Không ít người chọn một cái nghề để gắn đời mình vào nhằm mục đích kiếm cơm nhưng nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán thì chẳng vì mục đích ấy, dù ông rất nghèo. Với ông, được cầm máy, được chụp nhân vật, được bắt trọn khoảnh khắc tâm đắc là điều hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời.
Người ghi chân dung nghệ sĩ bằng ảnh
Nguyễn Đình Toán là một tên tuổi quen thuộc không chỉ trong giới nhiếp ảnh mà hầu như dân văn nghệ đều biết và hiểu tính cách của ông. Ông chụp rất nhiều nhân vật nổi tiếng, đặc biệt là văn nghệ sĩ. Có lẽ vì thế, đồng nghiệp thường gọi ông bằng cái tên mĩ miều “ông vua chụp chân dung nghệ sĩ”.
Đã có nhiều người nhận xét rằng, Nguyễn Đình Toán chụp ảnh đúng như “chất lính” của ông với sự chịu đựng gian khổ, với tất cả kiên cường và nỗ lực. Ảnh chân dung của Nguyễn Đình Toán phong phú và sinh động, dữ dội và bình yên diễn tả được những nét nổi bật thần thái, tính cách, phong cách, hoàn cảnh... của nhân vật.
Trong số văn nghệ sĩ, ông đặc biệt yêu quý nhạc sĩ Văn Cao. Đến với Văn Cao, ông chụp bằng cả tấm chân tình. Mỗi bức ảnh là tình yêu, là sự kính trọng mà ông dành cho một nghệ sĩ lớn và một nhân cách lớn, từ yêu nhạc và yêu thơ. Chân dung Văn Cao được Nguyễn Đình Toán chụp từ nhiều góc độ suốt hơn chục năm ròng. Nhưng nhiều nhất là trong khoảng 3 năm từ 1991 đến 1993.
“Văn Cao là một trong những nghệ sĩ đầu tiên trong sự nghiệp chụp ảnh chân dung văn nghệ sĩ của tôi. Và tôi thấy đây là cơ duyên may mắn cho tôi khi “khởi nghiệp” bằng một người vĩ đại, rất khó nắm bắt cái hồn. Nhờ ông, tôi chụp ảnh chân dung tốt hơn rất nhiều. Tôi bắt đầu chụp ảnh nhạc sĩ Văn Cao từ năm 1987. Năm ấy, tôi đi làm ở đường Phùng Hưng, đến buổi trưa nghỉ rỗi tôi lại qua nhà ông Văn Cao. Tôi chơi với con trai ông Văn Cao nên thường qua lại, thành quen thân với gia đình và ông Văn Cao. Và điều đặc biệt nhất khi chụp ảnh Văn Cao là ông không bao giờ hỏi xem ảnh. Nên sau này mỗi khi tôi đến, ông chỉ gật đầu chào, không nói câu gì, mà cứ làm mọi việc, ngồi viết, hút thuốc, uống rượu, ngẫm nghĩ một mình, mặc tôi chụp ảnh. Cứ 9h sáng tới 15h, tôi tới nhà ông, ông lặng lẽ suy tư, uống rượu và tôi chụp”, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán chia sẻ.
“Nhiều người khi xem những khoảnh khắc của nhạc sĩ Văn Cao nghĩ ông ấy đang diễn nhưng thật ra tất cả đều là những hoạt động ngày thường của ông ấy. Đến bây giờ tôi vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc khi được chứng kiến và được ghi lại bằng hình ảnh tất cả những khoảnh khắc biểu cảm của con người đặc biệt đó”, ông Nguyễn Đình Toán xúc động nhớ lại.
Bức ảnh cuối cùng Nguyễn Đình Toán chụp Văn Cao là vào ngày 3/7/1995 khi nhạc sĩ đang trong bệnh viện Hữu nghị Việt Xô và trên chiếc bàn cạnh đó là những đóa hoa sen trắng đang dần tàn do nghệ sĩ điêu khắc Lê Liên tặng.
Theo chia sẻ của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán, lúc ấy, bà Nghiêm Thúy Băng, vợ nhạc sĩ Văn Cao nhất định không cho ông Toán chụp. “Vì người cũng như hoa, đều đã tàn tạ hết cả, bà Băng lúc đó nói với tôi, song tôi vẫn quyết chụp vì Văn Cao cũng như đóa sen trắng ấy, trọn đời thanh bạch, dâng hương cho đời”, nhà nhiếp ảnh gia xúc động nhớ lại.
