+Aa-
    Zalo

    Người lao động làm gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Ai bảo vệ quyền lợi người lao động? Ai giúp họ biết cách bảo vệ quyền lợi của mình một cách hợp pháp, chính đáng để không xảy ra những sự cố đáng tiếc?

    (ĐSPL) - Ai bảo vệ quyền lợi người lao động? Ai giúp họ biết cách bảo vệ quyền lợi của mình một cách hợp pháp, chính đáng để không xảy ra những sự cố đáng tiếc?

    Kính gửi: Báo Đời Sống & Pháp Luật!

    Tôi là bác sĩ tại một bệnh viện nhà nước. Ngoài thời gian làm việc 7h/ngày của 4 ngày 1 tuần, tôi tham gia trực 2 ngày 1 tuần với thời gian 24h/ngày như vậy tổng thời gian làm việc trong tháng là 28+ 48 = 76h/tuần.

    Mức lương tôi được hưởng là 2,34 x 1.050.000VNĐ + phụ cấp ngành 30\% tiền trực 100.000VNĐ/24h

    Như vậy, cơ quan sử dụng lao động có vi phạm pháp luật về thời gian làm việc hay không?. Tôi phải làm gì để bảo đảm quyền lợi chính đáng của mình?.

    Rất mong nhận được hồi âm.

    Xin chân thành cảm ơn!

    Trần Phương Nam <[email protected]>

    Người lao động làm gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình?

    Xin tư vấn cho bạn

    Quy định về thời gian làm việc, làm thêm giờ, làm tăng ca, làm việc ban đêm theo Bộ luật lao động mới nhất Luật số 10/2012/QH13 và Nghị định 45/2013/NĐ-CP

    1. Quy định về thời gian làm việc bình thường:

    Theo điều 104 Luật số 10/2012/QH13 - Bộ luật lao động quy định:

    a. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.

    b. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần .

    Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.

    c. Thời giờ làm việc không quá 06 giờ trong 01 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

    2. Quy định về Giờ làm việc ban đêm:

    - Giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

    (Theo điều 105 Luật số 10/2012/QH13)

    3. Quy định về thời gian làm thêm giờ:

    Theo điều 4 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/05/2013 quy định:

    a. Số giờ làm thêm trong ngày được quy định như sau:

    - Không quá 50\% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; khi áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày;

    - Không quá 12 giờ trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần.

    b. Việc tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm được quy định như sau:

    - Các trường hợp sau đây được tổ chức làm thêm:

        + Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản;

       + Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;

       + Các trường hợp khác phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn.

    - Khi tổ chức làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quản lý nhà nước về lao động tại địa phương.

    c. Thời gian nghỉ bù theo Điểm c Khoản 2 Điều 106 của Bộ luật lao động - Luật số 10/2012/QH13 được quy định như sau:

    - Sau mỗi đợt làm thêm tối đa 07 ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động nghỉ bù số thời gian đã không được nghỉ;

    - Trường hợp không bố trí nghỉ bù đủ số thời gian thì phải trả lương làm thêm giờ theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật lao động.

    4. Quy định về thời giờ nghỉ ngơi

    Theo điều 3 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/05/2013 quy định: Thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương gồm:

    - Nghỉ trong giờ làm việc theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.

    - Nghỉ giải lao theo tính chất của công việc.

    - Nghỉ cần thiết trong quá trình lao động đã được tính trong định mức lao động cho nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người.

    - Thời giờ nghỉ mỗi ngày 60 phút đối với lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

    - Nghỉ mỗi ngày 30 phút đối với lao động nữ trong thời gian hành kinh.

    - Thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của người lao động.

    - Thời giờ học tập, huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động.

    - Thời giờ hội họp, học tập, tập huấn do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc được người sử dụng lao động đồng ý.

    - Thời giờ hội họp, học tập, tập huấn do công đoàn cấp trên triệu tập cán bộ công đoàn không chuyên trách theo quy định của pháp luật về công đoàn.

    - Thời giờ làm việc được rút ngắn mỗi ngày ít nhất 01 giờ đối với người lao động cao tuổi trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu.

    Theo thông tin bạn cung cấp, về thời gian làm việc bình thường của bạn là 7h/ngày, theo quy định là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

    Còn thời gian trực, bạn cho biết là có 2 ngày trong tuần bạn phải làm 24h/ngày. Như vậy, cơ quan sử dụng lao động có thể đã vi phạm pháp luật về thời gian làm thêm giờ. Theo quy định của pháp luật về số giờ làm thêm trong ngày được quy định như sau:

    - Không quá 50\% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; khi áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày;

    - Không quá 12 giờ trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần.

    Như vậy, để bảo vệ quyền lợi của mình, bạn có thể liên hệ với tổ chức Công đoàn của Bệnh viện để nhận được sự giúp đỡ hoặc các cơ quan quản lý nhà nước.

    Kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2013, Nghị định 43/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Điều 10 của Luật công đoàn về quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động chính thức có hiệu lực thi hành.

    Đối tượng áp dụng:

    1/ Tổ chức công đoàn các cấp trong hệ thống công đoàn theo quy định tại Điều 7 của Luật công đoàn.

    2/ Công chức, viên chức, công nhân và người lao động.

    3/ Đơn vị sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc thực hiện quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

    Nghị định quy định các nội dung sau:

    - Quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc hướng dẫn, tư vấn cho người lao động về quyền, nghĩa vụ của người lao động khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với đơn vị sử dụng lao động.

    - Quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể.

    - Quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc tham gia với đơn vị sử dụng lao động xây dựng và giám sát việc thực hiện thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động.

    - Quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc đối thoại với đơn vị sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động.

    - Quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật cho người lao động.

    - Quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc tham gia với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động.

    - Quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc kiến nghị với tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể lao động hoặc của người lao động bị xâm phạm.

    - Quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể lao động bị xâm phạm; đại diện cho người lao động khởi kiện tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị xâm phạm và đuợc người lao động ủy quyền.

    - Quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc đại diện cho tập thể người lao động và người lao động tham gia tố tụng trong vụ án lao động, hành chính, phá sản doanh nghiệp.

    - Quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc tổ chức và lãnh đạo đình công.

    - Quyền, trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

    - Quyền, trách nhiệm của công đoàn cấp trên.

    Trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan:

    Đơn vị sử dụng lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để công đoàn các cấp thực hiện quyền, trách nhiệm trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động quy định tại Nghị định 43/2013/NĐ-CP.

    Luật gia Đồng Xuân Thuận

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-lao-dong-lam-gi-de-bao-ve-quyen-loi-chinh-dang-cua-minh-a99237.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.