(ĐSPL) - Năm nay, cụ Hoàng Văn Đồng (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) đã 95 tuổi, cái tuổi mà người đời vẫn thường nói là “gần đất xa trời”, trận chiến Điện Biên Phủ cách đây hơn 60 năm vẫn được cụ kể một cách rành rọt và đầy cảm xúc…
Ký ức Điện Biên
Có lẽ, những ai lần đầu tiên gặp cụ Hoàng Văn Đồng đều ngỡ ngàng bởi ngoại hình và trí nhớ minh mẫn của cụ. Nhiều người hóm hỉnh, hình như cụ không có tuổi. Trên người cụ như hội tụ đầy đủ hình ảnh của người lính dạn dày trận mạc với tác phong và cử chỉ nhanh nhẹn, dứt khoát.
Giọng đầy tự hào, cụ Đồng cho biết: “Tôi đã 66 năm tuổi Đảng, từng tham gia hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, trong đó có trận chiến Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và 18 năm làm chuyên gia quân sự, bộ đội tình nguyện trên đất nước bạn Lào”.
Cựu chiến binh Hoàng Văn Đồng. |
Cụ kể, tuổi thơ của cụ lớn lên đầy mưa bom bão đạn, từng chứng kiến biết bao cảnh tang thương, chết chóc với người dân nước Nam vô tội. Chính cuộc sống đã hun đúc nên chàng trai đất Quảng một tình yêu quê hương nồng nàn.
Tháng 8/1945, chàng thanh niên Hoàng Văn Đồng tham gia du kích và cướp chính quyền tại phủ Quảng Ninh. Cũng trong tháng 10 năm đó, ông gia nhập lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Bình, là một trong những đội viên đầu tiên của Chi đội Lê Trực (tiền thân Trung đoàn 18 sau này) Nam tiến vào chiến đấu tại đường 9- Nam Lào.
Thời gian này, bộ đội thiếu thốn, khổ cực trăm bề, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Sốt rét hoành hành nhưng thuốc men thì khan hiếm, trong 5 người sốt rét chỉ nhận được 2 viên thuốc ký ninh, nghiền ra rồi pha loãng với nước chia đều cho 5 người dùng chung. Khó khăn, cực khổ là vậy nhưng các chiến sỹ luôn lạc quan, yêu đời.
Cụ Đồng hóm hỉnh chia sẻ: “Hồi ở Lào gian khổ lắm, gần tết có một đoàn phụ nữ của tỉnh Thừa Thiên - Huế sang thăm các chiến sỹ đang chiến đấu tại Lào. Khi tiếp đón đoàn chỉ có khoảng chục người, thấy lạ các chị em liền hỏi: Các anh chỉ chừng này người thì làm sao đánh thắng giặc?
Người trung đội trưởng trả lời: Đơn vị chúng tôi có nhiều người lắm nhưng hôm nay đi công tác đột xuất. Nghe thấy cuộc trao đổi, những chiến sỹ còn lại chỉ chực phì cười bởi thực chất, áo quần của các chiến sỹ bị rách, bèn nghĩ cách dồn lại cho đủ mười bộ quần áo nguyên vẹn để tiếp khách. Những người còn lại thì vào rừng “ẩn nấp””.
Chính từ trong gian khổ, những chiến sỹ của Chi đội Lê Trực ngày nào đã dần trưởng thành, vang danh khắp chiến trường Trung Trung Bộ. “Một trong những chiến công vang dội nhất của Chi đội Lê Trực là trận Xuân Bồ gắn liền với tên tuổi của anh hùng, liệt sỹ Lâm Úy”, cụ Đồng tự hào chia sẻ.
“Năm 1950, tôi ra Việt Bắc, được cử làm Đại đội phó của đơn vị bảo vệ Bộ Tổng tham mưu. Sau đó, tôi được cử sang Trung Quốc học quân sự rồi về làm chính trị viên Đại đội 924, Trung đoàn 174. Lúc này tôi tham gia đánh trận A1 lần thứ nhất vào ngày 30/3, đến trưa 31/3, bộ đội chỉ chiếm được nửa đồi A1.
Tôi nhớ, trong trận này, bị thương ở lưng phải điều trị tại bệnh viện Mường Phăng. 20 ngày sau vết thương vừa lên da non, tôi đã trốn trở lại đơn vị. Khi Đại đội trưởng bị thương nặng, tôi phụ trách chỉ huy đại đội. Đêm, bộ đội đào hào giao thông nống lên đồi A1. Ngày, lính Pháp với địa hình thuận lợi, trang bị hỏa lực mạnh phản công đánh bật bộ đội ra, cho lấp lại hết các tuyến giao thông hào”, cụ Đồng hào hứng nhớ lại trận chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Bộ Quốc phòng tặng Phù điêu chiến thắng Điện Biên cho cụ Đồng nhân dịp 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. |
Nhớ về vị tướng già của dân tộc, cụ Đồng kể tiếp: “Khi đánh đồi A1 lần đầu không được, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 của chúng tôi đánh cứ điểm đồi A1 phải mất đến 35 ngày đêm, 4 đợt tổ chức tấn công với rất nhiều thương vong. Lúc ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí lãnh đạo đã chuyển phương châm chiến lược sáng suốt từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”, cuối cùng chiến thắng vang dội nhờ khối bộc phá ngàn cân được công binh điểm hỏa ngay trong lòng A1.