Những bức ảnh lịch sử
Đến giờ, mỗi khi nhắc đến nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán, người ta vẫn nhắc đến bức ảnh lịch sử giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhạc sĩ Văn Cao. Bức ảnh đó được Nguyễn Đình Toán chụp đã rất lâu nhưng chỉ sau khi Đại tướng mất ông mới cho in. Sau này, bức ảnh không chỉ là những là tư liệu quý của Việt Nam mà của cả quốc tế. Đó là hình ảnh một Vị tướng huyền thoại của thế kỷ 20 và một người lập nên hồn nước qua ca khúc Tiến quân ca trở thành Quốc ca. Bức ảnh không những là chân dung đẹp, mà còn là ngôn ngữ nhiếp ảnh đẹp, một khoảnh khắc quý mà không ai có được.
Nhớ lại về hoàn cảnh chụp bức ảnh lịch sử, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán bồi hồi: “Ngày mùng 5 Tết Nhâm Thân (1992), tôi đến nhà ông Văn Cao chơi và được gia đình mời ngày hôm sau đến chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngày hôm sau, dù giờ hẹn là 15h nhưng tôi đã chuẩn bị mọi thứ rồi đến từ 14h. Lúc đó, ông Văn Cao đã mặc sẵn quần áo nghiêm chỉnh và đang uống rượu. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến, ông gật đầu chào rồi vào ngồi. Họ đến gặp nhau giản dị vô cùng.
Sau đó, Đại tướng và nhạc sĩ cùng nói chuyện, vợ của hai ông cũng nói chuyện với nhau. Và bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng nhạc sĩ Văn Cao ngồi trầm ngâm ra đời. Sau này, khi ngắm nhìn bức ảnh, nhiều người vẫn nói với tôi, bức ảnh buồn quá. Đứng trước bức ảnh, độc giả cũng thấy tâm trạng khó tả. Đại tướng và nhạc sĩ Văn Cao ngồi lặng lẽ bên nhau. Cả hai đều không có ý thức được rằng đang có người chụp mình. Họ như đang đắm vào hồi ức, một câu chuyện quá khứ nào đó, không khí trầm buồn lắm. Tôi đã bắt ngay khoảnh khắc ấy. Tôi đã chụp hàng chục kiểu nhưng khi về chỉ lọc được ra 2 bức ưng ý”.
Và sau buổi hôm đó, mối lương duyên để Nguyễn Đình Toán chụp những khoảnh khắc lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt đầu. “Tôi có điều kiện được chụp Đại tướng nhiều hơn khi tôi công tác tại tạp chí Xưa và Nay của hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Thời ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Chủ tịch danh dự nên đó là cơ hội để tôi chụp Đại tướng trong những cuộc làm việc với lãnh đạo hội. Đại tướng cũng là người rất cởi mở với mọi người nên việc chụp ảnh không khó khăn gì.
Năm 2004, kỷ niệm 50 năm chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng có lên thăm chiến trường xưa. Lúc đó, tôi linh cảm rất có thể đây là lần trở lại cuối cùng của Đại tướng nên muốn lên đó bằng mọi giá. Đã có nhiều khó khăn xảy ra trước ngày tôi chuẩn bị lên Điện Biên nhưng tôi vẫn quyết tâm thực hiện bằng được chuyến đi. Tôi quyết định bỏ tiền túi mua vé máy bay để lên đó. Tôi hiểu đó là cơ hội cho mình.
Không ai biết và bản thân Nguyễn Đình Toán cũng không tự biết mình đã chụp tổng cộng bao nhiêu bức ảnh. Với ông, được cầm máy, được bắt trọn những khoảnh khắc mà ông tâm đắc là niềm hạnh phúc lớn của cuộc đời người nhiếp ảnh nghèo.
Chúng tôi nói lời tạm biệt nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán khi trời đã nhá nhem tối. Chuyện về người nghệ sĩ nhiếp ảnh nghèo có lẽ còn rất dài. Và cứ thế theo từng khoảnh khắc mỗi ngày, ông Nguyễn Đình Toán sẽ nối thêm những bức ảnh tái hiện lịch sử như một sự khởi đầu của cuốn chuyện hồi ký.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán sinh năm 1947 tại Hà Nội. Ông đã thực hiện các triển lãm: Triển lãm cá nhân Văn Cao 18 năm trước (2013); Triển lãm chung Điện Biên Phủ - Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp qua các tác phẩm nghệ thuật (2014); Triển lãm cá nhân Nhạc trưởng trưng bày 51 bức ảnh của 30 nhạc trưởng (2017); Triển lãm chung Đại tướng Võ Nguyên Giáp (2019). |
Đỗ Chang
Bài đăng báo in Đời sống & Pháp luật số gộp: 7 số: Số 11+12+13+14 + Số 3+4 (Chủ Nhật) + Số 3 (Tháng)