+Aa-
    Zalo

    Người giữ "hồn" đàn cổ giữa phố thị Cao Bằng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ông bảo đàn Tính chừng ấy năm càng gẩy, càng nghe và mân mê với những thớ gỗ, cung nhạc các ngón đàn cũ càng ngấm, càng hiện ra, từng chút một thanh âm nắn nót như xưa...

    Chúng tôi ghé đến "xưởng" đàn của ông vào một buổi chiều muộn, gọi là xưởng có phần hơi quá bởi nó chỉ là căn mái lợp nằm mãi trên tận tầng 3, lụp xụp và chất đầy những vỏ bầu to nhỏ...

    Giữa phố thị ồn ã, ở căn nhà đó người ta nghe được tiếng đục, tiếng cưa lách cách, cùng điệu dạo nhạc rân rẩn buồn từ cây đàn Tính. Một chút xưa cũ xen lẫn hoài niệm tiếc nuối về loại danh cầm mang tên "Tính tẩu" để rồi người đàn ông ấy ngày qua ngày mê mẩn, âm thầm gìn giữ những tinh hoa trong nghiệp chế tạo ra nó. Ông là Đàm Văn Đào -  một trong những người thợ làm đàn Tính cuối cùng trên thành phố Cao Bằng.

    Người giữ
    Ông Đào bên những cây đàn của mình

    Nặng lòng với cây đàn Tính

    Trong ngôi nhà nhỏ thuộc phường Sông Hiến (TP. Cao Bằng) nằm khuất nẻo khỏi những ồn ã phố thị, người ta vẫn thấy ông Đàm Văn Đào hàng ngày kỳ cụi đục đẽo những trái bầu già, gọt tỉa chúng thành hàng chục, hàng trăm cây đàn Tính. Đàn chất đầy một xó để rồi ông chẳng bán mà thi thoảng ngồi đánh, nghêu ngao những điệu hát tí tách vui tai.

    Khi mới nghe qua, chúng tôi bất giác giật mình và hình dung trong tâm tưởng một ông lão có phần kỳ dị với thú đam mê "chẳng giống ai".  Ấy vậy mà, có tiếp xúc qua mới thấy mọi sự suy tưởng đã nhầm. Dù ở trong cái ngưỡng tuổi ngoại lục tuần nhưng ông Đào vẫn khiến người đối diện thấy ông còn tráng kiện lắm. Mái tóc pha sương phất phơ điểm những sợi trắng, tay thoăn thoắt đẽo gọt những thớ gỗ chắc lịm cho chúng thành hình, thành khuôn. Trên gương mặt đăm chiêu phúc hậu ấy, ẩn sâu đôi mắt của ông lão toát là lên nét man mác trầm buồn. Ông Đào có cách nói ví von, cách mở chuyện khá thoải mái rằng "đừng hỏi gì vội, hẵng cứ xem tôi làm đã", để rồi đến khi hợp chuyện ông có thể nói một mạch cả ngày không hết.

    Nghe kể, ông Đào mê cây đàn Tính từ thủa nhỏ. Cái sự mê mẩn với loại "đàn 3 dây" cũng có xuất phát điểm từ gia đình. Ông nói tổ tiên nhà ông cũng từng giữ nghiệp xướng ca và làm đàn trong suốt triều nhà Mạc. Để rồi đến đời cha ông Đào, nghề cũ nghiệp xưa chẳng còn, có chăng lúc rỗi rãi ông cụ đem đàn ra gẩy vui, cắt xẻ những quả bầu già cho đỡ quên nghiệp tổ truyền.

    Cũng chính cái sự nhấm nhẳng trong nỗi nhớ với cây đàn Tính, cậu bé Đàm Văn Đào thủa ấy đã học mót được cái thứ nghề chân truyền của gia đình. Có độ thanh niên, khoảng năm 1976 khi còn trong quân ngũ Đào nhớ đàn Tính đến mức tự tạo một cây đàn nhỏ rồi đêm đêm tí tách gẩy giải khuây.

