng Yên có tài giải trừ tai ương, chị V. đã tìm đến, nhờ “cô đồng” xem giúp vận hạn và giải trừ mọi kiếp nạn. Khi vừa đặt lễ, “trình bày hoàn cảnh”, “cô đồng” Minh đã vội phán: “Cô đi đến đâu là gieo rắc tai ương đến đó. Cô là người có... “mệnh ác”, “nặng vía” nên đem lại đen đủi cho cả gia đình”.
Để dẫn câu chuyện về tai ương mà chị V. gây ra cho gia đình, “cô đồng” Minh dẫn chứng: “Chỉ sau ngày cô về quê thăm bà ngoại là bà ngoại cô qua đời. Bà ốm đau nằm liệt giường, uống thuốc sẽ kéo dài thêm nhiều năm nhưng vì cô “nặng vía” đã “kéo vía” của bà “lạc” đi. Cũng vì cô “nặng vía” nhưng lại là người trang trí giường cưới cho em trai nên vô tình cô đã “kéo vía” của em cô rời hỏi thân xác. Và, kết cục em cô đã bị tai nạn giao thông mà chết.” Không dừng lại ở đó, “cô đồng” Minh còn bảo rằng, do có công trình đường liên thôn làm gần nhà, việc đào đường đã làm đứt long mạch khiến gia đình chị V. luôn gặp chuyện không may. Để chống lại sự ảnh hưởng tiêu cực từ “mệnh ác” mà chị V. có thể mang đến cho người thân, “cô đồng” đã bán cho chị một loại “bùa hộ mệnh” được làm bằng bạc với hình thù lục lăng.
Nghe “cô đồng” phán, một thời gian dài chị V. luôn sống trong sự dằn vặt, đau khổ. Chị V. vẫn tin là do mình “nặng vía” nên đã gieo tai ương cho người thân. Đau đớn, dằn vặt, chị V. đã tìm đến gặp một vài “thầy” tử vi khác. Cũng có “thầy” phán rằng, chị V. không hợp tuổi, hợp mệnh với một số người trong gia đình nên khi chị V. càng quan tâm thì những người đó sẽ gặp tai họa. Bản tính chị V. hay cả nghĩ, nhưng vì lời “cô đồng” Minh phán trùng hợp với cái chết của hai người trong gia đình. Để cầu bình an, may mắn đến cho mọi người trong gia đình, chị V. đã nghe theo “cô đồng” Minh, làm những khoá lễ giải hạn linh đình, ngót nghét cả trăm triệu. Thế nhưng, chỉ sau khi làm khoá lễ giải hạn được một ngày, cậu con trai năm tuổi của chị bị tai nạn giao thông. May thay, cháu bé chỉ bị gãy chân. Sợ hãi, chị V. không biết phải tin vào đâu. Hàng loạt câu hỏi tại sao, vì sao cứ liên tiếp xuất hiện, giằng xé suy nghĩ của chị.
Chị V. tự giày vò bản thân: “Không lẽ tôi là một người chuyên gieo rắc tai họa?”.
Trao đổi với PV, TS. Nguyễn Trường Luyện (viện Vật lý Kỹ thuật, ĐH Bách khoa) cho hay: “Vía hay còn gọi là năng lượng sinh học trong cơ thể con người là một dạng điện bẩm sinh. Nhờ có điện bẩm sinh nên sinh vật mới di chuyển và truyền cho nhau những tín hiệu riêng biệt của từng loài. Với những người được cho là “nặng vía” khiến trẻ con khóc và có thể gây tai họa cho người khác có thể giải thích bằng khoa học. Người ta đã chụp được một nguồn năng lượng sinh học tồn tại quanh cơ thể con người. Những người khỏe mạnh, có năng lượng lớn sẽ khiến những người yếu (có nguồn năng lượng kém hơn) cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Đó cũng là lý do không phải đứa trẻ nào gặp người lạ cũng quấy khóc. Khi hai nguồn năng lượng sinh học tiếp xúc với nhau, người có năng lượng yếu có thể xuất hiện triệu chứng hoảng sợ, mệt mỏi, mất tự tin. Tuy nhiên, tôi khẳng định, không có chuyện người “nặng vía” có thể gieo tai ương cho người khác. Đó chỉ là “chiêu” moi tiền của những “thầy cúng”, “thầy tử vi” đang “đánh cắp niềm tin” của người dân vào những “chiêu bài tâm linh”.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-nang-via-gieo-tai-uong-va-chuyen-deo-bua-ho-menh-tru-ta-a39580.html