Với một tập đoàn cứ điểm kiên cố, trang bị vũ khí hiện đại, tương quan lực lượng địch mạnh hơn ta rất nhiều thì dự định giải quyết trong 3 ngày đêm như kế hoạch ban đầu là không tưởng. Chiến dịch vì thế chuyển sang đánh chắc, tiến chắc trong suốt 55 ngày đêm”.
Cho đến tận bây giờ trong lòng người lính già vẫn không quên cảm giác khi đối mặt với quân địch trong những thời khắc cam go và quyết định nhất: “Cực khổ nhất cũng ở tuyến đầu Điện Biên Phủ, sướng nhất cũng ở tuyến đầu Điện Biên Phủ vì khi đã áp sát bao vây đồn địch, các chiến sỹ dùng phương pháp bắn tỉa, mỗi khi diệt được đồn giặc, chúng tôi thoải mái dùng lương thực của giặc nào thịt hộp, bánh mỳ, kẹo bánh... Có đêm trận địa của đại đội thu đến 21 chiếc dù tiếp tế của địch”.
Sáng ngày 6/5, Trung đoàn của cụ Đồng được lệnh rút khỏi đồi A1 chờ khối bộc phá ngàn cân rung nổ. “Lúc đó, chúng tôi hiểu rằng, sau tiếng nổ của khối thuốc trong lòng đồi A1, số phận quân đội viễn chinh Pháp đã được định đoạt. Khắp trận địa, cờ trắng xuất hiện ngày càng nhiều, lính Pháp lũ lượt kéo nhau ra đầu hàng. Trên khắp lòng chảo Điện Biên lúc ấy đều vang lên tiếng hò reo của quân đội ta “Chiến thắng rồi”, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh tung bay trên nóc hầm tướng Đờ-cát–tơ–ri”, cụ Đồng cho biết thêm.
Lần thứ hai bén duyên với vùng đất lịch sử
Cụ Hoàng Văn Đồng lập gia đình năm 20 tuổi. Mối lương duyên giữa anh bộ đội Cụ Hồ và cô thôn nữ xinh đẹp đã được bén duyên trong lần gặp gỡ đầu tiên. Năm nay cụ Đoàn Thị Rụy đã ngoài 90 nhưng vẫn còn khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Nói về cuộc sống vợ chồng những năm tháng chiến tranh, cụ Rụy cho biết: “Thời ấy, con gái trong làng lấy được bộ đội là hãnh diện lắm nhưng phải chịu cảnh chồng thường xuyên chinh chiến trận mạc xa nhà. Khoảng thời gian từ khi lấy nhau đến năm 1958 chúng tôi có với nhau ba người con, một mình tôi tự tay chăm sóc và nuôi nấng chúng nên người”.
Chiến thắng Điện Biên Phủ được hai năm, lãnh đạo cử Đại đoàn 316 trở lại chiến trường xưa để xây dựng khu kinh tế mới. Lúc này, cụ Đoàn Thị Rụy gửi các con lại cho người thân rồi theo chồng lên mảnh đất Điện Biên Phủ đầy duyên nợ và thấm đẫm tình người.
Luôn được nhân dân tin yêu, kính trọng Trong thời gian về nghỉ hưu ở quê nhà Quảng Bình, cụ Đồng được bầu làm Chủ tịch hội Cựu chiến binh xã, rồi Chủ tịch hội Nông dân… Ở vị trí nào, cụ cũng đảm nhiệm tốt vai trò của mình và được nhân dân tin yêu, kính trọng. |
“Thời gian này, vợ chồng tôi cùng tham gia lao động, sản xuất trong các nông trường, cùng nhân dân trồng chè, lúa, ngô, khoai... Đến tháng 9/1959, tôi được cử sang Lào làm Trưởng ban tổ chức Đoàn 959, từ đây đến 18 năm về sau tôi sống trên đất nước Triệu voi. Năm 1978, tôi trở về nước với quân hàm Trung tá”, cụ Đồng kể lại.
Hiện nay cụ Đồng vẫn còn lưu giữ những tư liệu lịch sử về chiến thắng Điện Biên Phủ do chính tay cụ viết. Mỗi lần các trường học trong huyện mời cụ đến nói chuyện cho học sinh nghe về chiến thắng Điện Biên Phủ, cụ đều nhận lời và kể chuyện một cách hăng say, thu hút hàng nghìn em học sinh chăm chú theo dõi. Đó có lẽ là những bài học lịch sử dung dị nhưng vô cùng ý nghĩa mà các em được học, được nghe.
Ngày mai, cả đất nước Việt Nam sẽ kỷ niệm 61 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, như là sự tri ân đối với những anh hùng đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc. Trong chiến tranh, cụ Đồng là hiện thân anh bộ đội Cụ Hồ chiến đấu dũng cảm và can trường. Khi đất nước hòa bình, cụ là tấm gương sáng để thế hệ con cháu mai sau học tập và noi theo.
NGÔ HUYỀN - KIM THOA
Xem thêm video: Sức mạnh pháo binh Việt Nam ở Điện Biên Phủ