    Những ngày ấy, ông Đào cầm trên tay cây đàn Tính rồi nghêu ngao hát đủ mọi làn điệu dân ca như một gã lãng du xứ núi. Đồng đội xúm quanh nghe ông hát đông lắm, thế nhưng chẳng mấy ai biết trong tâm tưởng đầy cất nghệ sỹ của con người ấy đang từng ngày bùng cháy lên khao khát làm sống và phổ biến lại loại nhạc cụ tổ truyền mang tên "Tính tẩu".

    Năm 2004 sau khi chính thức nghỉ hưu, ngày ngày sống trong cuộc sống nhàn rỗi, tẻ ngắt, thậm chí nói theo cách của ông là: "Tôi nghỉ làm mà chẳng biết phải làm gì, rầu tay buồn chân lắm". Thế rồi, trong một chuyến đi qua đèo Mã Phục, thấy bà con bán một quả bầu tròn đã khô, như được tổ tiên nhắc bảo, ông dừng lại hỏi mua để đem về làm đàn.

    Ban đầu ông cũng chỉ nghĩ làm vài cây để đánh chơi, trải buồn. Thế nhưng cái ước mong ở thủa còn trong quân ngũ nó cứ nhấm nhẳng dâng lên trong tâm tưởng, chẳng kịp nghĩ, ông Đào mang đàn ra một số cửa hàng nhạc cụ giới thiệu. Tiếc thay, những cây đàn ông làm ra thời điểm khi ấy nó lạ hoắc, chẳng ai biết đến nó nên thẳng thừng bị từ chối.

    Giữa lúc đang chán nản, bế tắc nhất, như có mối duyên kỳ ngộ đến khó tin, chiếc đàn Tính do ông Đào làm lại đến được tay một người hiếm hoi còn quan tâm, nghiên cứu đàn Tính là Nghệ sỹ ưu tú Quỳnh Nha. Chung tình yêu với cây đàn Tính, điệu hát then, người nghệ sỹ ấy đã tìm gặp chủ nhân cây đàn để "đặt vấn đề" phát triển cây đàn Tính.

    Cứ như thế, từ cơ duyên ấy xưởng đàn bé nhỏ của ông Đàm Văn Đào mỗi tháng cho ra hàng chục cây đàn Tính đủ mọi kích cỡ to nhỏ. Với "vốn" làn điệu hát then phong phú cùng những cây đàn đủ âm, chuẩn sắc, xưởng đàn của ông Đào luôn là địa chỉ đặt hàng tin cậy với những nghệ sỹ, những con người mê loại nhạc cụ dân tộc này.

    Khi biết lầm tưởng của tôi rằng đàn ông làm ra chỉ có thể được chất ở… xó nhà, người nghệ nhân già cười một tràng sảng khoái và khẳng định: "Đàn làm chẳng kịp bán làm sao lại để trong kho được, đàn có chất một đống nhưng là phơi để chỉnh dây, chỉnh âm lần cuối trước khi người ta đến lấy. Những đơn đặt hàng từ Hà Nội, Lạng Sơn thậm chí ở Bình Phước, Tp. Hồ Chí Minh gọi ra lấy mỗi lần dăm ba chục chiếc tôi nào có dám nhận bởi chẳng đủ sức và thời gian làm. Mỗi cây đàn làm ra phải chuẩn tiếng và làm hoàn toàn thủ công, có thế mới tốt được". Chẳng kịp giải thích nhiều, ông Đào luôn tay xoa xoa một thứ chất keo nhờn nhợt lên những vỏ bầu thành phẩm miệng bắt đầu hướng dẫn tôi cách làm đàn Tính cặn kẽ, chẳng chút giấu giếm.

    Công phu một thứ nghề

    Làm đàn Tính công phu và rất "kén" người, ông Đào khẳng định chắc nịch với tôi như vậy. Điều đó không hẳn thiếu căn cứ, bởi để cho ra một cây đàn Tính gọi là "chuẩn" nó phải trải qua hàng chục khâu đoạn nếu không ghi lại chắc chẳng mấy ai nhớ hết cặn kẽ. Chẳng hạn, chỉ riêng việc chọn bầu và sơ chế cũng "ngốn" không dưới khoảng thời gian 20 ngày.

    Bầu khi còn trên giàn phải lựa kỹ những quả tròn đều, không bị ong châm, kiến chích. Bầu để già cho đến khi gõ vào nghe được những tiếng kêu đanh thì cắt, mang về ngâm nước cho phần ruột chín nhừ. Trong lúc ngâm nước chờ cho ruột bầu "chín" phải thải loại những quả bầu có vỏ quá mỏng. Sau nhiều ngày ngâm nước, bầu được đem phơi trong bóng râm, và nhất thiết không được le lói chút ánh nắng nào.

    Lý giải điều này, ông Đào cho hay: "Không được phơi nắng, phơi nắng khiến vỏ bầu nó sẽ co hết. Bầu phơi khoảng hơn 2 chục ngày rồi lại ngâm nước vôi tiếp để vỏ bầu săn lại, để cái âm nó phát ra chuẩn đanh chứ không ngâm ngẩm như một người bị chẹn cổ, chẳng phát ra được". Trước ánh mắt đầy hoài nghi của tôi về phương pháp chọn và ngâm bầu, lão nghệ nhân già cười khà khà rồi giảng giải: "ngày trước người già bảo tao đấy chứ".

    Ông Đào với tay đưa cho tôi một nửa quả bầu rồi bật mí: "Nếu muốn bán đàn cho người ta thì hôm nay mình lồng dây rồi để dây nó căng ra. Thế nhé, cậu cứ để đấy rồi 24 giờ sau mình điều chỉnh lại để lấy cái âm chuẩn". Lấy như thế nào để được âm chuẩn? - tôi bất ngờ đặt câu hỏi. Thì ra, " âm chuẩn" theo cách ví dụ của người thợ đàn này cũng khá đặc biệt. Khi muốn lấy âm chuẩn của đàn ghi ta thì người ta phải so dây với đàn organ. Riêng đối với đàn Tính âm chuẩn hay không phải dựa trên kinh nghiệm và cái tai biết thẩm thấu của người thợ đàn.

    Theo cách nói như vậy, hẳn nhiên muốn có được cây đàn tốt, thanh âm chuẩn thì người thợ còn phải là người biết hát các điệu then, những quãng âm, nhạc lý cơ bản. Điều này có phần nào khác so với những nghệ nhân chế tạo nhạc cụ mà tôi từng may mắn gặp qua như cụ Đào Soạn ở làng đàn Đông Lỗ (Ứng Hòa, Hà Nội), những người thợ tài hoa ấy phần lớn giỏi chế tạo đàn chứ các giai điệu và cách chơi chưa hẳn đã tinh thông. "Hôm nay mà lên dây rồi thì ngày mai mình phải kiểm tra lại dây, mình so lại nếu quãng nào nó không chuẩn thì lại phải đục lỗ lại, so dây lại. Lần thứ hai so dây là để chỉnh lỗ, một cây đàn chỉ được gọi là hoàn thành khi những khâu cuối cùng là chỉnh âm 2, 3 ngày. Cậu nhớ nhé, những cái lỗ đó tự mình đục thôi, đục bằng tay" - ông Đàm Văn Đào nhấn mạnh.

    Chút tài lưu lại cho đời

    Tiếng lành về người thợ làm đàn Tính còn sót lại ngay trong lòng thành phố Cao Bằng vang xa. Từ cái duyên hội ngộ với nghệ sỹ Quỳnh Nha, ông Đàm Văn Đào được nhiều người biết, tìm đến học và mua đàn cũng nhiều hơn.

    Quơ tay với lấy cây đàn Tính treo gọn nơi góc nhà, ông Đào bỗng lặng thinh, chẳng nói thêm lời nào nữa. Thế rồi, lần lượt các giai điệu từ "ính lả ơi" của miền Tây Bắc, "lưu thủy", thậm chí một vài bài nhạc đỏ được ông Đào gẩy lên, điệu đàn cứ hun hút như mê hoặc lòng người, nghe qua một lần lại muốn tiếp tục nghe mãi. Tay ngưng tiếng đàn, ông bộc bạch: "Cách đây ít ngày, có hai cô giáo rủ nhau đến tôi xin học gẩy đàn Tính, thế nhưng, mình vừa nhìn là biết nó không lấy được cái điệu đàn của mình, cái tay nó không bấm được".

    Phải chăng học cách chơi đàn Tính và làm đàn đều "kén" người? Không rõ có thực như vậy không nhưng có một điều ông Đào liên tục nhắc lại với tôi rằng: "Người nóng tính sẽ chẳng bao giờ làm được đàn Tính". Cũng có thể điều ông Đào nói là đúng bởi ngay cả con ông, cháu ông chẳng mấy ai ưa thích cái thú làm đàn cổ của ông.

    Khi tôi hỏi người thợ đàn già rằng liệu mai này ông không còn, thì những kinh nghiệm của ông, những tinh hoa kỹ thuật trong chế tạo đàn Tính sẽ như thế nào? Ông Đào chẳng đáp, ngồi lặng thinh ôm cây đàn suy tưởng. Thế rồi, ông lảng sang chuyện bảo tồn.

    Chẳng là, ông Đào cũng là một trong số những thành viên tích cực của Hội Bảo tồn Văn hóa Dân tộc Cao Bằng. Cái chuyện bảo tồn và phổ biến các "vỉa trầm tích" văn hóa như cây đàn Tính hẳn nhiên ông vui mừng và mong đợi lắm.

    Thế nhưng cũng đôi lúc, trong tâm tưởng của người thợ đàn này chất chứa suy tưởng mà chẳng thể giãi bày cùng ai. Mãi đến khi thân thiết, khề khà bên chén rượu, ông mới ít nhiều trải lòng: "Nói thật với cậu nhé, như mấy cái ông hay gọi đàn Tính là "Tính tẩu" theo tôi là không phải. Vì sao ư? vì "Tính tẩu" nếu dịch ra tiếng người Tày như thế là rốn, là núm của quả bầu thôi. Theo tôi thì chỉ nên gọi nó là cây đàn Tính. Mà thật lòng, khi cái từ bảo tồn nó đã không đúng rồi thì dĩ nhiên các giai điệu của nó cũng không đúng. Tôi thấy, các điệu hát then giờ bị pha trộn nhạc đỏ vào nên ít nhiều cũng không còn thấy bóng hình điệu then cổ nữa".

    Nhìn vào đôi mắt trĩu nặng suy tư của ông Đào, bất giác khiến người đối diện giật mình. Ông nói rằng khi tay chạm vào dây đàn Tính ông thấy bản thân mình lạc lõng, bỡ ngỡ như người mới lần đầu biết nghe, biết gẩy điệu then. Chừng ấy năm càng gẩy, càng nghe và mân mê với những thớ gỗ, cung nhạc các ngón đàn cũ càng ngấm, càng hiện ra, từng chút một thanh âm nắn nót như xưa...

    Linh Chi (theo Cstc)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-giu-hon-dan-co-giua-pho-thi-cao-bang-a28337.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Bản sắc văn hóa làm nên bản lĩnh dân tộc

    Bản sắc văn hóa làm nên bản lĩnh dân tộc

    (ĐSPL) Đây không phải lần đầu tiên chúng ta gióng lên những hồi chuông báo động về sự lai căng, sính ngoại của dòng văn hóa ngoại lai xâm nhập vào đời sống người dân. Vấn đề gìn giữ, không để văn hóa Việt bị mai một đã và đang là vấn đề đau đầu với những nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, xã hội,....